Tránh ghi chép quá nhiều kiến thức và từ ngữ diễn giảng
Theo đó yêu cầu giáo viên cần quan niệm giáo án là một bản thiết kế tiến trình và các hoạt động của giáo viên và học sinh trong giờ học. Do đó, cần tránh việc ghi chép quá nhiều kiến thức và từ ngữ diễn giảng của giáo viên.
Giáo án không nhất thiết phải theo cấu trúc tuân thủ trình tự các bước lên lớp (ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, nội dung bài mới, củng cố, dặn dò) mà tùy theo điều kiện cụ thể, giáo viên vận dụng cho sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt.
Thể hiện một giờ dạy có tính mở
Giáo án phải luôn căn cứ, bám sát vào mục tiêu về kiến thức, phát triển các kĩ năng và giáo dục tư tưởng tình cảm cho học sinh. Một giáo án đổi mới phải là giáo án chi tiết các khâu trong một giờ dạy có tính "mở", trong đó giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn và học sinh tìm tòi nghiên cứu.
Hệ thống câu hỏi trong giáo án đảm bảo phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, nhiều yêu cầu về các cấp độ kiến thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng: "Như thế nào?", "Vì sao... ?", "Hãy phân tích? ", "Cảm nhận của em?", "Ý kiến của em", "Hãy tưởng tượng nếu...",...
Giáo án cần dành một thời lượng thích đáng, phù hợp để hướng dẫn học sinh học bài cũ và chuẩn bị bài mới ở nhà.
Mẫu giáo án phải được thống nhất trong toàn tổ chuyên môn về các tiêu mục, (A, B, C), khung cột, bố cục (I, II, III); đảm bảo chính xác, khoa học, thẩm mĩ; tuyệt đối không dùng chung một file giáo án in ra cho nhiều giáo viên cùng sử dụng.