Nội dung kiến thức, độ khó đề tham khảo Hóa học
Nhận xét về đề tham khảo môn Hóa học, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhóm giáo viên giảng dạy môn Hóa, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho rằng, đề đã giảm yếu tố tính toán, nhiều câu liên quan đến ứng dụng thực tiễn; không quá khó, nhưng khá dài. Nếu học sinh không nắm chắc được bản chất hóa học và đọc kỹ đề sẽ khó đạt điểm cao.
Phần lớn câu hỏi được phát triển từ các nội dung đã được đề cập trong sách giáo khoa; kiến thức lớp 10, lớp 11 khoảng 35%. Có một số câu liên quan đến phần chuyên đề Hóa học (phân bón, cháy nổ, cơ chế phản ứng), nếu học sinh được học phần chuyên đề thì mức độ sẽ dễ hơn các em không học.
Cũng nhận định về đề tham khảo, theo cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội), đề bao phủ hầu hết các nội dung cốt lõi của chương trình Hóa học THPT, đặc biệt là lớp 12. Đề có tính phân hóa cao, đảm bảo khả năng phân loại học sinh theo các mức độ từ trung bình đến giỏi; tiếp tục xu hướng đánh giá năng lực tư duy của học sinh, không chỉ là sự ghi nhớ kiến thức mà còn là khả năng suy luận và giải quyết vấn đề.
Về độ khó, đề tham khảo có 3 mức độ chính: Nhận biết: 16 câu (13 câu phần I, 3 câu phần II); thông hiểu: 12 câu (1 câu phần I, 7 câu phần II, 3 câu phần III); Vận dụng: 12 câu (3 câu phần I, 6 câu phần 2, 3 câu phần III)
Về nội dung kiến thức, lớp 12 chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 80% tổng số câu hỏi, tập trung vào các chủ đề chính như ester, carbohydrat, amine-aminoa acid, kim loại và các phản ứng liên quan đến hợp chất hữu cơ phức tạp.
Lớp 11 chiếm khoảng 7,5% bao gồm các câu hỏi liên quan đến kiến thức về phân bón hóa học, hidrocarbon, phổ hồng ngoại. Có 3 lệnh hỏi thuộc lớp 11 (câu 8 và câu 13 - Phần I) và 1 lệnh hỏi thuộc câu 3 phần II, trong đó có 1 câu thuộc chuyên đề phân bón (câu 8 - Phần I).
Lớp 10 chiếm khoảng 7,5% nội dung tập trung vào các khái niệm cơ bản về cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn và năng lượng hóa học. Đề có 2 câu thuộc lớp 10 (câu 5, câu 7 - Phần I, câu 5 - Phần III), trong đó có 1 câu thuộc chuyên đề Hóa học trong việc phòng chống cháy nổ (câu 7 - Phần I).
Những điểm mới
Cô Nguyễn Thị Hoa nêu ra những điểm mới của đề tham khảo Hóa học so với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước. Theo đó, về số lượng câu hỏi chuyển từ 40 câu xuống còn 28 câu (tương ứng với 40 lệnh hỏi) trong thời gian 50 phút.
Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn gồm 18 câu, mỗi câu đúng được 0,25 điểm, nên có tổng điểm là 4,5 điểm. Điểm mới ở đề thi tham khảo năm 2025 là xuất hiện câu hỏi dạng dùng chung dữ liệu, ví dụ như câu 17 và câu 18.
Phần trắc nghiệm chọn lựa đáp án đúng/sai gồm 4 câu (16 lệnh hỏi) với điểm tối đa của một câu hỏi là 1 điểm. Đây là cách ra đề và tính điểm mới, cụ thể:
Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; chọn chính xác 4 ý trong 1 câu hỏi được 1,0 điểm.
Phần câu trắc nghiệm trả lời ngắn gồm 6 câu hỏi tương đương 6 lệnh hỏi, mỗi lệnh được 0,25 điểm tổng 1,5 điểm.
Nội dung câu hỏi thiên về lý thuyết và bản chất hóa học, ít câu hỏi tính toán hơn. Có nhiều câu liên quan đến ứng dụng thực tiễn yêu cầu học sinh phải hiểu sâu về bản chất hóa học để đạt điểm cao.
Lưu ý dạy học với đề tham khảo
Với đề tham khảo như Bộ GD&ĐT công bố, cô Trịnh Thị Minh Phương, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) lưu ý giáo viên cần đầu tư dạy cho học sinh biết phân tích sâu về lý thuyết, giảm tải các bài toán tính phức tạp, không đúng thực tế vận dụng.
Phần câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn tương đối dài và khó; có 2 câu liên quan đến chuyên đề học tập (câu 7 về phòng chống cháy nổ và câu 13 về cơ chế phản ứng) nhưng ở mức độ nhận biết. Dự đoán phổ điểm chung khoảng 7 điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học với đề tham khảo tại Trường THPT Ban Mai, cô Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh đầu tiên đến việc giáo viên cần phân loại học sinh theo năng lực để cung cấp các bài tập phù hợp với từng nhóm. Lồng ghép các ví dụ thực tiễn vào giảng dạy để học sinh có thể áp dụng kiến thức vào đời sống.
Giáo viên thường xuyên tổ chức các bài kiểm tra trắc nghiệm kết hợp tự luận để học sinh quen với cấu trúc đề thi và biết cách phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài.
“Để học sinh làm quen với Kỳ thi đổi mới, cần tổ chức các kỳ thi thử, đề thi theo cấu trúc đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Giáo viên cũng mong tiếp cận được với nguồn đề thi chất lượng, bám sát đề tham khảo để cho học sinh làm quen áp lực thời gian và dạng câu hỏi”, cô Nguyễn Thị Hoa kiến nghị.