Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới CT GDPT của tỉnh, thành phố; ban hành kế hoạch thực hiện CT GDPT theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm cho việc thực hiện CT GDPT 2018 trình UBND tỉnh để xem xét, bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện CT GDPT 2018.
Chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu, đề xuất với UBND quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT của quận, huyện phù hợp với kế hoạch của tỉnh.
Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung CT GDPT 2018.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức biên soạn nội dung giáo dục địa phương về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc theo Công văn số 1106/BGDĐT-GDTrH.
Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện CT GDPT 2018 phù hợp với kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm của địa phương thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ (phù hợp với lộ trình áp dụng CT GDPT 2018). Chỉ đạo các cơ sở GDPT sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện CT GDPT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới CT GDPT.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn theo phân cấp quản lí. Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại địa phương hằng năm, báo cáo về Bộ GD&ĐT cùng với báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm học.
Năm học 2019-2020, giáo dục trung học tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của toàn ngành.
Phương hướng chung, sẽ tăng cường quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp giáo dục trung học theo hướng hợp lí và hiệu quả;
Tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh;
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT 2018; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong CT GDPT hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng CT GDPT 2018;
Thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực; đổi mới phương thức đánh giá học sinh; tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương; tăng cường phân cấp quản lí, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục.