Những lưu ý của cô Vũ Thị Quý dựa trên chương trình môn Tin học lớp 12, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Tin học năm 2025.
Hiểu rõ cấu trúc đề thi và phạm vi kiến thức
Cô Vũ Thị Quý cho biết, cấu trúc đề Tin học thi tốt nghiệp THPT bao gồm 2 phần.
Phần I: Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn với 24 câu hỏi (mỗi câu có 4 phương án trả lời).
Phần II: Trắc nghiệm đúng/sai với 4 câu hỏi (mỗi câu gồm 4 ý, mỗi ý chọn đúng hoặc sai).
Phạm vi kiến thức của đề xuyên suốt từ lớp 10, 11, 12. Theo đó, phần chung gồm 7 chủ đề: Giới thiệu về trí tuệ nhân tạo; Kết nối mạng; Giữ gìn tính nhân văn trong không gian mạng; Tạo trang web; Hướng nghiệp với tin học; Giới thiệu về hệ cơ sở dữ liệu; Lập trình cơ bản.
Phần riêng là định hướng tin học ứng dụng, gồm 2 chủ đề: Thực hành sử dụng phần mềm tạo trang web; Thực hành tạo và khai thác cơ sở dữ liệu.
Ôn tập theo lộ trình: Chậm mà chắc
Về phương pháp ôn tập, cô Vũ Thị Quý khuyên thí sinh không nên học lan man mà hãy chia nhỏ các chủ đề kiến thức và ôn theo từng tuần, cụ thể:
Tuần 1- 2: Ôn tập các kiến thức chủ đề 1, 2, 3, 5 với các nội dung kiến thức như sau:
Trí tuệ nhân tạo: AI, những ứng dụng của AI, tác động của AI trong khoa học và cuộc sống.
Mạng máy tính và Internet, kết nối mạng: Các khái niệm cơ bản về mạng máy tính, cấu trúc mạng, mô hình OSI, TCP/IP và các giao thức cơ bản như HTTP, FTP. Học sinh cũng nên nắm vững các loại mạng như mạng LAN, WAN và các thiết bị mạng cơ bản (router, switch).
Văn hóa, đạo đức, pháp luật trong môi trường số: Cần hiểu rõ các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, thể hiện tính nhân văn trong giao tiếp trực tuyến; nắm được các quy định của pháp luật về an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Ngành nghề phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thí sinh làm các câu trắc nghiệm theo chủ đề của tài liệu ôn tập có lời giải chi tiết (có thể lập sổ tay ghi chú lại các câu hay sai).
Tuần 3- 4: Ôn tập lý thuyết và thực hành chủ đề 4, 8 với các nội dung kiến thức như sau:
Sử dụng ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML để tạo trang web: Nắm được cấu trúc, cú pháp sử dụng các thẻ HTML cơ bản để định dạng văn bản, chèn hình ảnh, tạo liên kết, bảng biểu, danh sách,... sử dụng CSS để định dạng trang web, tạo kiểu cho các thành phần HTML.
Sử dụng ứng dụng (Google Sites, Wix, ….) với giao diện trực quan, hỗ trợ thao tác kéo thả, tùy chỉnh bố cục, thuận tiện để xây dựng chi tiết thành phần, đối tượng, nội dung của trang web.
Vận dụng thực hành với một số nội dung để khắc sâu hơn kiến thức của chủ đề.
Thí sinh làm các câu trắc nghiệm theo chủ đề của tài liệu ôn tập có lời giải chi tiết.
Tuần 5: Ôn tập lý thuyết và thực hành chủ đề 7, 6, 9. Ở tuần này, thí sinh lưu ý:
Cần nắm chắc cú pháp cơ bản cấu trúc lặp (for, while) và câu lệnh điều kiện (if, elif, else), xử lý chuỗi, dữ liệu danh sách, hiểu cách tính toán đơn giản và kiểm tra các điều kiện với gắn với tính giá trị của biến.
Kiến thức về cơ sở dữ liệu sẽ có trong đề thi, với các câu hỏi về thiết kế bảng, truy vấn SQL cơ bản. Học sinh cần phải hiểu các câu lệnh cơ bản trong SQL như SELECT, INSERT, UPDATE, DELETE, và các phép toán JOIN. Luyện tập xây dựng các truy vấn để thực hiện các tác vụ tìm kiếm, lọc và thống kê dữ liệu
Thí sinh làm các câu trắc nghiệm theo chủ đề có lời giải chi tiết.
Tuần 6 - 8: Luyện đề. Luyện đề thi thử là cách tốt nhất để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Các em nên cố gắng làm hết đề trong khoảng thời gian quy định.
Mỗi đề các em hãy làm như đang thi thật, căn giờ (45-50 phút), không tra tài liệu. Sau mỗi lần giải đề, hãy chấm điểm lại, phân tích lỗi sai, ghi lại để để tìm cách cải thiện.
“Khi ôn thi, các em không nên học tủ; hãy lên kế hoạch ôn từng phần mỗi tuần, làm sơ đồ tư duy cho từng chuyên đề, tạo nhóm học và giải đề cùng nhau để học hỏi lẫn nhau. Khi luyện đề, các em hãy thử làm lại đề cũ trong điều kiện thời gian thực”, cô Vũ Thị Quý đưa lời khuyên.
Kỹ năng làm bài thi
Cô Vũ Thị Quý đưa ra một số mẹo lúc vào phòng thi thí sinh nên áp dụng như sau: Đọc đề toàn bộ một lượt; đọc kỹ đề, xác định từ khóa trong câu hỏi; loại trừ các phương án sai trước, tăng tỷ lệ chọn đúng; làm từ dễ đến khó, không sa lầy vào một câu.
Thí sinh cần cẩn thận lỗi sai không đáng có, như: Sai cú pháp của NNLT, lỗi indent (thụt dòng không chuẩn), hay quên int() khi xử lý dữ liệu nhập vào, hoặc trong truy vấn SQL sai cú pháp (SELECT * FROM... quên dấu chấm phẩy)).
Cuối cùng, các em hãy nhớ kiểm tra kỹ bài làm trước khi nộp.
Trong suốt quá trình ôn tập, làm bài thi, học sinh cần giữ được tâm lý thoải mái, không bị căng thẳng. Đừng quên duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe để làm bài thi hiệu quả.
Môn Tin học không phải chỉ học thuộc mà còn phải hiểu và thực hành nhiều. Các em hãy tự tin vào khả năng của bản thân và không ngừng học hỏi. Đừng chỉ học để thi, hãy học để hiểu, vì kiến thức Tin học sẽ còn đồng hành cùng các em ở đại học và trong cuộc sống sau này.