Lưu ý kiến thức lý thuyết và bài tập Sinh học thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Sinh học được xem là một môn tự nhiên, nhưng lại kết hợp với kiến thức xã hội, vừa phải học lý thuyết, vừa phải làm bài tập. Với đặc thù này, phải học ôn môn Sinh học như thế nào để đạt hiệu quả? 

Lưu ý kiến thức lý thuyết và bài tập Sinh học thi THPT quốc gia

Dưới đây là chia sẻ của cô Lý Thị Thanh Hương - Giáo viên Trường THPT Phan Thiết (Bình Thuận), với các sĩ tử tham gia thi THPT quốc gia sắp tới.

Lý thuyết: Học theo chủ đề

Với phần lý thuyết môn Sinh học, học sinh nên học theo chủ đề. Với mỗi chủ đề, nên hệ thống kiến thức dưới dạng sơ đồ, nắm vững ý chính của từng bài; từ ý chính triển khai các ý phụ và khai thác thêm các ý trong sách giáo khoa.

Sau khi học xong từng chủ đề, việc tiếp theo là tiến hành luyện tập trắc nghiệm theo chủ đề. Khi làm trắc nghiệm, học sinh lưu ý, không đọc lướt mà đọc thật kỹ để không bỏ sót chi tiết.

Dùng bút gạch chân những điểm đáng chú ý, có thể dùng phương pháp loại bỏ để giảm bớt lựa chọn.

Bài tập: Lưu ý theo từng dạng bài

Các bài tập di truyền phân tử và bài tập di truyền học quần thể thuộc khoa học chính xác như Toán học, Vật lý, Hóa học. Do đó, học sinh buộc phải nắm chắc công thức mới giải được.

Bài tập qui luật di truyền thuộc khoa học thực nghiệm. Với dạng bài này,

học sinh sử dụng lí thuyết đã học để giải thích kết quả một thí nghiệm theo đề bài.

Điều quan trọng nhất là phải nhận định được bài tập đã cho thuộc qui luật di truyền nào, từ đó học sinh có thể dùng phương pháp giải nhanh để ra kết quả, đáp án (không cần viết sơ đồ lai).

Các bài tập thuộc đột biến, yêu cầu học sinh phải thông hiểu kiến thức lý thuyết để xác định các dạng đột biến; có thể dùng phương pháp giải nhanh đối với những bài tập đột biến số lượng nhiễm sắc thể

Lưu ý: Đối với những bài tập quá khó so với khả năng học của mình, học sinh nên bỏ qua, đừng mất nhiều thời gian với những bài tập này vì giá trị điểm mỗi câu là ngang nhau.

4 việc cần làm trong 7 tuần ôn tập cuối cùng

1.Xác định tư tưởng lập trường vững vàng, tự giác học tập.

2. Lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian học khoa học; xen kẽ giữa các môn tự nhiên và xã hội. giữa học tập và giải trí hợp lý. Kiên định với kế hoạch đặt ra.

3.Đi học đều đặn để không mất kiến thức, lắng nghe thầy cô giảng bài và phát biểu ý kiến để nhớ lâu

4.Chuẩn bị tốt tất cả những yêu cầu của thầy cô trước khi đến lớp, đây chính là cơ sở cho buổi học sau đạt kết quả tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ