Lưu ý khi nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ

GD&TĐ - Để phòng bệnh, mọi người cần tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Người dân được khuyến cáo không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Người dân được khuyến cáo không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế khi số ca mắc tăng nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến ngày 13/9, toàn thế giới đã ghi nhận 59.179 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 102 quốc gia và có 19 trường hợp tử vong.

Trong chương trình “Đậu mùa khỉ: Hiểu đúng để phòng ngừa” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tổ chức, thạc sĩ Trương Thị Thanh Lan - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, HCDC - cho biết, đối với việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, theo quy định của Bộ Y tế, khi đáp xuống sân bay, hành khách sẽ đi qua một máy đo thân nhiệt.

“Nếu máy phát hiện chúng ta có dấu hiệu sốt, người bệnh sẽ được đưa đến phòng y tế. Sau đó, được đánh giá triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ để xem có thuộc nhóm nguy cơ, nghi ngờ mắc bệnh hay không”, thạc sĩ Lan cho biết.

Sau khi đánh giá, nếu không thuộc nhóm nghi ngờ, người dân sẽ được ra về. Trong khi đó, người thuộc nhóm nghi ngờ theo tiêu chuẩn giám sát sẽ được đưa đến cơ sở y tế.

Người bệnh sẽ tiếp tục được xét nghiệm để xem có mắc đậu mùa khỉ không. Song, thạc sĩ Lan nhấn mạnh, tại sân bay, sau khi nhập cảnh, mọi người vẫn có yếu tố nguy cơ. Do đó, hành khách sau khi nhập cảnh vào Việt Nam nên tự theo dõi sức khỏe 21 ngày.

ThS.BS Đinh Thị Hải Yến - Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thuộc HCDC - chia sẻ, khi nhập cảnh, hành khách sẽ không phải cách ly như Covid-19. Chỉ khi hành khách có triệu chứng nghi ngờ tại cửa khẩu, đơn vị tại sân bay sẽ thực hiện hoạt động kiểm dịch.

Bên cạnh đó, đậu mùa khỉ là bệnh lây qua đường tiếp xúc. Do vậy, bác sĩ Yến khuyến cáo, người dân hạn chế, không tiếp xúc với động vật hoang dã. Không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, có vết nổi ban bóng nước trên da. Đặc biệt, rửa tay là biện pháp vô cùng quan trọng để phòng bệnh, không chỉ đậu mùa khỉ mà cả các bệnh khác.

Theo bác sĩ Dương Minh Hải - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS thuộc HCDC, để tự nhận biết triệu chứng đậu mùa khỉ, người dân nên chủ động đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm. Tuân theo sự hướng dẫn của hệ thống y tế, có thể cách ly điều trị để hạn chế lây lan cho cộng đồng, người thân.

Điều đặc biệt trong phòng bệnh đậu mùa khỉ là lưu ý ở nhóm đồng giới nam. Nếu dịch lưu hành nhiều như ở Mỹ và châu Âu, bác sĩ Hải khuyến cáo, nhóm đồng giới nam nên giảm số bạn tình. Đồng thời, tạm thời ngừng quan hệ tình dục khi dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng.

Nếu quan hệ tình dục, phải biết rõ về bạn tình để trao đổi thông tin. Bác sĩ Hải lưu ý, nhóm đồng giới nam có thể sử dụng bao cao su để phòng AIDS, nhưng không phòng được đậu mùa khỉ. “Vắc-xin đang sử dụng trên thế giới là vắc-xin đậu mùa, nhưng người ta thấy vẫn có hiệu quả trong việc phòng đậu mùa khỉ. Giới khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để tạo ra vắc-xin hiệu quả hơn trong phòng bệnh đậu mùa khỉ”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Theo HCDC, để phòng bệnh, mọi người cần tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Tránh những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác bao gồm quan hệ tình dục.

Người đến từ các quốc gia vùng lãnh thổ có lưu hành dịch đậu mùa như khu vực Trung và Tây Phi cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, kiểm tra.

Ngoài ra, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ