Lương và "lậu"

Lương và "lậu"

(GD&TĐ) - Trước tiên, phải thẳng thắn thừa nhận mức lương tối thiểu của ta hiện nay thấp. Dĩ nhiên ai cũng hiểu điều đó phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Với mức lương tối thiểu hiện nay, bất cứ ai cũng khó sống nếu không có khoản thu nhập nào khác, cho dù đã thắt lưng buộc bụng… Và đây là chuyện rất đáng để bàn.

1. Theo các chuyên gia kinh tế, để cho việc điều chỉnh lương mang ý nghĩa thực sự thì song hành với nó phải là việc tăng năng suất và hiệu quả lao động. Thời gian qua, mức lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh theo hướng đi lên. Đó là điều cần thiết, phù hợp với sự phát triển của cuộc sống. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận mức lương tối thiểu của ta hiện nay thấp. Lấy một ví dụ cụ thể: Một đôi vợ chồng trẻ, tốt nghiệp đại học, đi làm tại Hà Nội mỗi tháng thu nhập của 2 người 6 triệu đồng. Tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện, nước, xăng xe và các chi phí khác (rất nhiều loại gộp vào), họ cũng chỉ đủ sống, không thể có tích lũy. Vẫn đôi vợ chồng đó, nếu họ có 1 con, tiền mua sữa, tiền học mầm non... của cháu mỗi tháng tổng cộng mất 3 triệu đồng, như vậy mất hẳn 1 suất lương. Suất lương còn lại hai vợ chồng sống cách gì? Từ đó mới có chuyện “chân ngoài dài hơn chân trong”, làm thêm bên ngoài cơ quan của mình để kiếm tiền mới là quan trọng chứ không phải là làm cho nơi mình nhận lương đều đặn hàng tháng và được đóng bảo hiểm.

Cũng do lương thấp, tổng thu nhập mỗi tháng thấp, nên có chuyện ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động đành bỏ việc. Với các doanh nghiệp, cùng với việc đổi mới công nghệ, vấn đề phải quan tâm là vốn quý con người làm ra sản phẩm. Sự quan tâm ấy phải được thể hiện qua việc trả lương thỏa đáng, đúng với công sức của người lao động. 

TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế - cho rằng, đối với những doanh nghiệp muốn giữ người lao động, họ đều đã nâng lương lên trước khi Nhà nước nâng mức lương tối thiểu. Trong trường hợp này nên để cho người lao động và người sử dụng lao động thương thảo với nhau để có được mức lương chấp nhận được. 

Chế độ lương thưởng cho đội ngũ nhà giáo ngày càng được quan tâm. Ảnh: Hoàng Đan
Chế độ lương thưởng cho đội ngũ nhà giáo ngày càng được quan tâm. Ảnh: Hoàng Đan
 

2. Trên thực tế, một số người coi đồng lương như một khế ước ngầm giữ chân họ, còn thì dù lương đã được nâng lên nhưng thái độ lao động vẫn không tốt hơn. Đó là một thực tế. Nhất là với các cơ quan hành chính, công việc vẫn như vậy dù lương thấp hay cao. Lương thấp thì kêu, nhưng lương cao hơn rồi vẫn kêu và vẫn trì trệ. Ở đây chính là thái độ của từng người đối với công việc được giao, chứ không hẳn là tiền lương. Kỉ luật lao động lỏng lẻo, người phụ trách thì sợ làm nghiêm cấp dưới sẽ không ủng hộ (nhất là trong những lần bầu bán, bỏ phiếu), nên cũng lờ đi. Thế là tạo ra một chuỗi dây chuyền từ người này sang người khác, từ cấp to ở trên đến cấp trung gian rồi lan xuống cấp bé hơn,dẫn đến việc ngồi chơi mà vẫn... xơi nước. 

Nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng, lương là một trong những động lực khiến lao động làm việc hiệu quả hơn, năng suất lao động cũng cao hơn, vì thế nâng lương bao giờ cũng phải đi liền với tăng năng suất lao động.  Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), khi chỉ số giá sinh hoạt tăng, tiền lương của người lao động bị giảm sút và Chính phủ phải điều chỉnh lương tối thiểu. Nhưng mức lương tối thiểu không thể đảm bảo được đời sống cho người mà cần phải thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm pháp bình ổn giá cả. Do đó, với ta, việc điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu hiện giờ vẫn là lo cho đời sống người lao động chứ không hẳn đã là nguyên tắc.

Công nhân là những người có thu nhập thấp trong xã hội
Công nhân là những người có thu nhập thấp trong xã hội
 

3. Đã từ lâu, từ lương bao giờ cũng đi kèm với từ “lậu” trong giới công chức. Đôi khi, phần “lậu” nhiều hơn, còn tiền lương chỉ có ý nghĩa cơ bản, tượng trưng. Không làm vẫn được hương lương đều hàng tháng, vì thế có người đặt câu hỏi: Lương của công chức hiện nay cao hay thấp? Nhiều người cho rằng không thấp vì công chức còn có những khoản thu nhập ngoài lương, những "đặc lợi" nhiều khi gấp nhiều lần so với lương chính thức và nhất là không chịu trách nhiệm với phần việc được giao nhưng vẫn hưởng lương. Vì thế, đứng ở góc này nhìn thấy lương thấp, nhưng đứng ở góc khác rọi vào thì lại thấy mức lương như vậy cao.

Thực sự, cũng không hẳn người lao động nào cũng muốn phần “lậu” cao hơn lương, không muốn “chân trong dài hơn chân ngoài” - mà muốn đồng lương mình được nhận đủ sống, nuôi được gia đình. Cũng chính vì điều đó không có nên mới nảy sinh nhiều biến tướng để kiếm thu nhập ngoài lương, và một hậu quả khác chính là không thu hút được người có năng lực vào làm việc, cũng không khiến họ dốc sức hết lòng với công việc. Thật đáng ngạc nhiên là cho dù đồng lương thấp, nhưng vẫn có không ít người đang sống khỏe, có tích lũy khá, có ôtô riêng, có biệt thự sang trọng, đầy đủ tiện nghi, mà với mức lương của họ thì đương nhiên không thể nào tậu được những thứ đó. Như vậy tức là họ có những khoản thu nhập ngoài lương, những đặc lợi gấp nhiều lần so với lương chính thức. Có thể thấy, khoản thu nhập ngoài lương rất cao này không minh bạch, không kiểm soát được, đang diễn biến rất tinh vi, muôn hình vạn trạng. 

4. Nhà giáo cũng là người hưởng lương từ ngân sách (trừ nhà giáo dạy tại các trường dân lập, tư thục). Vậy, nhà giáo có thể sống được bằng lương không khi mà họ không có “lậu”?

Nói gì thì nói, đương nhiên là sống được vì từ trước tới nay vẫn thế. Nhà nước thấu hiểu nhà giáo nên lương của giáo giới có ưu tiên hơn một số ngành nghề khác, sinh viên các trường sư phạm cũng được ưu ái hơn. Tuy nhiên, sự ưu tiên ấy không thể làm cho nhà giáo có mức thu nhập bình quân bằng người cùng một bằng cấp đào tạo, bằng số năm công tác... đang hoạt động ở lĩnh vực khác. Vì thế, khi giá cả thị trường leo thang, mệnh giá đồng tiền giảm, một trong những nhóm đối tượng bị tác động đầu tiên và sâu sắc nhất, dễ bị tổn thương nhất lại chính là những người đang làm nghĩa vụ vinh quang: trồng người.

Nghề dạy học tuy không phải là “người của công chúng”  nhưng luôn được xã hội nhìn vào, buộc họ phải là một tấm gương thanh cao, liêm khiết, không thể làm thêm những công việc “nhếch nhác”, dù là công việc lương thiện. Trong khi về nguyên tắc, thu nhập cao mới làm việc tốt, thì những gì đội ngũ nhà giáo đang âm thầm cống hiến quả là một điều rất đáng trân trọng.

Có người nói: Trả lương ngần nào tôi làm ngần ấy, có thực mới vực được đạo. Nhưng thực tế thì trong rất nhiều trường hợp, dù lương cao bổng dày, người ta vẫn lười như thường...

Gia Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ