Đây là 2 nội dung trong Báo cáo khuyến nghị phương án tiền lương tối thiểu năm 2021, được Hội đồng tiền lương Quốc gia chính thức gửi tới Chính phủ hôm 28/8.
Đề xuất của Hội đồng dựa trên căn cứ quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); sau khi đánh giá, phân tích tình hình Covid-19 và trên cơ sở kết quả thương lượng.
Lương tối thiểu tăng nhưng thu nhập bình quân giảm
Theo báo cáo của Hội đồng tiền lương Quốc gia, mặc dù từ ngày 1/1/2020, cả nước áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/2020 là 5,2 triệu đồng, nhưng lại giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua.
Trong báo cáo khuyến nghị, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng nêu rõ những ưu điểm của phương án tiền lương tối thiểu năm 2021.
Theo đó, phương án nêu ra được định hướng chính sách rõ ràng, ổn định để doanh nghiệp chủ động sắp xếp, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Đồng thời qua đó góp phần tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại giữa những nước lớn.
Phương án thể hiện sự chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp và nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động theo Nghị quyết của Chính phủ.
Đề xuất cũng nhằm kỳ vọng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu để duy trì sản xuất, việc làm.
Tạo thuận lợi cho người lao động giữ được việc làm, hoặc có cơ hội thuận lợi tái tham gia thị trường lao động. Bảo đảm được tính thống nhất trong chủ trương chung của Chính phủ trong việc thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, báo cáo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng nêu rõ hạn chế của phương án, đó là: Trong năm 2021 nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (trên 2,5%) thì tiền lương tối thiểu thực tế sẽ bị giảm so mức sống tối thiểu của người lao động.
Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong năm 2021.
67 % doanh nghiệp áp dụng 1 trong 4 giải pháp nhân sự
Đánh giá của Hội đồng tiền lương Quốc gia, khoảng gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất 1 trong 4 giải pháp về nhân sự để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: Cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động.
Trong đó, giải pháp “cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 40% doanh nghiệp thực hiện), trên 28% doanh nghiệp thực hiện “cắt giảm lao động”.