Lương Sơn (Hòa Bình): 6 mỏ đá bao vây ba chục hộ dân

GD&TĐ - Một diện tích nhỏ hẹp nhưng có đến 6 mỏ khai thác đá hoạt động ngày đêm khiến cho gần 30 hộ dân nơi đây như sống trong 'địa ngục'.

Một mỏ khai thác đá hoạt động trên địa bàn xã Cao Dương.
Một mỏ khai thác đá hoạt động trên địa bàn xã Cao Dương.

Sinh hoạt chung với bụi

Cách đường Hồ Chí Minh chừng hơn 200m, ngôi nhà nơi sinh sống của 5 nhân khẩu trong gia đình bà Bùi Thị An (dân tộc Mường, trú tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) nhiều năm qua bị bao phủ bởi một màu trắng xóa của bụi. Căn nhà thấp tầng nằm ngay cạnh đường đi lúc nào cũng phải đóng kín cửa để ngăn bụi xâm nhập.

Theo bà An, khói bụi là hậu quả mà không chỉ gia đình bà mà nhiều người dân sinh sống tại thôn Đồng Om phải hứng chịu từ khi 6 mỏ khai thác đá đua nhau mọc ra và hoạt động hết công xuất bất kể ngày đêm.

Nhẩm tính, bà An kể ra một loạt những cái tên mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn như mỏ đá số 5, số 7, mỏ Hoàng Đạt, mỏ Thiên Hà, Thung Nai, Phát Đạt. Có những mỏ thời gian hoạt động lên đến gần 10 năm, có những mỏ mới đi vào hoạt động vài năm trở lại đây nhưng điểm chung nhất là đều khiến cuộc sống những người dân ở thôn Đồng Om bị đảo lộn.

Chỉ tay ra con đường chạy sát cổng nhà, bà An cho biết nơi này trước đây là một con đường đất, mỗi khi có mưa đường trơn trượt nhưng chỉ ảnh hưởng rất ít đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, từ khi các mỏ khai thác đá đi vào sản xuất họ đầu tư vốn, mở đường lớn bê tông phục vụ cho các xe hạng tải cỡ nặng đi vào mỏ “ăn đá”.

“Mới làm được vài năm nhưng con đường đã bị xe tải chở đá cày nát. Điều này dẫn đến việc người dân như chúng tôi phải chịu khổ 2 lần. Cụ thể là mùa mưa đường lầy lội, đầy bùn đất bẩn. Trong khi đó, mùa hanh còn khổ sở hơn do xe chạy gây khói bụi mù mịt. Khói bụi này cộng với bụi từ những vụ nổ mìn để khai thác đá khiến người dân đã khổ càng thêm khổ”, bà An cho biết.

Cụ Hoàng Thị Mử (mẹ chồng bà An) nhiều năm nay sức khỏe đã giảm sút nhiều do khói bụi từ các mỏ khai thác đá. Cụ Mử cho biết, ở tuổi 83, với người như cụ đáng ra phải được sống trong môi trường trong lành nhưng hàng ngày, cụ vẫn phải sống, sinh hoạt chung với khói bụi, ô nhiễm.

Để phần nào hạn chế lại tác hại của bụi, gia đình cụ Mử đã phải trồng rất nhiều cây xanh che chắn trước cửa nhà và tưới nước đồng thời đóng kín các cửa nhưng theo cụ Mử, cách làm này cũng không thấm vào đâu. “Dân chúng tôi đã nhiều lần ý kiến, chính quyền địa phương cũng đến xem xét tình hình nhưng nhiều năm trôi qua việc đâu vẫn để đó, chưa được giải quyết”, cụ Mử nói.

Ông B.V.Đ. (trú tại thôn Đồng Om) hiện đang làm bảo vệ tại một mỏ đá hoạt động trên địa bàn xã. Ông Đ. cho biết là người làm thuê tại mỏ đá, việc lên tiếng với báo chí về hoạt động của mỏ khai thác đá là không nên nhưng theo ông, do gia đình và người dân bị ảnh hưởng quá nhiều nên ông buộc phải góp tiếng nói chung.

“Khi chúng tôi phản ánh gay gắt quá về tình trạng khói bụi thì họ đưa xe xịt nước để xịt đường để xoa dịu còn không thì mặc kệ, dân sống chết ra sao họ không cần biết”, ông Đ. chia sẻ.

“Khát” nước, thừa tiếng ồn

Bụi bám dày đặc trước thềm nhà ông Đinh Công Chiến.

Bụi bám dày đặc trước thềm nhà ông Đinh Công Chiến.

Căn nhà của gia đình ông Đinh Công Chiến (55 tuổi) được xây dựng từ nhiều năm trước với thiết kế nhiều lỗ nhỏ để hứng gió trời vào những ngày nóng bức nhưng kể từ khi các mỏ khai thác đá đua nhau mọc lên trên địa bàn thôn nên ông phải quyết định dùng kính đóng chết những vị trí này cũng để ngăn ngừa khói bụi.

Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp (36 tuổi) cũng phải bỏ chi phí ra để lắp đặt một tấm vải cỡ lớn dựng trước nhà chỉ để ngăn ngừa bụi. Tại thôn Đồng Om, gia đình anh Hiệp được xem như hộ khốn khổ nhất khi 3 mặt đều tiếp giáp với mỏ khai thác đá đang hoạt động. “Cứ đều đặn vài ngày, gia đình lại phải dùng máy xịt để vệ sinh tấm vải một lần. Mất chi phí nhưng xem ra việc ngừa bụi cũng không đáng kể”, anh Hiệp thông tin.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề khói bụi, theo người dân, hoạt động của các mỏ khai thác đá cũng khiến nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở thôn Đồng Om, người dân từ lâu vẫn chung thành với việc đào giếng khơi, trữ nước tại các bể chứa sau đó cho qua máy lọc để dùng sinh hoạt.

Tuy nhiên, các mỏ khai thác đá hoạt động khiến bụi xâm nhập vào các bể chứa dẫn đến nguồn nước không thể sinh hoạt. Quan sát tại những bể chứa nước của các hộ gia đình tại thôn Đồng Om đều có thể thấy những lớp bụi đóng kín mặt nước. Lượng bụi này sau đó lắng xuống khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Trong khi nhà bà An phải mua nước đóng bình để nấu ăn, uống thì hộ nhà ông chiến đều đặn mỗi ngày phải dùng can để đi lấy nguồn nước tự nhiên nằm cách nhà hơn 2km. “Dùng nước máy khi trước rất trong, sạch, lọc đi có thể dùng sinh hoạt, ăn uống bình thường nhưng giờ có lọc rồi nước đun lên xoong nồi cũng bị bám đen kịt, không thể sử dụng. Nhà tôi cũng dùng thử máy lọc nước nhưng 1 - 2 tháng là phải thay lõi lọc, chi phí rất tốn kém”, ông Chiến chia sẻ.

Gia đình anh Hiệp có 2 con nhỏ, cả 2 vợ chồng đều đi làm, không đi lấy nước tự nhiên về dùng được nên hộ gia đình anh phải chấp nhận việc thay lõi máy lọc nước thường xuyên để xử lý nguồn nước phục vụ cho gia đình. “Đều đặn hơn 1 tháng tôi phải đi thay lõi lọc một lần. Mỗi lần 800 nghìn. Chi phí tốn kém nhưng nguồn nước vẫn không đảm bảo khiến gia đình tôi rất lo lắng”, anh Hiệp thông tin.

Váng bụi dày đặc trên bể chứa nước của nhà dân tại thôn Đồng Om.

Váng bụi dày đặc trên bể chứa nước của nhà dân tại thôn Đồng Om.

Không chỉ dừng ở việc ô nhiễm khói bụi, thiếu nước sạch, nhiều người dân ở thôn Đồng Om còn cho biết vấn đề tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khá nhiều. “Ngày họ nổ mìn 2 lần vào 11 giờ trưa và 5 giờ chiều gây rung chấn dữ dội. Rồi thì máy móc hoạt động, xe di chuyển cứ ầm ầm bất kể ngày đêm”, bà An cho biết.

Quá bức xúc trước những tác động của các mỏ khai thác đá và nhiều lần ý kiến đến các cấp chính quyền không được giải quyết người dân thôn Đồng Om đã phải dựng barie, đồ đạc trước đường đi để ngăn các xe tải vào mỏ. Sau sự việc đó, phía đại diện các mỏ đá mới chịu ngồi lại để tìm cách tháo gỡ khúc mắc của người dân nhưng giữa 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) xác nhận thông tin có tình trạng các mỏ khai thác đá hoạt động gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thôn Đồng Om. Ông Khiên cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có 17 mỏ khai thác đá đã được cấp phép hoạt động, trong đó có 12 mỏ đá đang hoạt động. Riêng trên địa bàn thôn Đồng Om có 6 mỏ đá đang hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

“Chúng tôi đã nhận được tổng cộng 53 đơn thư phản ánh của người dân về các tình trạng trên. Về vấn đề khói bụi, trong lần đối thoại với dân của đại diện các mỏ khai thác đá, họ cũng đã đồng ý hỗ trợ cho người dân số tiền nhất định. Còn về việc thiếu nước sạch thực tế không phải bắt nguồn từ khi các mỏ đá đi vào hoạt động”, ông Khiên cho biết.

Theo Chủ tịch xã Cao Dương hiện toàn bộ địa bàn xã chưa có hệ thống nước sạch. Người dân trước đây sinh hoạt bằng các nguồn như nước giếng khơi, giếng khoan. Hiện tại, chính quyền tỉnh Hòa Bình và huyện Lương Sơn cũng đang lên phương án di dời những hộ dân tại khu vực thôn Đồng Om đến địa điểm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ