(GD&TĐ) - Bộ LĐ-TB-XH cho rằng mức lương hưu bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng không bảo đảm đời sống người lao động. Với kỳ vọng cải thiện mức sống cho người hưu trí ở mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, cơ quan này đang khẩn trương xây dựng Quỹ Hưu trí bổ sung để trình Chính phủ vào tháng 11 tới.
Luật BHXH hiện hành quy định, người lao động (NLĐ) chỉ được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với mức cao nhất không quá 20 tháng lương tối thiểu chung. Do đó, nhiều người mong muốn được đóng thêm tiền để được nhận lương nhiều hơn khi về hưu nhưng không được chấp thuận.
Tổng lương hưu có thể tới 10 triệu đồng/tháng
Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chương trình BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả. Cùng với hưu trí cơ bản bắt buộc, nó mở ra khả năng rộng lớn, đa dạng để NLĐ tự lựa chọn, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi về già.
Quỹ Hưu trí bổ sung có mục đích tạo nguồn tài chính bổ sung để tăng thêm thu nhập cho NLĐ ngoài lương hưu từ hệ thống hưu trí cơ bản hiện hành, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ sau khi nghỉ hưu, nó được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của NLĐ và người sử dụng lao động trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể. Số tiền NLĐ đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của họ tại ngân hàng (do chủ doanh nghiệp lựa chọn) và sẽ tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu, với mức đóng đóng hàng tháng từ 5 – 10% mức thu nhập thực tế hàng tháng nhưng không quá 10 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn nợ BHXH cho người lao động |
NLĐ sẽ được chuyển quyền lợi sang doanh nghiệp mới trong các trường hợp: doanh nghiệp yêu cầu chấm dứt HĐLĐ vì dư thừa lao động, thay đổi cơ cấu tổ chức. Trong trường hợp NLĐ tự nguyện chấm dứt HĐLĐ trước 5 năm, hay bị sa thải vì vi phạm luật lao động thì sẽ không được hưởng quyền lợi. Đối với trường hợp bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn sẽ được hưởng chế độ hàng tháng như khi nghỉ hưu. Có 2 hình thức hưởng là hưởng hàng tháng và chỉ hưởng một lần trong các trường hợp: di cư khỏi Việt Nam; NLĐ bị chết, thân nhân hưởng một lần theo hàng thừa kế. Mức hưởng được xác định: khi đến tuổi nghỉ hưu, ngoài lương hưu cơ bản, họ được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung với mức hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng được xác định bằng giá trị tồn tích trong tài khoản của mình chia cho 15 năm hoặc 20 năm. Theo tính toán, nếu NLĐ đóng góp trong 15 năm và kỳ vọng sống sau khi nghỉ hưu là 15 năm thì số tiền được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung sau khi về hưu là 5,56 triệu đồng/tháng trong vòng 15 năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trên thế giới hiện có khoảng 80 quốc gia đã triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh, việc áp dụng chương trình này ở Việt Nam là rất cần thiết, bởi vì những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên nhưng có thể do điều kiện làm việc độc hại nên khi đến tuổi nghỉ hưu nhiều người sức khỏe suy giảm, hay ốm đau, bệnh tật, nếu chỉ có chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Do đó, bảo hiểm hưu trí bổ sung chính là nguồn để đảm bảo cuộc sống người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, giúp họ có cuộc sống an nhàn khi về già đồng thời không là gánh nặng cho con cái và xã hội.
Bắt buộc chưa xong, mong gì tự nguyện (!)
Ban đầu, Bảo hiểm hưu trí bổ sung dự kiến sẽ thực hiện thí điểm từ 1/6/2013 ở một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong vòng 3-5 năm, từ đó sẽ hoàn thiện dần chính sách và mở rộng phạm vi áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đến nay, Đề án lùi tới tháng 11 mới trình Chính phủ. “Thời gian thực hiện thí điểm và thí điểm trong bao lâu sẽ do Chính phủ quyết định” - ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết.
Dự kiến, Quỹ Hưu trí bổ sung sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015): Hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN; giai đoạn 2 (2015-2020) sẽ hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia; giai đoạn 3 (sau 2020) sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.
Kết quả một cuộc khảo sát do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện vào tháng 6-2011 tại 610 DN ở Hà Nội và TPHCM cho thấy có đến 70,33% sẵn sàng tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung; 62,6% cho rằng quỹ này sẽ tốt hơn cho đời sống NLĐ khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, số liệu của cuộc khảo sát này đã được thực hiện khá lâu lại không được cập nhật, trong khi tình hình kinh tế trong nước đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2012 đến nay, trước những khó khăn, nhiều DN đã rơi vào khủng hoảng, không duy trì sản xuất, thậm chí phải phá sản. Theo số liệu thống kê, trong năm 2012, có khoảng 50.000 DN phải tạm dừng hoạt động và giải thể.
Do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nhiều DN không thể chi trả tiền lương và các chế độ cho NLĐ kịp thời. Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, đến hết năm 2012, các DN và cơ quan còn nợ đọng BHXH 5.825 tỉ đồng. Chính vì vậy, việc kêu gọi DN tự nguyện tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung trong bối cảnh hiện nay là khó khả thi.
Phương Anh