Luồng gió mới thổi bùng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt

GD&TĐ - Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, sau 5 năm thực hiện đã bám rễ sâu vào đời sống giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, tạo nên những chuyển biến đáng kể, là động lực để các nhà trường, ngành GD vươn lên đạt được những thành quả to lớn. Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh về những nỗ lực của toàn ngành để đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống.

Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ, TX Đông Triều
Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ, TX Đông Triều

Thưa bà, Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, được coi như một Việt Nam thu nhỏ do có miền núi, hải đảo, vùng kinh tế phát triển nhưng cũng có vùng dân tộc khó khăn. Vậy Quảng Ninh đã làm gì để đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống?

Là một tỉnh biên giới có địa hình núi cao, đảo xa, cùng nhiều khó khăn về địa hình địa lý và dân tộc. Tuy nhiên, thiên nhiên ưu đãi Quảng Ninh có kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng với những trung tâm kinh tế Hạ Long, Móng Cái, đã tạo nên sự bứt phá cho tỉnh. Kinh tế - xã hội phát triển cũng là động lực, bước tạo đà để GD phát triển theo. Người xưa nói “Có thực mới vực được đạo”, đúng là những đổi thay về kinh tế đã giúp cho người dân có điều kiện quan tâm hơn đến việc học của con em mình, các cấp chính quyền cũng có điều kiện để đầu tư cho trường sở nhiều hơn.

“Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD luôn được chú trọng; chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ GD trong giai đoạn hiện nay. Quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học phát triển đều khắp trên địa bàn và ngày càng được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Chất lượng GD toàn diện đã có sự chuyển biến tích cực, khoảng cách chênh lệch về chất lượng GD giữa nông thôn, miền núi và thành thị được thu hẹp”.

 
  • NGƯT, Giám đốc Sở GD&ĐT
  • Vũ Liên Oanh

Nghị quyết 29 của BCHT.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã như một luồng gió mới, động viên, khích lệ để toàn ngành GD bước tiếp trên con đường đổi mới hướng đến chất lượng cao hơn. Nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nên CSVC trường lớp được đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và cũng ngày càng khang trang hơn. Người dân nhận thức ngày càng cao, hơn ai hết họ hiểu việc quan tâm đầu tư cho việc học của con em là đầu tư cho tương lai.

Những thành quả mà GD Quảng Ninh có được những năm gần đây là minh chứng rõ nét nhất cho những đổi thay này: Chất lượng GD đại trà, GD mũi nhọn được giữ vững và phát triển; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi ở các cấp học tăng, tỷ lệ học sinh học lực yếu, kém giảm; tỷ lệ học sinh thi đỗ CĐ, ĐH cao. Quảng Ninh đã có 331 trường được công nhận đạt CQG (đạt tỷ lệ 51,9%), tỷ lệ trường học kiên cố hóa đạt 84,5% (tăng 4,5% so với năm 2012), quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được củng cố và phát triển.

Ngành GD-ĐT đã và đang làm gì để biến Nghị quyết thành hành động để đạt được những kết quả trên, thưa bà?

NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh

Sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy đã ra Chương trình hành động số 26/CTr-TU về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tiếp đó UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 3226/KH-UBND cụ thể hóa các nhiệm vụ, đề ra giải pháp thực hiện chỉ tiêu, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đến các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện. Sở GD&ĐT, UBND các địa phương đã chủ trì, phối hợp với các Ban xây dựng Đảng từ tỉnh đến huyện tổ chức học tập, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW đến đông đảo toàn thể cán bộ, đảng viên trong tỉnh và công chức, viên chức, lao động trong ngành GD-ĐT trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Từ chuyển biến về nhận thức đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, HS,SV và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện. Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đều tiến hành việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các giải pháp, chi tiêu.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, từ thực tế Quảng Ninh, theo bà cần phải làm gì để Nghị quyết 29 bám rễ sâu hơn vào đời sống GD?

Để Nghị quyết bám rễ sâu hơn vào đời sống GD, tôi cho rằng cần có sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ từ nhận thức đến hành động, từ cấp ủy, chính quyền đến người dân. Chú trọng đến các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó chú trọng công tác chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT mới. Tham mưu với UBND tỉnh về việc chuẩn bị CSVC, thiết bị dạy học và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Trong không khí hồ hởi phấn khởi, thi đua dạy tốt, học tốt đang có ở khắp các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành GD Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo công tác dạy học theo hướng tiếp cận với chương trình, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức pháp luật, ý thức công dân, lịch sử, địa lý địa phương, GD thể chất và hướng nghiệp để thực hiện mục tiêu GD toàn diện, hình thành phẩm chất cho học sinh. 

Xin cám ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ