Lùm xùm thi công đường nối đường Hồ Chí Minh ở Quảng Trị

GD&TĐ - Dự án Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với nhánh Tây ở Quảng Trị thi công khi chưa xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Các nhà thầu thi công cầu bắc qua khu vực có khe suối.
Các nhà thầu thi công cầu bắc qua khu vực có khe suối.

Chưa hoàn thiện chuyển mục đích sử dụng rừng

Dự án Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được HĐND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 5/2021; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 135 năm 2021.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án tại Quyết định 2961 năm 2021.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị, dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư, quy mô đường cấp V miền núi. Tổng mức đầu tư hơn 229 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2021 - 2024.

Mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực khi bão lũ, thiên tai xảy ra và phục vụ công tác quản lý, phòng chống cháy rừng, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Dự án còn nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo thành trục ngang kết nối khu vực miền núi với đồng bằng; phá thế độc đạo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã phía Tây Bắc.

Tuyến đường dài 15km, điểm đầu tại Km0 giáp đường DT.571, điểm cuối tại Km 15 thuộc xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh), tiếp giáp khu vực rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Đáng nói, dù dự án chưa được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng các nhà thầu đã triển khai thi công.

Theo tìm hiểu, dự án có 3 nhà thầu tham gia, gồm: Công ty CP Thành An, Công ty CP Trường Danh và Công ty CP Xây dựng dịch vụ thương mại 68.

Khi phát hiện vụ việc, giữa tháng 3/2023, UBND xã Vĩnh Ô, Trạm Kiểm lâm Bến Quan và Công an xã Vĩnh Ô đã kiểm tra hiện trường, lập biên bản có sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu.

Thời điểm kiểm tra, UBND xã chưa nhận được văn bản, hồ sơ liên quan, như chưa có quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phương án trồng rừng thay thế.

Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh), xã Vĩnh Ô thuộc địa bàn miền núi, điều kiện giao thông khó khăn. Do địa hình sông, suối nên về mùa mưa, các cầu, ngầm trên tuyến đều bị ngập, giao thông chia cắt, cản trở việc đi lại.

Do đó, dự án giao thông triển khai đảm bảo việc đi lại thuận tiện hơn cho người dân, đồng thời hàng hóa do bà con sản xuất được lưu thông, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Với ý nghĩa đó, khi có chủ trương đầu tư xây dựng dự án, địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư triển khai, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Trần Văn Tặng cho biết, các vị trí đang thi công hầu hết là diện tích rừng trồng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của các hộ dân trong phạm vi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

“Liên quan vụ việc, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Vĩnh Linh, đồng thời đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định trước khi thi công”, ông Tặng cho hay.

Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng báo cáo sự việc để xin chỉ đạo hướng xử lý.

Đơn vị thi công san ủi, mở đường tại khu vực rừng trồng đã giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Đ. Đức)

Đơn vị thi công san ủi, mở đường tại khu vực rừng trồng đã giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Đ. Đức)

Không xâm phạm rừng tự nhiên

Ngày 9/7/2021, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, đã kiểm tra thực địa triển khai dự án. Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định, đây là công trình giao thông trọng điểm, tuyến giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây của tỉnh Quảng Trị, giải quyết được nhiều mục tiêu. Xét tính cấp bách của dự án, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai dự án.

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị (đơn vị chủ đầu tư), cho biết, từ trước đến nay, giao thông đi lại ở khu vực Vĩnh Ô và phía Tây huyện Vĩnh Linh rất khó khăn.

Đặc biệt, sau cơn lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực miền núi Quảng Trị bị chia cắt hoàn toàn trong nhiều ngày do các tuyến đường đi, đến những nơi này bị sạt lở nghiêm trọng.

Chính vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất đầu tư khẩn cấp tuyến đường nối hai nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh và được Trung ương đồng ý, nhằm phá thế độc đạo cho khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị.

Sau khi được phê duyệt, Sở GTVT đã giao các đơn vị tiến hành đo đạc, làm kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi rừng và triển khai đấu thầu...

Lãnh đạo Sở GTVT cho hay, về thủ tục chuyển đổi rừng, Sở GTVT đã phối hợp Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý liên quan. Theo đó, diện tích rừng xin chuyển mục đích sử dụng trong khu vực thực hiện dự án là 31,5ha.

Sở GTVT Quảng Trị đề nghị, trình HĐND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích đất rừng đối với 16,7ha rừng trồng; đồng thời trình Thủ tướng chuyển đổi mục đích đất rừng với phần diện tích rừng tự nhiên 14,7ha.

Ngày 6/4, Hội đồng thẩm định của tỉnh Quảng Trị đã họp do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì đã thông qua và thống nhất phần diện tích rừng trồng trình HĐND tỉnh quyết định, phần diện tích rừng tự nhiên trình Thủ tướng quyết định.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa hoàn thiện chuyển đổi rừng đã tiến hành thi công, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị lý giải, đoạn thi công hiện nay đi qua đất rừng trồng, người dân đã khai thác rừng, hoàn thiện giải phóng mặt bằng, đồng thuận thực hiện dự án. Trên tuyến có nhiều cây cầu thiết kế ở khu vực khe suối, không có rừng nên thi công trước.

Nhưng để làm được cầu cần phải có đường đi. Do đó, các đơn vị thi công xin phép ủi đất đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường 2 đầu cầu, thuận lợi cho việc vận chuyển máy móc, vật liệu phục vụ thi công.

“Vì mùa mưa bão sắp đến, địa hình miền núi sẽ gặp khó khăn trong thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn nên trong trường hợp đó Sở phải đồng ý”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị nói.

Thừa nhận việc triển khai thi công khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích rừng, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết, xét về tính chất cấp bách của dự án vừa phục vụ cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, chỉ vài tháng nữa là đến mùa mưa bão, nên tranh thủ nguồn lực đầu tư, thời tiết thuận lợi để triển khai thi công.

“Trong khi chờ HĐND tỉnh phê duyệt chuyển đổi phần diện tích rừng trồng, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị thi công không mở rộng, cơi nới, những hạng mục đã làm trong phạm vi san ủi và giải phóng mặt bằng thì triển khai đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão.

Riêng hệ thống cầu tiếp tục triển khai vì không ảnh hưởng đến rừng và mùa mưa không thể thi công được. Đặc biệt, không xâm phạm đến rừng tự nhiên khi chưa được Thủ tướng đồng ý”, ông Trần Hữu Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ