Lùm xùm chính trị ở Anh - Chuyện bây giờ mới kể

Lùm xùm chính trị ở Anh - Chuyện bây giờ mới kể

Yêu cầu giữ gìn “thể diện chính trị” của chính phủ cũng là một phần lý do khiến một số bê bối được che giấu và nhiều chính trị gia có cơ hội dựng lên những âm mưu khó lường. Sau nhiều năm, một phần của những scandal này mới được tiết lộ. 

Bảo kê cho trùm ma túy

Năm 1964, tờ Daily Mirror công bố mối quan hệ mờ ám giữa chính trị gia đầy hứa hẹn của đảng Bảo thủ là Lord Robert Boothby với trùm băng nhóm Ronnie Kray, người điều hành xã hội đen ở East End, London, cùng anh trai sinh đôi của mình là Reggie. Boothby và Ronnie là người song tính và đã gặp nhau tại một tụ điểm dành cho giới đồng tính ngầm ở London.

Ronnie nhanh chóng tổ chức các show tình dục và cung cấp cho Boothby đối tác tình dục đồng tính để nhận lại những quyền ưu tiên, trong đó có lần ông trùm này được mời dùng trà tại Quốc hội Anh. Khi cặp sinh đôi Kray bị bắt, Boothby thậm chí còn phản đối một cách chính thức trong quốc hội. Boothby quá ngạo mạn khi tin rằng không một ai dám tiết lộ mối quan hệ của mình với anh em Kray, nhất là trong lúc ông ta có mối quan hệ khá công khai với vợ Thủ tướng Anh lúc bấy giờ mà báo chí vẫn che giấu trong nhiều năm.

Tuy nhiên, bài báo trên tờ Mirror đã bóc trần đường dây giữa ông trùm tội phạm khét tiếng và một trong những chính trị gia quyền lực nhất nước Anh. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên nhất là sự nghiệp của chính trị gia đảng Bảo thủ này lại được cứu vớt bởi… các thành viên đảng Lao động!

Công chúng nước Anh sau này mới tá hỏa khi cuối cùng hóa ra một nghị sĩ đảng Lao động, đồng thời là cựu chủ tịch đảng này, Tom Driberg, cũng có mối quan hệ gần gũi với Ronnie Kray và các show diễn của giới đồng tính ngầm ở London. Đảng Lao động không hề mong muốn có một cuộc điều tra về Boothby, vì như thế chắc chắn sẽ gây sự chú ý của công chúng đối với Driberg, một người có cuộc sống cá nhân đầy rẫy nguy cơ gây bê bối (Driberg từng bị tống tiền với cáo buộc là tình báo cho Liên Xô cũ sau một lần chạm trán ở Moscow).

Chủ tịch đảng Lao động khi đó là Harold Wilson đã gửi người của mình để thu xếp cho việc bảo vệ Boothby khỏi nguy cơ vỡ lở, đồng thời gây sức ép với tờ Mirror, vốn là một đồng minh của đảng Lao động, để tờ báo này phải xin lỗi và chi trả cho những thiệt hại do bài báo gây ra.

Với sức ép từ cả hai đảng lớn của nước Anh, truyền thông nước này cuối cùng đã phải rất thận trọng khi nhắc đến anh em Kray, những kẻ tiếp tục điều hành triều đại khủng bố của mình thêm vài năm nữa.

Con tàu bất hạnh

Ngược về quá khứ, năm 1952, quân đội Anh đã thầm lặng thử nghiệm một vài loại vũ khí sinh học ở một hòn đảo Scotland hẻo lánh. Một trong các thử nghiệm có liên quan đến việc tạo một đám mây chứa đầy tác nhân gây bệnh dịch hạch và để gió thổi đám mây này bay qua một chiếc bè chứa khỉ.

Không may, một con thuyền đánh cá bất ngờ xuất hiện ở chân trời và đi xuyên qua “đám mây” trước khi hướng vào bờ. Quân đội Anh hoảng hốt cảnh báo chính phủ và xin phép được dừng con tàu, diệt chuột trên tàu và cách ly đoàn thủy thủ để theo dõi y tế. Lo ngại điều này có nguy cơ làm lộ các thử nghiệm bí mật, nhất là khi người có ý tưởng “mang Cái chết đen quay trở lại” không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử. Vì vậy, trong một quyết định tồi tệ, tình huống trớ trêu này đã bị ngó lơ. Hải quân Anh đã phải bí mật theo dõi con tàu cá trên suốt hải trình tới Fleetwood. Tại đó, tất cả thủy thủ đoàn đều bị chuốc rượu say mèm và được dụ dỗ “trò chuyện với vài quý cô thân thiện”. Quân đội Anh còn tiếp tục bí mật theo dõi và can thiệp một vài lần nữa để tàu cá này không đến bất kỳ nơi nào khác ngoài Fleewood trong những chuyến ra khơi sau đó.

Quả thật, con tàu đã không cập bất kỳ bến cảng nào khác ngoài Fleedood, còn dịch hạch cũng không bùng phát. Vì thế, vụ việc đã trôi êm vào quá khứ.

Cận thần là gián điệp

Lùm xùm chính trị ở Anh - Chuyện bây giờ mới kể ảnh 4
Maundy Gregory.

Cambridge Five, nhóm các điệp viên khét tiếng nhất trong lịch sử nước Anh, đã xâm nhập vào những vị trí cao cấp nhất của xã hội Anh. Sau khi ba thành viên đầu tiên đã chạy trốn đến Moscow để tránh bị bắt giữ, ở nước Anh dấy lên nhiều đồn đoán quanh danh tính của điệp viên bí mật thứ tư, người vẫn còn là một bí ẩn trong suốt thập niên 60 và 70.

Thực ra cũng chẳng cần phải đồn đoán, bởi thực tế, Chính phủ Anh đã bắt được điệp viên này từ năm 1964. Đó không phải là ai khác ngoài Sir Anthony Blunt, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, chuyên quản lý bộ sưu tập nghệ thuật của Nữ hoàng. Chính vì thế mà Chính phủ Anh không chỉ không thể truy tố nhân vật này, mà vẫn phải để cho ông ta tiếp tục vai trò cận thần của mình cho đến khi sự việc được phơi bày vào năm 1979.

Ngay từ ban đầu, tình báo Anh đã cố gắng bưng bít toàn bộ câu chuyện, nhất là khi điệp viên thứ ba trong nhóm là Kim Philby đã gần như trở thành lãnh đạo của MI6 trước khi đường dây này sụp đổ.

Khi hai thành viên đầu tiên của Cambrige Five trốn chạy khỏi nước Anh, MI5 đã yêu cầu bạn bè của hai thành viên này viết thư và không trở về Anh để tránh gây thêm bất cứ phiền phức nào. Các quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Anh kết luận rằng “để tránh xấu mặt, tốt nhất là để mọi chuyện (liên quan đến Philby) trôi đi”, trong khi các nhà ngoại giao được yêu cầu không tiết lộ bất kỳ điều gì với người Mỹ.

Điệp viên thứ năm là John Cairncross hoàn toàn không bị trừng phạt, bởi anh của ông ta là người đứng đầu về kinh tế và Chính phủ Anh không muốn người ta biết đến nhân vật danh tiếng này có “em trai là điệp viên cộng sản ra đầu thú”.

Blunt chỉ bị Thủ tướng Margaret Thatcher phát hiện năm 1979 khi phạm sai lầm trong việc cố gắng kiện một nhà văn đã nhắc tới danh tính của ông ta trong tác phẩm của mình. Blunt bị tước danh hiệu hiệp sĩ và buộc phải về hưu khỏi vị trí mà ông ta đang phục vụ trong Hoàng gia. Nhiều người cho rằng có lẽ cả Nữ hoàng lẫn một nửa thế giới tinh hoa của Anh đều đã biết rõ sự thật về Blunt từ 15 năm trước.

Bê bối mua danh bán tước

Sau khi lãnh đạo nước Anh đi qua Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, danh tiếng Thủ tướng Anh David Lloyd George ngày càng lên cao. Cuộc mua bán trị giá hàng trăm triệu bảng (so với giá trị tiền ngày nay): Tước hiệu nam tước có thể mua được với giá khoảng 1,3 triệu bảng. Chiến dịch này được điều hành bởi cánh tay phải của Lloyd George là Maundy Gregory.

Vốn là một người trong nghề sân khấu, đồng thời là cựu điệp viên, Gregory nổi bật với gu ăn mặc lố bịch chảnh chọe, cũng như sự thô lỗ đến tàn nhẫn của mình. Có lần, khi Gregory cạn kiệt tiền mặt, một người bạn của ông ta đã chết một cách bí ẩn sau khi viết vội một bản di chúc phía sau của một quyển thực đơn. Trong bản di chúc, người này đã để lại hoàn toàn tài sản của mình cho Gregory. 

Ngay sau đó, người xấu số được chôn cất một cách vội vàng trong một ngôi huyệt nông ở bờ sông, quan tài thậm chí không được đóng chặt. Đến khi người thân trong gia đình người quá cố khai quật mộ, thì thi thể người phụ nữ đã quá thối rữa và không thể điều tra được gì hơn về bất kỳ hành vi xấu xa nào đã dẫn đến cái chết bất ngờ này.

Chỉ đến khi Grayson, một người ủng hộ xã hội chủ nghĩa, giành được chiến thắng vào Quốc hội Anh khi mới 25 tuổi, mọi chuyện mới bắt đầu hé lộ. Grayson đã phát hiện ra âm mưu buôn danh bán tước và tuyên bố công khai rằng “việc mua bán tước hiệu là một vụ bê bối quốc gia. Người ta có thể tìm thấy mối liên hệ trực tiếp từ phố Downing đến các nhà chức trách ở Whitehall”.

Chỉ trong vài ngày, Grayson đã biến mất không dấu tích. Lần cuối người ta nhìn thấy anh là khi Grayson đang trên thuyền qua sông tới hòn đảo nơi có nhà của Gregory.

Dần dần, Gregory bị bắt, nhưng từ chối không khai báo những người liên đới, trừ khi chính phủ can thiệp để ông ta nhận được mức án nhẹ và được hưởng tiền trợ cấp trọn đời. Chính phủ Anh đã thực hiện yêu cầu này, và sau đó, Gregory về hưu, sống cuộc đời an bình ở Pháp.

Âm mưu gắp lửa bỏ tay người

Xa xưa hơn nữa, năm 1887, Thủ tướng Bảo thủ Anh Lord Salisbury âm mưu làm mất uy tín Phong trào Dân chủ Ailen, nhất là lãnh đạo của phong trào này – nghị sĩ Charles Parnell. Lord Salisbyry đã ra lệnh cho điệp viên của mình giả mạo một âm mưu ám sát nữ hoàng Victoria bằng cách đánh bom lễ kỷ niệm Vàng của bà và đổ tội cho Phong trào Dân chủ Ailen.

Một điệp viên nhị trùng ở New York đã tuyển hai người Mỹ gốc Ailen thực hiện âm mưu. Kế hoạch này là để các phong trào Ailen ở Anh được theo dõi chặt chẽ, với hy vọng sẽ dẫn đến những đầu mối quan trọng trong phong trào và làm liên lụy đến Parnell. Khi Chính phủ Anh phá vỡ “âm mưu ám sát Nữ hoàng”, uy tín của phong trào Ailen cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những kẻ ám sát thực thụ đã đến Anh quá muộn so với buổi lễ. Có một dấu hiệu cho thấy người Anh nhanh chóng bị mất dấu vết. Một lãnh đạo tình báo Anh thậm chí đã quá lo sợ đến nỗi cấm các con đến dự buổi lễ.

Dù sao đi nữa, phần còn lại của âm mưu đã trôi đi mà không gặp trở ngại gì. Hai người lẽ ra là “kẻ đánh bom” bị bắt cùng nhiều người mà họ đã gặp trước đó. Không có manh mối nào dẫn đến Parnell, nhưng ông ta đã phải dành vài năm tiếp theo để xử lý những lá thư nặc danh ám chỉ đến mình có liên quan đến vụ đâm chết Tổng Thư ký Anh tại Ireland trước đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.