Sau khi UBND TP Đà Nẵng quyết định lùi lịch học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 15/11 thay vì 1/11 như kế hoạch trước đó, các trường học đã xây dựng đồng thời 2 phương án tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I. Trong đó, vẫn ưu tiên tổ chức kiểm tra khi HS quay trở lại trường học trực tiếp.
Đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho biết: “Ngành GD&ĐT vẫn ưu tiên cho phương án kiểm tra trực tiếp sau khi học trò đến trường trở lại và đã được ôn tập, hệ thống lại kiến thức. Tuy nhiên, mốc thời gian đến trường học trực tiếp của HS bắt đầu từ ngày 15/11 cũng mới chỉ là dự kiến.
Vì vậy, các trường học vẫn phải chủ động xây dựng phương án kiểm tra định kỳ trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến này để đảm bảo tiến độ chứ cũng không thể lùi được. Các trường cần phải xây dựng cả 2 kịch bản. Nếu tổ chức kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến, các GV sẽ khảo sát để xây dựng đề kiểm tra phù hợp, không quá áp lực nhưng vẫn đủ để phân loại, đánh giá HS".
Bà Thúy Hà cho rằng, với HS tiểu học thì không thể tổ chức kiểm tra trực tuyến có camera giám sát được như THCS vì không phải HS nào cũng tự kết nối để vào kiểm tra theo giờ. Chưa kể có một số lượng lớn HS khó khăn về thiết bị, điện thoại có một số chức năng như nghe nhìn, hạn chế các thao tác tương tác nên làm bài kiểm tra sẽ có những thiệt thòi nhất định. Có thể giao một bài cho HS làm ở nhà, phụ huynh để học sinh tự giác làm bài kiểm tra rồi nộp lại cho giáo viên bằng ảnh chụp hoặc đến trường nộp trực tiếp theo khung giờ quy định.
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thông tin, nhà trường đã tổ chức thử cho học sinh lớp 6 làm bài kiểm tra trực tuyến bằng ứng dụng MS Team nhưng vẫn có nhiều em không vào được hoặc đang làm bài thì bị out ra ngoài.
Thậm chí một số em không thao tác được khi làm bài trên hệ thống. Vì vậy, nếu tổ chức kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến, phải đảm bảo HS thao tác được trên Microsoft Forms vì đây là cột điểm quan trọng, các em chỉ có một bài đánh giá kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I.
Hiện Trường THCS Nguyễn Huệ có gần 10 em không thể tham gia học trực tuyến được. Với những trường hợp này, theo thầy Võ Thanh Phước, nhà trường sẽ tổ chức lớp cho HS tại trường để hướng dẫn cho HS các bài học trong thời gian vừa qua. HS sẽ được làm bài kiểm tra trực tiếp tại trường trên nguyên tắc đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid – 19.
Thay đổi cấu trúc đề thi
Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, nếu tổ chức kiểm tra giữa kỳ I theo hình thức trực tuyến, từ kinh nghiệm của năm học 2020 – 2021, nhà trường sẽ sử dụng đề với 100% câu hỏi trắc nghiệm.
“Hiện nay, ngoài sử dụng phần mềm MS Team, các GV của trường còn sử dụng một số các ứng dụng khác để kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Vì vậy, để học sinh làm quen dần với cách làm bài kiểm tra giữa học kỳ, nhà trường sẽ yêu cầu GV thống nhất sử dụng phần mềm MS Team trong dạy – học”, cô Minh cho hay.
Với môn Ngữ văn, trong đợt Đà Nẵng tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020 – 2021, nhiều trường cho HS làm bài trên giấy, sau đó chụp lại để gửi cho giáo viên qua các ứng dụng zalo, email. Thầy Võ Thanh Phước cho biết, nhiều giáo viên đã in file ảnh bài làm của học sinh ra giấy để chấm nhưng chất lượng hình ảnh không được tốt.
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) cho rằng, giáo viên sẽ rất vất vả khi phải chấm bài thi môn tự luận thông qua ảnh chụp. Vì vậy, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến cho HS viết bài trên giấy, chụp bằng điện thoại rồi gửi bài làm qua cho giáo viên. Việc chụp lại bài làm, theo như cô Vân, chỉ để GV biết được bài của HS dừng lại ở thời điểm nào. Nhà trường chia lịch nộp bài theo khung giờ để HS đưa bài viết đến trường nộp cho GV.
Để có thể duy trì cấu trúc đề 70% trắc nghiệm và 30% tự luận, cô Trần Thị Kim Vân gợi ý có thể sử dụng những câu hỏi không bắt buộc HS phải trả lời quá dài để có thể thao tác bằng điện thoại di động. Hoặc như trường THPT Trần Phú xây dựng các câu hỏi tự luận theo hình thức điền khuyết để HS có thể thao tác được bằng điện thoại và làm bài trực tiếp trên ứng dụng MS Team chứ không phải viết công thức hoặc vẽ hình.