Lục quân Mỹ đang ‘Hải quân hóa’ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lực lượng Lục quân Mỹ đang phát triển hàng loạt năng lực trên biển để đáp ứng yêu cầu là một trong những trụ cột của Lực lượng Tác chiến Hỗn hợp.

Lục quân Mỹ đang ‘Hải quân hóa’ như thế nào?

Theo giới quan sát quân sự, Lực lượng Mặt đất Mỹ (Lục quân) gần đây dường như đang đi theo xu hướng “hải quân hóa” khi họ đang thích nghi mạnh mẽ với chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, sử dụng các tên lửa đã được các nhánh khác của lực lượng vũ trang sử dụng từ lâu.

Theo chuyên gia Jennifer Hlad viết trên trang web Defense One, Lực lượng Lục quân Mỹ gần đây thậm chí còn phát triển các tàu vận tải và tàu đổ bộ trên biển mới cho riêng lực lượng mình.

Defense One dẫn lời Thứ trưởng Lục quân Gabe Camarillo cho biết, tất cả những hoạt động này là một phần trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm phát triển các khả năng mới mà Lục quân Mỹ cần phải có để trở thành trụ cột của Lực lượng Tác chiến Hỗn hợp.

Trong số những khả năng đó, hệ thống phòng không và tên lửa, cũng như hỏa lực tấn công tầm trung và tầm xa sẽ là những trọng tâm cần điều chỉnh theo xu hướng “hải quân hóa”.

Lục quân Mỹ trong thời gian tới có thể sử dụng các hệ thống như hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa SM-6 (Standar missile) và tên lửa tấn công Tomahawk, những loại vũ khí từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với Hải quân, để tiêu diệt “các mục tiêu trên biển” đe dọa các căn cứ của Hoa Kỳ hoặc đối tác.

Ngoài ra, Lục quân Mỹ cũng đang cố gắng tìm ra cách duy trì nguồn cung cấp hậu cần và cơ động lực lượng trong một chiến trường rộng lớn ở Thái Bình Dương, bằng các phương tiện vận chuyển binh sĩ và tiếp tế hậu cần trên biển.

Tàu Hỗ trợ Cơ động hạng nhẹ đầu tiên của Lục quân Mỹ, được hạ thủy vào ngày 10/10/2022, tại cơ sở chế tạo hàng hải Vigor
Tàu Hỗ trợ Cơ động hạng nhẹ đầu tiên của Lục quân Mỹ, được hạ thủy vào ngày 10/10/2022, tại cơ sở chế tạo hàng hải Vigor

Do đó, họ đã có kế hoạch phát triển các tàu đổ bộ và tàu vận tải của riêng mình để tự chủ về khả năng hỗ trợ tác chiến trên chiến trường.

Ông cho biết, kế hoạch chế tạo hàng loạt Tàu Hỗ trợ Cơ động (MSV) cỡ nhỏ/hạng nhẹ, dài 117 feet (hơn 37m), nặng 82 tấn đã được triển khai, chiếc đầu tiên đã được hạ thủy vào ngày 10/10/2022 tại Nhà máy chế tạo hàng hải tàu thuyền Vigor, ở Vancouver-Washington.

Mỗi tàu có trọng tải 82 tấn, có nghĩa là nó có thể mang theo một xe tăng M1 Abrams, hai xe bọc thép chở quân Stryker hoặc bốn Xe chiến thuật hạng nhẹ, hoặc nhiều tùy chọn tải trọng khác.

Đồng thời, Lực lượng Hải quân cũng đang giúp đỡ hoàn thiện các yêu cầu đối với Tàu Hỗ trợ Cơ động cỡ lớn/hạng nặng. Những chiếc tàu này sẽ bổ sung vào hạm đội tàu vận tải hiện có của Lục quân Mỹ.

Ngoài ra, lực lượng tác chiến mặt đất của Mỹ cũng đang nghiên cứu về lĩnh vực chỉ huy và kiểm soát hậu cần để đảm bảo khả năng tiếp tế tự chủ, một trong những yếu tố cốt lõi để duy trì khả năng chiến đấu.

Do đó, một chương trình khác nhằm phát triển một thế hệ tàu vận tải dành riêng cho lực lượng Lục quân cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, chương trình này hiện vẫn chưa được thông tin chi tiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ