Trưa nay (4/8), theo ghi nhận của GD&TĐ tại vùng biên Na Mèo, huyện Quan Sơn, trời đã ngớt mưa. Tuy nhiên, nước sông suối phía thượng nguồn vẫn đổ về với lưu lượng rất lớn.
Bản Sa Ná, xã Na Mèo - nơi có 12 người đang mất tích, cách Quốc lộ 217 khoảng hơn chục km. Sa Ná nằm biệt lập và bị ngăn cách bởi con sông Luồng hung dữ.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp cận sông Luồng. |
Sáng nay, 4/8, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động 70 cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an huyện Quan Sơn và chính quyền địa phương đã cố gắng tiếp cận các bản bị cô lập, để tiếp tế lương thực và nước uống. Tổ chức đến các hộ dân trong bản, đưa các nạn nhân bị thương đến nơi an toàn, để cứu chữa đồng thời tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Đến 11h30’, lực lượng cảnh sát PCCC đã tìm thấy 1người bị thương và đưa lên bờ an toàn. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tổ chức tiếp tế lương thực, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Theo thông tin sơ bộ từ UBND huyện Quan Sơn, mặc dù bị cô lập, nhưng người dân ở đây vẫn có đủ lương thực, thực phẩm và nước sạch để sử dụng. Những gia đình bị nước lũ cuốn trôi nhà đang ở tạm tại nhà những người anh em, họ hàng.
Đưa người bị nạn ra ngoài vùng lũ chia cắt |
Như vậy, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 3, đã khiến 17 người dân ở huyện Quan Sơn bị mất liên lạc. Hiện nay, đã cứu được 5 người; 20 ngôi nhà bị nước cuốn trôi; 3 bản của xã Na Mèo, gồm: Son, bản Ché Lầu và bản Xa Ná, với 75 hộ, gồm 335 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn. Hệ thống thông tin liên lạc với các bản kể trên cũng bị gián đoạn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (mặc áo phao) chuẩn bị vượt sông Luồng, tiếp cận người dân vùng bị cô lập. |
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp cũng đã đến khu vực xã Na Mèo, để kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả của mưa lũ sau cơn bão số 3.
Sau khi tiếp cận được bến ca nô tại bản Bo, xã Na Mèo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã vượt sông Luồng, để cắt rừng đi bộ vào tiếp cận với người dân ở các bản bị cô lập.