(GD&T Đ) – Sáng nay 16/11, Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về một số điểm còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tại Hội trường, có rất nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh việc có nên xây dựng Luật Thủ đô, hay chỉ nên sửa lại Pháp lệnh Thủ đô năm 2001 cho phù hợp.
Nên cho Hà Nội một cơ chế đặc thù
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô thời kỳ 2001 - 2010, kết quả tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và tham khảo pháp luật về Thủ đô của một số nước. Ủy ban pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo trong việc nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
Nên cho Hà Nội một cơ chế đặc thù (!?) |
Ủy ban Pháp luật so sánh, Hà Nội so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì Hà Nội cũng là một đô thị lớn và là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tuy nhiên, điều khác rất cơ bản, đó là Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Về mặt quốc phòng, an ninh, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng không thể để xảy ra bất kỳ những biến cố bất thường nào. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Trách nhiệm này không những thuộc về chính quyền Hà Nội mà còn của Trung ương. Do đó, Uỷ ban Pháp luật tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội như bà Trần Thị Quốc Khánh, ông Nguyễn Ngọc Đào đều tán thành việc xây dựng Luật Thủ đô. Các đại biểu này cho rằng, Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội có thể phát triển nhanh hơn, đẹp hơn trong mắt mọi người. “Mọi người đều muốn Hà Nội đẹp hơn, gọn gàng hơn, vậy vì sao không cho chúng tôi có điều kiện cấm bán hàng rong, cấm những cửa hàng không đủ mỹ quan kinh doanh, cấm buôn bán trên vỉa hè, lòng đường,…” – ông Nguyễn Ngọc Đào nhấn mạnh.
Chỉ nên sửa lại Pháp lệnh Thủ đô
Tuy nhiên, cũng trong buổi thảo luận sáng nay về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý xây dựng hẳn một luật riêng cho Hà Nội. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) cho rằng: “Tôi rất chia sẻ với Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội với quy mô mới thì các quy định hành chính cũ có nhiều bất cập”. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, đừng nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền. Dự án Luật Thủ đô cần làm rõ. Luật này phải thể hiện những điểm đặc thù của các đô thị lớn chứ Luật không phải chỉ riêng Thủ đô.
Ông Trần Du Lịch cũng yêu cầu dự án Luật Thủ đô nên rút lại chương 2, và chỉ nên là luật cho một đô thị lớn. Ông Lịch cũng đưa ra phương án 2 là Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật cho thủ đô, cho đô thị, chứ không làm thành một Luật riêng biệt.
Đồng tình với phương án không ban hành Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lăk) cho biết, trong các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội phát phát biểu rất nhiều cho thấy cả nước dành tình cảm rất nhiều cho Thủ đô Hà Nội. “Chính vì Hà Nội hết sức quan trọng, vì vậy chúng ta chưa cần 1 luật chưa hoàn chỉnh. Chúng ta chỉ nên sửa Pháp lệnh Thủ đô. Chúng ta cần các biện pháp hành chính, xã hội để nâng cao Hà Nội lên. Hà Nội cần phải là trung tâm văn hóa, khoa học – kx thuật, trung tâm y tế (không nên đưa bệnh viên ra khỏi thành phố mà chỉ nên làm phân viện của các bệnh viện ở ngoại thành, ví dự như Bệnh viện K, đã có phân viện ở Thanh Trì). Cùng đó, Hà Nội cũng là trung tâm nông nghiệp, bởi Hà Nội hiện nay có rất nhiều đất nông nghiệp. Hà Nội cũng phải là trung tâm an toàn về giao thông, người nước ngoài rất sợ đi ở đường. Hà Nội phải là nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm “phải xóa bỏ khái niệm cơm bụi trong tiềm thức người dân. Hà Nội phải làm thế nào để chỉ còn khái niệm cơm bình dân. Hà Nội cũng phải làm sao để tất cả người dân sinh sống ở Thủ đô đều phải là người Hà Nội, có cốt cách, cư xử như người Hà Nội. Phải xây dựng lòng yêu quý Hà Nội đối với tất cả dân Thủ đô. Không nên cho Hà Nội quá nhiều ưu tiên. Như vậy, người dân cả nước lại đổ về Hà Nội, làm Hà Nội quá tải. Tôi đề nghị chỉ nên sửa Pháp lệnh Thủ đô thôi!” – ông Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Trần Nhật