Luật sư vụ TMV Cát Tường: Cơ quan tố tụng cố gắng nhưng chưa triệt để

Theo kết luận mới, Tường dùng dung dịch gây tê cho chị Huyền cao hơn 1,5 lần so với chuẩn quốc tế. Khi nạn nhân mất, anh ta cùng vợ và một số nhân viên bàn cách... phi tang xác.

Trên chiếc bàn phẫu thuật này, Tường đã gây mê và thực hiện các bước làm đẹp cho khách hàng. Ảnh: Việt Đức.
Trên chiếc bàn phẫu thuật này, Tường đã gây mê và thực hiện các bước làm đẹp cho khách hàng. Ảnh: Việt Đức.

Trung tuần tháng 4, phiên tòa xét xử Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc TMV Cát Tường) phải tạm hoãn vì liên quan đến một số vấn đề chuyên môn không thể giải quyết tại tòa. HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sau phiên tòa, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) tiếp tục gửi công văn đề nghị Sở y tế Hà Nội cung cấp thông tin về những loại thuốc, công thức pha, liều dùng trong quá trình phẫu thuật phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm được bác sĩ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật có đúng không? Loại thuốc, phương pháp cấp cứu trong quá trình cấp cứu cho chị Lê Thị Thanh Huyền có đúng quy trình không?....

Quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, Tường pha 5 chai thuốc gây tê. Sau khi sát trùng vùng bụng và ngực, Tường tiêm thuốc gây tê vào hai bên hông, dùng dao mổ chích vào 2 bên thành bụng dưới và tiêm 4 chai thuốc được pha chế từ trước để gây tê vùng bụng của chị Huyền. Tường dùng xi lanh cắm vào thành bụng hút mỡ được khoảng 15 phút thì chị Huyền bị co giật.

Sau khi nhân viên không mua được thuốc động kinh, Tường tiếp tục hút mỡ thành bụng được 11 xi lanh. Chừng 5-10 phút, Tường cho mỡ trong xi lanh lắng xuống rồi bơm bỏ nước gạn lấy mỡ. Sau đó Tường bơm 11 xi lanh mỡ vào ngực của chị Huyền.

Kết quả ca phẫu thuật trên, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.

Vào trung tuần tháng 5, Sở y tế đã có công văn trả lời: Những loại thuốc Lidocain, Adrennalin, muối sinh lý 9% pha thành dung dịch là phù hợp với công thức chuẩn dùng trong kỹ thuật hút mỡ bụng. Gentamicin và Vitamin C pha vào dung dịch này là không phù hợp với công thức chuẩn.

Tuy nhiên, lượng Lidocain (dung dịch gây tê) dùng cho chị Huyền là quá cao (hơn 1,5 lần so với chuẩn quốc tế).

Phương pháp để cho lắng mỡ không qua ly tâm được bác sĩ Tường áp dụng là không đúng với quy trình chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng mô ghép về sau.

Khi phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, vị bác sĩ này sử dụng Diazenpam cắt cơn co giật là đúng, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng quy trình cấp cứu co giật phải tiếp tục tìm và giải quyết nguyên nhân.

Sở Y tế đánh giá thời gian phẫu thuật hơn 2 giờ của bác sĩ Tường không ảnh hưởng đến kết quả ca phẫu thuật.

Theo cáo trạng mới của VKS Hà Nội, thi thể chị Huyền được tìm thấy hồi giữa tháng 7. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận không xác định được nguyên nhân tử vong của nữ bệnh nhân này.

Cáo trạng cũng thể hiện sau khi gây ra cái chết bệnh nhân, tối 19/10/2013, Tường cùng vợ là Hằng và Khánh cùng 2 nhân viên khác là Thành, Công ngồi tại tầng 2 thẩm mỹ viện Cát Tường bàn việc đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu điện để gia đình đến nhận xác.

Khoảng 23h30 cùng ngày, Tường điều khiển ô tô đến thẩm mỹ viện cùng Khánh và Công khiêng xác để chở đến bệnh viện. Khánh cầm túi xách của chị Huyền đi xe máy Lead chở Công theo xe ôtô của Tường. Sợ đông người, Tường không đi xe vào bệnh viện mà dừng lại ngoài đường.

Khánh bàn với ông chủ mang xác chị Huyền vứt xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ôtô chở thi thể chị Huyền lên cầu Thanh Trì, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở Hằng theo sau. Dù được vợ can ngăn nhưng Tường vẫn cùng Khánh khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.

VKSND Hà Nội cáo buộc Nguyễn Mạnh Tường phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích việc truy tố bị can Tường theo điều 242 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là khiên cưỡng. 

Bởi lẽ thực tế chuyên ngành của bác sĩ Tường là ngoại khoa, không đủ điều kiện hành nghề chăm sóc sắc đẹp. Mặt khác, khi tìm thấy thi thể chị Huyền, cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ nạn nhân chết trước hay sau khi bị phi tang xuống sông, không làm rõ cách thức bị can phi tang xác như thế nào.

"Trong vụ án này, cơ quan tố tụng làm việc hết sức cố gắng nhưng chưa triệt để", luật sư Hòe nhìn nhận.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ