Hôm nay (1/1/2020), Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Luật này lần đầu tiên ra đời nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì có những quy định mạnh mẽ. Trong đó, một trong những điểm mới của Luật là “người điểu khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm Luật phòng chống tác hại của rượu bia”.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế- thành viên ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, để hạn chế tác hại của rượu, bia, không chỉ dừng ở các khẩu hiệu hô hào như: “Uống rượu bia thì không lái xe” mà quan trọng là việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện nay. Vì vậy, bà Trang cho rằng, việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia phải thật sự nghiêm túc.
Theo một số chuyên gia, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng có nhiều quy định khó xử lý, khó khả thi. Cụ thể như Khoản 5 Điều 32 quy định: "Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh". Quy định thì dễ nhưng khi thực hiện lại không dễ chút nào. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, tại Việt Nam, việc thực hiện quy định này vẫn còn khó.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. |
GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Luật lần này thật sự đã có những quy định nghiêm khắc, trong đó yêu cầu các cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, GS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, với quy định này, các nước trên thế giới họ đã thực hiện thành công từ lâu. Trong khi đó, vấn đề này tại Việt Nam lâu nay vẫn đang bị bỏ ngỏ, buông lỏng.
Cần nghiêm túc trong xử phạt
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2020) được đánh giá là một tiến bộ của xã hội và được đông đảo người dân mong đợi, ủng hộ. Luật này có bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi đi vào cuộc sống hay không thì khâu triển khai thực thi là hết sức quan trọng.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, trước mắt việc cần phải làm là tiếp tục truyền thông về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia để người dân dần thay đổi nhận thức, chuyển nhận thức thành hành động.
Bên cạnh đó, chính quyền từ cấp xã huyện và các tỉnh thành cần thay đổi cách quản lý, có sáng kiến và quyết tâm thực thi luật một cách mạnh mẽ, đồng bộ và cần phải thực hiện trên diện rộng. Trong đó ưu tiên giáo dục người dân, đề nghị người dân nghiêm túc thực hiện. Có như vậy, Luật mới đi vào cuộc sống.