Theo những gì sách vở để lại và cả văn học truyền miệng, thì triết lý nhân quả của cha ông ta có lẽ bắt nguồn từ đạo Phật. Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, ra đời vào khoảng thế kỉ thứ VI trước công nguyên. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo với tinh thần bình đẳng từ bi đã ăn sâu vào nếp sống và tư duy của người dân trở thành những giá trị tinh thần vô giá, góp phần tạo nên những nét đặc sắc của đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh người Việt. Hơn bao giờ hết, giáo lý của Phật giáo đã được dân tộc Việt Nam tiếp nhận một cách dễ dàng bởi tính thiết thực và gần gũi trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Tư tưởng triết lý của Phật giáo đã thấm nhuần tinh thần dân tộc Việt Nam.
Thuyết nhân quả đã ăn sâu vào hệ tư tưởng của mọi tầng lớp, mọi người dân Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng trên lý thuyết thông qua những bài giảng, qua kinh sách mà đã được thể hiện rõ nét qua cách sống, qua ý thức thực hành một cách tự nhiên, trở thành một bản năng vốn có của con người. Khi đã hiểu được giáo lý của thuyết nhân quả thì trong mỗi hành động, mỗi việc làm bản thân chúngta sẽ có ý thức cao hơn để tạo ra kết quả cao nhất, tránh những hậu quả không tốt về sau. Đồng thời, biết chế ngự mọi bất hạnh, ngăn ngừa những điều ác để xua tan cái nghiệp quả luân hồi cho kiếp sau, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội. Trong một xã hội, nếu ai cũng yêu thương, sống chan hòa, đối xử đúng mực với nhau, không làm điều ác, làm điều gì cũng xuất phát từ cái thiện, luôn đặt điều nhân nghĩa lên trên thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao. Đó chính là mục tiêu và mơ ước mà nhà Phật luôn hướng tới.
Những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao tục ngữ chính là những ví dụ sinh động nhất, dễ hiểu nhất đưa các thế hệ người Việt hiểu rõ hơn về thuyết nhân quả của Phật giáo, từ đó hình thành nên những giá trị đạo đức tốt đẹp cho bản thân mình, làm giàu thêm truyền thống văn hóa của dân tộc
Và để giáo lý nhân quả đi sâu và trong ý thức của mọi người thì không chỉ bằng những lý luận, giáo lý trong sách vở mà cần thấy rằng Phật giáo đã du nhập vào nước ta từ rất sớm, chính vì thế ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần của người dân Việt Nam là rất lớn, nó được ông cha ta đúc kết lại trong kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú và đa dạng. Thông qua những câu ca dao, tục ngữ hay những câu chuyện thần thoại, cổ tích cha ông ta luôn thể hiện những tư tưởng nhân quả rất sâu sắc, đó là tư tưởng “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặt quả ấy”, hay “gieo gió gặt bão”, “ác giả ác báo”…
Trong cuộc sống, thông thường thì người ta hay bỏ qua luật nhân quả, là bởi ít khi luật nhân quả đến ngay, thành thử con người không nhìn thấy mối đe dọa trước mắt để đề phòng. Luật nhân quả đôi khi cứ từ từ như thể từng giọt nước rơi vào cốc, rồi đến một lúc nào đó tràn ly không hay. Luật nhân quả đôi khi chỉ đơn giản thế này, là mỗi ngày ta đều say sưa nhậu nhẹt. Một ngày không sao, hai ngày không sao, thế là ta yên tâm nhậu tiếp. Chỉ đến một ngày nào đó, ta mới thấy sức khỏe của mình đi xuống, lúc đấy thì đã muộn lắm rồi, không còn có thể cứu vãn được gì nữa. Hay luật nhân quả lại ở chỗ, ta lao vào kiếm tiền bằng mọi giá, và đến khi kiếm được, ta bù đắp cho thế hệ sau những gì ta không được hưởng ở thời niên thiếu bằng cách cho con cái mình tiền tiêu hay những vật dụng đắt tiền, để rồi sau đó con cái hư hỏng đến độ ta táng gia bại sản.
Đấy là những ví dụ đơn giản nhất để thấy rằng, luật nhân quả có mặt khắp mọi nơi, ảo diệu và đôi khi như không tồn tại. Nhưng không, luật nhân quả luôn tồn tại, hiển nhiên bởi nó là một trong những quy luật vận hành của thế giới. Nó đơn giản như việc nắng lên làm hơi nước bốc hơi, tích tụ lại thành mây gây mưa, rồi hết mưa mặt trời lại hiện ra với ánh nắng chói chang. Nó cần mẫn như vòng tuần hoàn của cuộc sống, không vì bất cứ ai mà thay đổi, đơn giản như bốn mùa xuân hạ thu đông.
Triết lý về luật nhân quả của cha ông ta có mặt trong mọi mặt của đời sống. Đôi khi, thông qua một hiện tượng thiên nhiên, cha ông ta cũng có ý nhấn mạnh quan hệ này. Ví dụ như câu ngạn ngữ “quá mù ra mưa”. Sương mù nhiều, có nghĩa là hơi nước đã ngưng tụ, thì việc mưa xuống là điều hiển nhiên. Tất nhiên, câu ngạn ngữ này được hiểu theo nghĩa bóng nhiều hơn, có thể là để chỉ mối quan hệ nam nữ lén lút, từ lúc chỉ mới quen nhau thích nhau rồi dần dần thành tình cảm yêu đương lúc nào không hay. Rõ ràng, nếu người ta biết mà lùi lại thì không bao giờ xảy ra chuyện.
Thế nhưng, rõ ràng trong cuộc sống, do những ham muốn của bản thân lớn hơn những hiểu biết của mình, mà con người bất chấp cả quy luật nhân quả, để rồi sau này hối hận đến cùng cực. Nhất là ngày hôm nay, khi cuộc sống càng ngày càng hối hả, sự cạnh tranh mỗi lúc một khốc liệt, thì con người càng lúc càng bỏ qua quy luật nhân quả để rồi chuốc lấy những hậu quả cực kỳ tai hại. Cuộc sống chạy theo đồng tiền, thì sẽ đến một lúc nào đó, ngoài tiền ra con người chẳng có gì cả, khi mà những thứ cách đây vài chục năm còn là hiển nhiên như không khí sạch và mát mẻ thì ngày hôm nay đã trở thành hiếm hoi và đắt đỏ.
Triết lý về luật nhân quả cũng rất ảo diệu. Nếu hiểu sâu hơn chút, thì đó còn là triết lý về sự cân bằng. Chẳng hạn như ta cần tiền, ta lao vào kiếm tiền, thì sẽ có tiền, bởi ít có người không đam mê tiền mà lại giầu có cả. Đây là mặt nhìn thấy của triết lý nhân quả, ta lao thâm khổ tứ để rồi gặt hái thành công về cái mà ta muốn. Nhưng ngược lại, ta phải đánh đổi quá nhiều thứ. Có thể đó là sự đổ vỡ về hạnh phúc lứa đôi do người khác giới chỉ đến với ta vì tiền. Có thể là không khí gia đình ảm đạm do ta không có thời gian chăm sóc những người thân. Có thể là sự cô độc đến cùng cực là bởi xung quanh ta toàn là đối thủ chỉ nhăm nhe cơ hội để hại ta. Rõ ràng, ta phải chấp nhận những điều đó, như một lẽ tất yếu.
Hoặc nếu ta chọn cách sống trên đời là an vui tự do tự tại, ta phải chấp nhận hiện thực là cuộc sống về mặt vật chất là không dư dả gì, muốn tiêu xài gì đều phải tính toán thật kỹ, phải nỗ lực thật nhiều. Ta chọn cách sống an vui và ta bồi đắp cho cuộc sống ấy, rồi cách gì ta cũng đạt được. Thế nhưng rõ ràng ta phải trả giá bằng nhiều điều khác. Đây chính là nét kỳ diệu nhất mà triết lý nhân quả của các cụ để lại cho chúng ta. Chỉ khi ta hiểu được và làm theo được, ta mới tránh cho mình những tai ương, những muộn phiền không đáng có.