Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2021: Công an cấp phường, xã quản lý cư trú

GD&TĐ - Luật Cư trú mới được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/7. Một trong số các điểm mới là công an cấp phường, xã chính quản lý cư trú. Việc này giúp người dân rút ngắn thời gian làm thủ tục…

Cán bộ Công an phường Liễu Giai hướng dẫn người dân đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Cán bộ Công an phường Liễu Giai hướng dẫn người dân đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.

Nhập tách hộ khẩu mất… 5 phút

Từ ngày 1/7, Công an các phường, xã, thị trấn trên toàn địa bàn TP Hà Nội đồng loạt ra quân, chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật để tiếp công dân đến thực hiện Luật Cư trú.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/7 góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Nó giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Luật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN tiên tiến trong quản lý hành chính, nhất là việc triển khai qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trực tiếp kiểm tra tại Công an phường Phố Huế và Tràng Tiền, Đại tá Nguyễn Hồng Ky đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khi tới làm các thủ tục hành chính như: Tách, nhập khẩu và khai báo cư trú… Đại tá Ky cũng kiểm tra cơ sở vật chất của Công an hai phường. Bên cạnh đó, hướng dẫn trực tiếp cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân thực hiện đúng tác phong Công an nhân dân khi giao tiếp.

Là người đầu tiên tới làm thủ tục tách khẩu cho con trai, bác Tôn Thất Dũng, ở 39 Tràng Tiền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), cho biết, thủ tục nhanh gọn, tác phong cán bộ gần gũi, thân thiện đã tạo ấn tượng tốt cho người dân.

Chỉ trong vòng 5 phút, mọi thủ tục tách khẩu cho con trai là Tôn Thất Duy của bác Dũng đã được hoàn thành. Dữ liệu của gia đình bác Dũng nhanh chóng hòa nhập cùng dữ liệu dân cư quốc gia.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, Luật Cư trú mới đã có một bước cải tiến rất đáng kể so với trước đây. Trong đó, có nhiều điểm khác biệt và tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là khi cơ quan quản lý cư trú là cơ quan Công an cấp phường, xã.

“Công an phường, xã, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân khi đến làm việc. Đơn cử như, đăng ký tạm trú, tạm vắng, tách khẩu, nhập khẩu...các thủ tục này được thực hiện nhanh gọn…”, Đại tá Ky nhấn mạnh.

Theo Đại tá Ky liên quan đến hộ khẩu, Công an TP Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị những điều kiện cơ sở vật chất và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, tất cả các thủ tục sẽ được tiến hành rất là nhanh gọn.

“Trước đây với nhiều thủ tục, giấy tờ để chứng minh cho công việc của mình thì nay công dân chỉ cần mang giấy tờ cần thiết, thẻ CCCD tới công an xã phường. Với dữ liệu cư dân được tra cứu và các thủ tục trình tự xét duyệt cũng bảo đảm nhanh hơn trước…”, Đại tá Ky chia sẻ thêm.

Công an phường Nghĩa Tân kiểm tra công tác triển khai Luật Cư trú cho người dân.

Công an phường Nghĩa Tân kiểm tra công tác triển khai Luật Cư trú cho người dân.

“Giải mã” dữ liệu CCCD, sổ hộ khẩu

Trước những băn khoăn về tiến độ cấp thẻ CCCD, Đại tá Ky cho hay, Công an các xã, phường, thị trấn được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, rất thuận tiện cho việc tra cứu và làm các thủ tục liên thông cho công dân.

“Đây là bước cải cách thủ tục hành chính rất tốt và Công an thành phố Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ bản, cần thiết để phục vụ người dân bắt đầu từ 1/7 được thuận lợi nhất.

Đến 1/7, Công an thành phố Hà Nội đã thu nhận được gần 5 triệu dữ liệu thẻ căn cước công dân trên tổng số khoảng 5,2 triệu số công dân của Hà Nội đã đến tuổi làm CCCD...”, Đại tá Ky nói.

Hiện, Hà Nội đã có khoảng trên 80% công dân được thu nhận dữ liệu. Trong thời gian tới, toàn bộ số dữ liệu này sẽ được sản xuất ra thẻ CCCD và gửi đến người dân để thuận tiện trong tất cả thủ tục giao dịch hành chính.

Liên quan những băn khoăn của người dân về việc bị thu sổ hộ khẩu, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (C06, Bộ Công an) cho biết, công an sẽ cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đối với trường hợp công dân cần CMND nơi thường trú để thực hiện giao dịch, thủ tục thì công dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Tại Điều 17 Thông tư số 55 (ngày 15/5/2021) của Bộ Công an, công dân có thể yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú tại công an xã, phường, thị trấn không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình.

Công dân có thể gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho hay, Bộ Công an đã hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam đã được thu thập thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vì vậy, đối với các bộ, ban, ngành đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, không yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh nơi thường trú của công dân.

Trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để chứng minh nơi thường trú. Bởi vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi nộp lại sổ hộ khẩu giấy cho cơ quan công an.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.