Luật An ninh mạng không ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận

GD&TĐ - Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) khẳng định rằng Luật An ninh mạng hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới quyền tự do ngôn luận của người dân.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua

* Thưa ông, Luật An ninh mạng có ảnh hưởng gì tới quyền tự do ngôn luận của người dân?

- Đầu tiên có thể khẳng định rằng Luật An ninh mạng hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới quyền tự do ngôn luận của người dân. Chưa có luật nào mà đưa ra những quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin mạng mới như thế này.

Chưa bao giờ quyền trẻ em lại được bảo vệ như vậy trên thông tin mạng. Luật An ninh mạng đề cao việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên thông tin mạng. Người dân thoải mái sử dụng mạng để hoạt động không vi phạm pháp luật. Hoàn toàn không có điều khoản nào là cản trở tự do ngôn luận.

Chỉ có những cá nhân đưa thông tin sai trái, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm…quy chiếu theo 29 điều của Bộ luật Hình sự thì mới bị xử lý. Không thể nào đe dọa giết người trên mạng mà được tự do, còn ngoài thực tế thì bị xử lý.

Không thể nào tự do mua bán vũ khí vật liệu nổ, hướng dẫn chi tiết sử dụng mà ở ngoài đời bị xử lý còn trên mạng thì không…Ai xúc phạm dân tộc, chủ quyền, tôn giáo, ai kỳ thị giới trên mạng…sẽ bị xử lý.

* Việc doanh nghiệp bắt buộc phải công bố thông tin cá nhân cho cơ quan an ninh liệu có vi phạm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân không?

- Không vi phạm gì cả. Vì có điều 17 của Luật rồi. Điều 17 rất chặt chẽ là phải bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, gia đình. “Doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng…có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số, bảo mật thông tin tài khoản của người dùng”. Do vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải bảo mật. Nếu không bảo mật sẽ bị xử lý.

“Cung cấp thông tin cho người dùng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Trong trường hợp Luật quy định như vậy thì mới được cung cấp. Ví như tôi thấy trên mạng đang trao đổi mua bán chất nổ để chuẩn bị khủng bố thì dứt khoát đương sự phải cung cấp thông tin để chúng tôi xử lý, nếu không sẽ xảy ra thảm họa.

Còn ngoài ra sẽ không được tùy tiện cung cấp thông tin và phải coi đó là bí mật. Nếu để lộ bí mật đó thì phải chịu trách nhiệm. Hiện rất nhiều thông tin của chúng ta đang bị lộ.

* Nhưng dấu hiệu vi phạm dường như rất mơ hồ, thưa ông?

- Không hề mơ hồ. Vấn đề này được quy chiếu trong 29 điều của Luật Hình sự. Nếu như chúng ta phát hiện có dấu hiệu đánh bom thì chúng ta phải bắt ngay.

Phải yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh xem con người đó có đúng không hay chỉ là thông tin bịa đặt. Và làm rõ rồi thì chúng ta mới có thể xử lý về pháp luật hay xử lý theo hình thức khác.

Và tôi tin khi xây dựng điều này, Ủy ban Quốc phòng An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát rất kỹ lưỡng.

* Trong Luật có câu còn khá mơ hồ. Ví như “xúc phạm vĩ nhân”. Vậy làm thế nào để xác định được “vĩ nhân”, thưa ông?

- Cái này phải có thẩm định của các Bộ chức năng liên quan. Nếu Bộ trả lời có vi phạm thì chúng tôi mới được xử lý. Ví như liên quan đến lừa đảo tín dụng thì phải hỏi Ngân hàng Nhà nước, các tập đoàn kinh tế tài chính để xác định có vi phạm không.

Có rất nhiều người mất tiền và việc này phải được thẩm định bởi cơ quan an ninh mạng. Chúng tôi phải từng bước điều tra, xác minh làm rõ là chủ quan, khách quan, độ tuổi…

Đương nhiên không có luật nào hoàn hảo. Có người hỏi tôi “Luật này có ngăn chặn được các hành vi trên không gian mạng không?”.

Tôi trả lời: “Luật Hình sự ban hành nhưng giết người vẫn còn, cướp của vẫn còn”. Có Luật An ninh mạng là để đưa ra phạm vi điều chỉnh xem cái nào thì được bảo hộ và biết hành vi bị cấm để chúng ta tránh. Ngay cả cơ quan chuyên trách về an ninh mạng cũng phải dựa vào Luật này để biết cái gì cấm, cái gì được phép.

* Từ nay đến lúc xây dựng nghị định thì Ban biên soạn vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân chứ, thưa ông?

- Ban soạn thảo luôn luôn lắng nghe, luôn luôn điều chỉnh, luôn cầu thị để những nội dung nào phù hợp sẽ được trình. Mọi nghị định đều được các cơ quan, tập đoàn kinh tế, các tập đoàn viễn thông internet tham gia đóng góp ý kiến. Tôi khẳng định như vậy.

* Trong quá trình soạn thảo Luật An ninh mạng, chúng ta có làm việc với Google…?

- Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng từ tháng 11/2016 theo Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo.

Thành viên gồm nhiều bộ ngành, không chỉ có Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Quốc phòng… cùng tham gia. Trong quá trình xây dựng, ban soạn thảo cũng đã bám theo Nghị định 72 về việc đặt máy chủ và văn phòng tại Việt Nam. Sau đó, khi trình Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Quốc hội cũng đặt vấn đề làm sao điều chỉnh cho phù hợp với các kiến nghị của các doanh nghiệp, các tập đoàn viễn thông internet.

Trong quá trình làm soạn thảo, ban soạn thảo cũng đã có dịp tiếp cận các tập đoàn viễn thông lớn của thế giới như Google, Facebook, Youtube, Hiệp hội Kinh doanh Hoa Kỳ, ASEAN…. Qua đó để giải thích và lắng nghe ý kiến của họ về dự luật An ninh mạng của chúng ta.

Sau khi hai bên đã làm việc và thống nhất, đại diện các đơn vị đó đã nhất trí sẽ điều chỉnh lại chiến lược của họ cho phù hợp. Bản thân các tập đoàn, các đơn vị này cũng thấy những điều chỉnh, những quy định của chúng ta là phù hợp.

Hoàn toàn không có chuyện Google, Facebook sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam. Và chắc chắn với thị phần như của Việt Nam, hiện tại là 48 triệu tài khoản Facebook và chắc chắn sẽ còn lớn hơn, nên không có chuyện như người ta đồn thổi như vậy. Hoàn toàn không có thông tin nào về chuyện này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn/Tổ quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ