Đây là một cách thức để giúp HS rèn luyện sự tự tin, khả năng làm việc nhóm, tổ chức, điều hành... giúp các em chững chạc với vai trò là chủ thể trong quá trình học tập ở trường.
Theo như chia sẻ của BGH các trường, với cách làm này, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ rất bận bịu, nếu không có tâm huyết với học trò thì khó thành công.
“Con đã lớn khôn”
Từ hơn 10 năm nay, trường Tiểu học Lý Công Uẩn (Q. Hải Châu - TP Đà Nẵng) đã thực hiện việc luân phiên làm cán bộ lớp: mỗi tháng, học sinh sẽ thay nhau đảm nhiệm các công việc như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó…, không phải để “cho oai” như cách mà nhiều người lớn vẫn áp đặt, mà là để giúp các em lớn hơn lên, tự tin, chững chạc.
Thầy Nguyễn Hữu Chính - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lúc đầu, trường chúng tôi mới chỉ có cô giáo Lê Thị Kim Yến - tổ trưởng chuyên môn tổ 1 thực hiện việc cho HS luân phiên đảm nhiệmcác vị trí quản lý trong lớp.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội tốt để rèn luyện tính trách nhiệm, sự tự tin, dạn dĩ cho HS nên BGH quyết định nhân rộng ra toàn trường.
Các chức danh này không chỉ được giao cho những em HScó nhiều thành tích nổi bật trong rèn luyện, học tập mà có những trường hợp, GVCN còn mạnh dạn đề cử cả những HS thuộc diện “chưa ngoan, chưa chăm”.
Và hầu hết là chúng tôi nhận được những phản hồi rất tích cực bởi được GV động viên, khuyến khích và tin tưởng”.
Theo như kinh nghiệm của cô Lê Thị Kim Yến thì thường là đầu năm học, cô giáo sẽ chọn một bạn trông chững chạc nhất để làm lớp trưởng, một tháng sau, khi HS lớp Một đã quen với nề nếp sinh hoạt, học tập, lớp trưởng có thể được thay thế bằng một em nhút nhát nhất hoặc nghịch ngợm nhất với sự kèm cặp, hỗ trợ của GVCN.
“Thường thì những em này cũng gặp vấn đề tâm lý như lo sợ, căng thẳng khi được cô giao nhiệm vụ, nhưng cô giáo động viên nếu chỉ cần mình chăm chỉ hơn, mạnh dạn hơn, gương mẫu hơn, nói to hơn… thì sẽ làm được” - cô Yến cho biết.
Hiệu quả rõ rệt nhất là hầu hết các HS này đều có ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm, có “uy tín” hơn khi nhắc nhở, giao việc cho các bạn.
Từ khi triển khai thực hiện đánh giá HS Tiểu học theo Thông tư 30, việc bầu chọn các vị trí cán bộ lớp được nhà trường tổ chức theo hình thức cho HS bầu chọn, có sự định hướng của GV. “Cũng có không ít lo ngại rằng, hết thời gian làm cán bộ lớp, HS sẽ nghĩ bị “giáng chức”.
Thế nhưng, trên thực tế, các giáo viên đều làm công tác tâm lý trước cho các em; và em nào cũng đảm nhiệm trong vòng một tháng nên các em đều rất vui vẻ.
Ở những lớp lớn hơn như khối 4 – 5, có nhiều HS tự đứng ra ứng cử lớp trưởng, chứng tỏ các em đã rất tự tin và mạnh dạn” – thầy Chính cho biết.
Giáo viên thêm việc
Cũng triển khai hình thức luân phiên làm lớp trưởng 1 tháng/lần, các vị trí khác như lớp phó, tổ trưởng có thể luân phiên 1 tuần/lần, thầy Cao Hữu Công – Hiệu trưởng trường Hoàng Văn Thụ (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) cho biết:
“Trong lần đi tham quan ở Singapore, thấy mô hình luân phiên chức danh lớp trưởng mà họ gọi là “phát thanh viên” cho GVCN rất hiệu quả cho việc rèn luyện kỹ năng cho HS nên chúng tôi đưa ra bàn bạc trong Hội đồng sư phạm và nhận được sự đồng tình cao của tập thể GV”.
Theo như thầy Cao Hữu Công, việc tổ chức cho HS luân phiên đảm nhiệm các vị trí cán sự lớp giúp HS có cơ hội rèn luyện sự tin tin, cách thức làm việc nhóm, điều hành… thế nhưng, GVCN sẽ rất vất vả.
“Cứ sau mỗi tháng, GVCN lại phải hướng dẫn cho lớp trưởng mới cách điều hành, quản lý lớp, từ cách thức tổ chức sinh hoạt đầu giờ, chào thầy cô giáo, tự quản lớp trong những thời điểm không có mặt GVCN; những công việc của các tổ trưởng, tổ phó thì còn có thời gian ngắn hơn nữa” - thầy Công chia sẻ.
Đồng ý với quan điểm này, cô giáo Phan Thị Kim Thu cho biết: “Thường thì trong một lớp học, cũng chỉ có vài ba em có khả năng đảm nhiệm vai trò lớp trưởng.
Chính vì vậy, với việc luân phiên làm lớp trưởng, HS được tự tin hơn, cứng cỏi, mạnh dạn hơn nhưng GV sẽ thêm nhiều việc hơn bởi phải luôn ở cạnh các em để động viên, hỗ trợ những lúc cần thiết”.
Khác với lớp trưởng, các bạn tổ trưởng, tổ phó được cô giáo hướng dẫn những công việc như dò bài, kiểm tra vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân, ghi tên những bạn được tuyên dương trong từng tuần để GVCN có căn cứ làm tuyên dương, khen thưởng hàng tháng…
Em Nguyễn Minh Trí, vừa tốt nghiệp lớp 5 trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đến giờ vẫn nhớ như in cảm giác của lần đầu tiên đảm nhiệm chức lớp trưởng:
“Được cô giao nhiệm vụ làm lớp trưởng, em thấy mình càng phải học tập tốt hơn, cố gắng không nói chuyện trong lớp để còn nhắc nhở được các bạn”.
Thông qua mô hình thay đổi chức danh cán sự lớp hàng tháng, mỗi HS trở nên có trách nhiệm với công việc, có ý thức hơn trong việc tự rèn mình.