Băng rừng gieo chữ non cao

GD&TĐ - Điểm trường thôn Nóc Ông Ní (Trường Tiểu học Trà Vân, xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam) nằm vắt vẻo trên dãy núi Ngọc Linh. 

Băng rừng gieo chữ non cao

Điểm trường này chỉ cách điểm trường chính chưa đầy 4 km, nhưng điều kiện cơ sở vật chất cũng như mọi sinh hoạt của học sinh, giáo viên nơi đây gặp vô vàn khó khăn.

Nhọc nhằn con đường đến lớp

Để đến được điểm trường dạy học, những người giáo viên phải vượt qua những quãng đường đất đồi núi, muôn trùng khúc khuỷu. Mùa nắng việc đi lại còn thuận tiện, nhưng mỗi khi mưa về con đường này trở nên trơn trượt, lầy lội mọi phương tiện như xe máy, xe đạp phải lết từng mét một.

Bởi vậy, con đường càng trở nên khó khăn đối với những người giáo viên từ miền xuôi lên đây dạy học. Cho nên, muốn đến điểm trường, các giáo viên chỉ còn một cách là xắn quần lên và xách dép đi bộ.

Đạt chân đến được điểm trường Nóc Ông Ní, chúng tôi mới hiểu vì sao những người giáo viên huyện vùng cao Nam Trà My thường gọi điểm trường Tiểu học Trà Vân ở Nóc Ông Ní (thôn 1, xã Trà Vân) là lớp học trên đỉnh Trà Vân.

Lớp học đã được xây gạch, lợp mái tôn nhưng con đường dẫn vào lớp học vẫn là con đường đất bùn lầy, nhão nhoẹt. Điểm trường nằm trên ngọn núi cao, hướng về phía mặt trời mọc, phía trước là những thung lũng quanh năm phủ mây trắng.

Năm học này, điểm trường do 2 cô giáo Lưu Thị Vân, Nguyễn Thị Tám đứng chân dạy học. Cô Tám đảm nhận dạy lớp mẫu giáo. Cô Vân dạy lớp ghép 1 - 2.

Cả hai cô đều lên huyện vùng cao này dạy học từ năm 2014, mỗi người mỗi quê nhưng các cô sống với nhau tình cảm thắm thiết như 2 chị em ruột.

Cuộc sống xa gia đình, sống giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nên tình cảm các cô dành cho nhau càng thân thiết hơn. Bởi vậy dù cuộc sống có khó khăn đến mấy các cô vẫn lạc quan, động viên lẫn nhau nỗ lực bám trường, bám lớp, dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc.

Lớp học trên đỉnh Trà Vân

Tiếp chúng tôi bằng câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó đến trường của con em học sinh nơi đây, cô Vân kể, tôi công tác ở đây đã 3 năm ròng rã nhưng chưa bao giờ được nở một nụ cười trọn vẹn… bởi các em học sinh nơi đây quá đỗi thiệt thòi.

Làm thế nào để giúp các em vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn là suy nghĩ thường trực của những người giáo viên như tôi khi lên đây công tác.

Còn cô Tâm chia sẻ: Là một người giáo viên, bản thân tôi rất khâm phục ở các em tính tự lập, ý chí vượt qua mọi khó khăn để được đến với con chữ.

Hàng ngày, sau khi tan lớp, các em phải tự mình làm tất cả những công việc của người lớn. Những em học lớp 2, 3 phải làm công việc của “đàn anh, chị” từ nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa đến chăm lo giấc ngủ cho các em nhỏ hơn mình.

Nói về hoạt động dạy học, cô Vân cho biết: Các em học sinh đồng bào dân tộc Ca Dong có bản tính rất ngoan, hiền, chăm học. Đa phần các em nói tiếng Kinh còn hạn chế, nên việc giao tiếp, truyền thụ kiến thức rất vất vả.

Cách duy nhất để tập đọc, tập viết cho các em là hướng dẫn đi hướng dẫn lại nhiều lần để các em nhớ và thuộc được những con chữ.

Còn cô Tám chia sẻ, mặc dù khó khăn về chuyện học tập nhưng các em lại rất yêu thương cô giáo. Buổi học kết thúc nhưng các em vẫn tha thẩn nán lại chơi với các cô. Có hôm cô trò cùng chụm củi nấu cơm, rồi cô trò dọn ra ăn chung. Cứ thế, cô trò quấn quýt nhau, cô yêu trẻ, trẻ cũng thương cô.

Nỗi niềm giáo viên hợp đồng

Đường lên Trà Vân dốc cao thăm thẳm, mỗi tháng cô Vân và cô Tám chỉ về thăm gia đình 1 lần. Chỉ thương cho cô Tám vừa mới cưới chồng gần nửa năm, chồng cô làm nông ở quê, số lần về thăm chồng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cô Vân đã có người yêu nhưng chưa tính đến chuyện cưới hỏi cũng chỉ vì hoàn cảnh công việc dạy học xa nhà. Vậy nên khi nhắc đến chuyện lập gia đình, cô Vân cười ngại ngùng:

“Chúng em sợ tốn anh ạ...!”. Vậy lương các cô bao nhiêu? Ngần ngừ mãi, cô Vân mới thổ lộ: “Chưa được 3 triệu đồng anh ơi...! Chúng em dạy theo chế độ hợp đồng, mà lại là hợp đồng với trường, chứ không phải của Phòng GD&ĐT, hay UBND huyện Nam Trà My ký.

Mỗi năm đầu năm học ký lại một lần, nhà trường chỉ trả tiền cho mỗi buổi dạy, còn những tháng nghỉ hè, ngày nghỉ Tết đều không có lương...”.

Lòng tôi như nghẹn lại và để lảng tránh điều đó, tôi hỏi lại một câu rất thừa: “Ở đây các cô có buồn không? Tôi không dám nhìn các cô, nhưng dám chắc các cô đang nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, cô Tám bảo: “Không buồn anh ạ, chúng em quen rồi, vì cuộc sống phải mưu sinh thôi...!”.

Ơ hay, tôi giật mình, cái cụm từ “mưu sinh” nó lại hiện hữu ở lớp học thân thương này ư... Tôi đã từng đọc một cuốn sách viết về ngành Giáo dục của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong đó có viết: “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý...”. Vậy mà trên đỉnh Trà Vân này, cái sự “cao quý” ấy sao tôi nghe cứ cay cay trên sống mũi...

Đồng lương ít ỏi, cuộc sống các cô cũng rất khó khăn, hai cô sinh hoạt, nghỉ chung trong một căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2, điểm trường nằm cách biệt khu dân cư, tan lớp học, đêm xuống, các cô chỉ còn biết đóng cửa thật chặt, nằm nghe tiếng gió thổi ào ào qua rừng quế sau hè.

Điểm trường không có tivi, càng không có khái niệm máy vi tính, không mạng Internet, cái điện thoại cảm ứng các cô tằn tiện sắm được cũng chỉ để chơi game, chờ khi giấc ngủ ùa về.

Cô Tám bảo, trồng được mấy luống rau để cải thiện, nhưng đàn heo thả rông của bà con trong làng phá nát hết, bữa cơm của hai cô chỉ vài con cá khô, ít rau rừng nấu cùng mỳ tôm làm thức ăn...

Tôi đã từng được đến nhiều điểm trường có các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu, vùng xa như thế này, cụm từ “khó khăn” luôn được dành cho các thầy cô đầu tiên.

Không biết nói gì hơn, chỉ thấy lòng đầy chất chứa, bởi chia tay các cô, văng vẳng sau lưng tôi trên con đường đổ dốc, vẫn là tiếng hát tươi trẻ của cả cô lẫn trò: “Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây ơ... Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay...ơ...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ