"Địa phương hóa" giáo viên là mong muốn từ nhiều năm nay nhằm góp phần giúp nhà trường ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy học; giáo viên yên tâm công tác, cuộc sống và tập trung cống hiến. Tuy nhiên, việc thực hiện còn không dễ dàng và đòi hỏi những quyết sách phù hợp, linh hoạt...
“Yêu trò bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) năm 2013, thầy giáo Trần Đình Phương chuyển tiếp cao học chuyên ngành và tốt nghiệp năm 2016. Từ TP Huế, thầy Phương ba lô khăn gói lên với đại ngàn Trường Sơn và dạy học tại Trường THCS&THPT Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế).
Tuần một lần kết thúc giờ dạy, chờ những học sinh cuối cùng rời khỏi lớp, thầy Phương lại chằng buộc đồ dùng cá nhân lên chiếc xe máy mua trả góp để về với ba mẹ ở làng Sình. Thầy Phương tâm sự: Dãy Trường Sơn được xem như ranh giới thiên nhiên giữa 2 nước Việt Nam và Lào. Hồng Vân - xã biên giới đặc biệt khó khăn, học sinh của trường 100% là con em đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu. Tỷ lệ đói nghèo cao trở thành rào cản với những người làm công tác giáo dục trên mảnh đất này.
Không những thế, thiên nhiên khắc nghiệt, nắng gắt, mưa giông, năm nào cũng sét đánh chết người là những hiểm nguy luôn rình rập người dân và thầy trò. Tuy nhiên, dù khó khăn tới đâu các thầy cô vẫn luôn ở bên học trò. Không chỉ quan tâm tới dạy học, khi chứng kiến nhiều em không đủ quần áo ấm vào mùa lạnh, thầy Phương và đồng nghiệp lại vận động, quyên góp áo quần cho các em, duy trì tỉ lệ chuyên cần tốt hơn...
Ngược ra Bắc, trên đỉnh cao Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh), thầy Lê Trung Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn, tâm sự: Giáo viên lên dạy trên này trừ một số là người địa phương còn lại đều “đi nghĩa vụ”. Các thầy cô luôn xác định mỗi nhà giáo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề nên dành trọn tình yêu thương cho học trò.
Ảnh minh họa INT. |
Đến nay xã Hải Sơn đã thay đổi nhiều so với trước, kinh tế phát triển, người dân có điều kiện chăm lo cho con em ăn học nhiều hơn. Thầy Lê Trung Thành đã được chuyển về trường dưới đồng bằng vì sức khỏe không còn đảm bảo. Thế nhưng với thầy, học trò và mảnh đất Hải Sơn mãi là một phần tuổi trẻ, tâm huyết, tình yêu nghề, yêu người chẳng thể phai mờ.
Tạo sự đổi thay
Năm 2021, UBND tỉnh Yên Bái thực hiện đề án chuyển các thầy, cô giáo vùng cao về huyện, thị, thành phố công tác theo nguyện vọng cá nhân. 45 giáo viên sau thời gian nỗ lực cống hiến cho giáo dục vùng cao đã được ghi nhận những đóng góp và đền đáp xứng đáng.
Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, cho biết, đây là lần đầu tiên Yên Bái giải quyết nguyện vọng cho giáo viên với số lượng lớn, cùng một thời điểm được chuyển nơi công tác từ vùng cao xuống thấp để hợp lý hóa gia đình, đồng thời tiếp thêm động lực để nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Cô giáo Hoàng Thị Tùng Bách, dạy tại xã Tà Xi Láng, huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) có hơn 10 năm gắn bó tuổi thanh xuân với học sinh người Mông cùng nhiều buồn vui và kỷ niệm. Cô Bách tâm sự: “Gắn bó với các em cùng bao kỷ niệm nên khi chia tay cũng nhiều nuối tiếc. Nhưng bản thân có gia đình và mong muốn được về vùng thấp để thuận lợi hơn cho việc chăm lo tổ ấm. Chính sách luân chuyển của UBND tỉnh Yên Bái thực sự đã đi vào lòng người, đáp ứng mong muốn của giáo viên. Đây là động lực to lớn để chúng tôi quyết tâm gắn bó với nghề”.
Thầy giáo Hoàng Thắng là một trong số 45 giáo viên được luân chuyển đợt đầu. Nhớ lại những ngày gian khó ở Trường Tiểu học Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), thầy Thắng tâm sự: Khi tôi mới lên công tác, trường phải mượn trạm y tế xã 2 phòng tạm bợ. Thế nhưng, tôi vẫn xung phong lên đây dạy học và gắn bó với trò nghèo 5 năm liền hợp đồng, không biên chế. Từ năm 1998 đến 2003, tôi mới được tuyển dụng chính thức.
“Gian nan không chùn bước, một nửa lớp sư phạm chúng tôi xung phong lên Trạm Tấu đều trong diện không biên chế. Địa phương hóa giáo viên có lẽ là mong muốn của các cấp chính quyền và ngành Giáo dục địa phương nhưng điều này để thực hiện lâu dài cũng khó. Việc luân chuyển giáo viên sẽ là niềm động viên, khích lệ lớn đối với nhà giáo sau nhiều năm cống hiến. Đây là điều rất nên làm để thầy cô vùng cao được tiếp thêm động lực gắn bó lâu dài với trò, với nghề…”, thầy Thắng trải lòng.
Thực tế cho thấy, các thầy cô ở nơi khác về địa phương dạy học và xây dựng gia đình, hoặc giáo viên lấy người địa phương thì mới quyết định ở lại. Nhưng số này rất ít, phần lớn thầy cô trong cảnh vợ một nơi, chồng một nẻo. Mong muốn lớn nhất của họ vẫn là sau thời gian cống hiến được chuyển về công tác gần nhà, từ đó có điều kiện chăm sóc gia đình. Hiểu nguyện vọng chính đáng đó, tỉnh Yên Bái đã quyết tâm thực hiện Đề án luân chuyển giáo viên để các thầy cô có niềm tin, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp chung.
Trong đợt luân chuyển giáo viên đầu tiên của Yên Bái, người ít nhất có hơn 10 năm và nhiều nhất trên 22 năm gắn bó với vùng cao được chuyển về công tác tại các trường học thuộc thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên. Thành công của đợt 1 sẽ trở thành nền tảng để Yên Bái tự tin triển khai luân chuyển tiếp theo; mặt khác tạo tin tưởng cho nhà giáo yên tâm cống hiến, không vì khó khăn trước mắt mà bỏ nghề, thôi việc. Đây cũng là cách làm mà các địa phương miền núi khác với điều kiện tương tự có thể tham khảo, học hỏi và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn.
Việc giải quyết nguyện vọng cho giáo viên chuyển từ vùng cao xuống thấp rất khó khăn, dễ xảy ra tình trạng mất cân đối về số lượng, chất lượng giáo viên giảng dạy vùng cao… Song nếu không thực hiện sẽ thiệt thòi cho các thầy cô có nhiều năm vượt khó, thiếu thốn về cơ sở vật chất vẫn gắn bó, bám lớp, bám trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi chưa thực hiện địa phương hóa giáo viên thì luân chuyển giáo viên cũng là sự ghi nhận đóng góp của những người thầy với sự nghiệp giáo dục và trở thành động lực để họ thêm yêu và gắn bó với giáo dục. - Nhà giáo Vương Văn Bằng (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái)