Sự kiện do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. Năm 1998, Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo (tiền thân của Học viện Quản lý giáo dục) từng tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm ngày sinh của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang, có xuất bản cuốn sách với tựa đề: “Nguyễn Ngọc Quang – nhà sư phạm, người góp phần đổi mới lý luận dạy học”.
PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục bày tỏ, GS.TS Nguyễn Ngọc Quang là nhà khoa học mẫu mực. GS.TS có 17 sách xuất bản về lý luận dạy học, 19 bài báo khoa học về lý luận dạy học, cùng hàng chục tài liệu đã được công bố về quản lý giáo dục. Hiện, các sách, công trình của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang vẫn được người học trích dẫn trong nghiên cứu của mình.
Trong sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang không thể không kể đến các công trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp Grap trong dạy học Hóa học, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục ghi nhận. Rất nhiều thế hệ học trò, nghiên cứu sinh đã được truyền cảm hứng và tiếp nối thành công hướng nghiên cứu sáng tạo này.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nền giáo dục đất nước đang xây dựng các nhà trường thông tuệ. Chỉ có thể xây dựng được thiết chế này khi có các giờ học thông tuệ, kiến tạo, ở đó người thầy biết từ bỏ sư phạm ban ơn, quyền uy và thực hiện sư phạm của tình bạn hợp tác dân chủ “Thầy cố vấn – Trò khám phá”.
“Tư duy - phong cách dạy học của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang vẫn đồng hành cùng động thái đổi mới giáo dục” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thu Trang – cựu sinh viên khóa I của Học viện Quản lý giáo dục bày tỏ, quan điểm về lý luận dạy học cộng tác do GS.TS Nguyễn Ngọc Quang đề xuất từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã thể hiện tư tưởng tiến bộ, hình thành khung lý luận về quá trình dạy học cộng tác. Theo đó, quá trình dạy học là hoạt động cộng đồng, hợp tác giữa các chủ thể: Thầy – cá thể trò; trò – trò trong nhóm; thầy – nhóm trò.
Không chỉ là nhà nghiên cứu lí luận dạy học uyên thâm, GS.TS Nguyễn Ngọc Quang còn được các thế hệ học trò nhớ đến nhiều hơn với một phong cách giảng bài ấn tượng thông qua những “giờ lên lớp” cuốn hút. Người dự giờ được chứng kiến thầy vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn cho chính mình theo kịch bản (giáo án) mà thầy đã vạch ra.
Từng là nhân viên của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang; ThS Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) bày tỏ, cố GS.TS là một trong những người sáng tạo và thực hành những phương pháp dạy học hiện đại như: dạy học nêu vấn đề, dạy học bằng Grap – tiền thân của dạy học bằng sơ đồ tư duy, lý thuyết dạy học cộng tác, lý thuyết hệ thống…
GS.TS Nguyễn Ngọc Quang cũng là người phát triển các học thuyết về nhân cách của Peetoropxky với 3 tầng bậc: nội cá nhân, liên cá nhân, siêu cá nhân. “Thầy luôn mong ước Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo xứng tầm là nơi đào tạo “sỹ quan của ngành giáo dục” - ThS Lê Thị Loan nhớ lại.
Hiện là sinh viên khoa Tâm lý - giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), Phạm Minh Quân bày tỏ biết ơn đến các thầy, cô và những công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang.
Nam sinh nhận thấy, trong lý luận về dạy học của GS.TS Nguyễn Ngọc Quang thấm nhuần tính nhân văn, trải nghiệm. “Em mong Học viện có thể thành lập tủ sách, lớn hơn là thư viện Nguyễn Ngọc Quang để các thế hệ sinh viên được lĩnh hội kho tàng về kiến thức từ lý luận đến thực tiễn của cố GS.TS” – Minh Quân bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Ngọc Quang (1929 - 1994), nguyên là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Trung ương I (nay là Học viện Quản lý giáo dục). GS.TS Nguyễn Ngọc Quang có bề dày kinh nghiệm trong thực tiễn dạy học cũng như nghiên cứu lý luận dạy học. GS.TS Nguyễn Ngọc Quang được xem là nhà lý luận dạy học nổi tiếng của Việt Nam. Thầy chính là người đề xuất lý luận dạy học cộng tác, với bộ tác phẩm khoa học quan trọng: “Lý luận dạy học đại cương” (1986 - 1989). Thầy cũng là tác giả của cuốn sách “Những khái niệm cơ bản về lí luận quản lí giáo dục” (1989).