Không ngừng đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng, tiến tới hiện đại hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa giáo dục

Không ngừng đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng, tiến tới hiện đại hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa giáo dục

*Thưa đồng chí Thứ trưởng,  năm học 2009-2010 đã kết thúc với nhiều thành công trong việc thực hiện chủ đề năm học là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD”. Thứ trưởng có thể nêu một vài điểm nhấn đáng chú ý?

Thứ trưởng ộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Một dấu mốc rất quan trọng trong năm học này là cả nước đã về đích đạt chuẩn PCGDTHCS sớm hơn kế hoạch với chất lượng tương đối bền vững ở phạm vi toàn quốc. Số người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS cả hai hệ phổ thông và bổ túc văn hóa đạt tỉ lệ 87,3%. 7 tỉnh khó khăn nhất là Lai Châu, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum đã được Bộ  kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS. Cả nước chỉ còn 6 xã/10344 xã chưa đạt chuẩn.

Về đổi mới quản lý, giao quyền tự chủ cho cơ sở và phân cấp quản lí đã được thực hiện tương đối tốt, trên cơ sở đó các địa phương chủ động kế hoạch thời gian năm học và phân phối chương trình, chủ động nội dung GD địa phương, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH-CĐ... Cùng với việc phân cấp và giao quyền tự chủ, chủ trương “3 công khai” đã được đồng tình và bước đầu tạo cơ chế cho sự giám sát của nhiều lực lượng xã hội đối với các cơ sở GD. Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đã được Quốc hội thông qua về chủ trương, định hướng. Các tỉnh, thành phố đang tích cực chủ động xây dựng mức học phí phù hợp với thực tế địa phương để áp dụng ngay từ học kỳ 1 của năm học 2010-2011. Hầu hết các trường đã được kết nối internet. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý GD đã được tăng cường từ Bộ xuống địa phương. Nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đã được thực hiện qua mạng. Năm 2009, website của Bộ GD-ĐT được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng ở vị trí đầu tiên về mức độ cung cấp thông tin trên website của các Bộ ngành.

Phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” bước sang năm thứ hai với sự tham gia của 2 bộ và 3 đoàn thể, tổ chức đã đi vào chiều sâu chất lượng; có sức lan toả mạnh mẽ và tạo ra nhiều hiệu quả tích cực về GD đạo đức, văn hoá, kỹ năng sống cho HS; tăng cường thêm các điều kiện phục vụ cho hoạt động GD trong và ngoài nhà trường.

Là năm thứ 4 thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tư duy làm GD đã có những thay đổi mạnh mẽ, coi trọng quá trình làm chất lượng, để kết quả đầu ra (thể hiện qua thi cử) chỉ là khâu cuối cùng, còn điều kiện tiên quyết chính là những giải pháp tạo nên chất lượng trong suốt quá trình dạy  học.

Nổi bật ở bậc ĐH-CĐ là việc thực hiện chương trình kế hoạch của Bộ  về triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền đã có nhiều cải tiến đáng kể (chủ động thông tin, phối hợp truyền thông…) làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về các định hướng lớn, các quyết sách đổi mới trong năm của ngành. Báo điện tử Giáo dục và Thời đại tuy mới khai trương nhưng đã trở thành kênh thông tin, diễn đàn chính thống và chuyên nghiệp của ngành GD, là nơi truyền tải thông tin có chiều sâu, có đối thoại hai chiều với xã hội.

*Vâng, thưa Thứ trưởng, chính vì thế mà đổi mới quản lý cũng nhằm một mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng GD, với một hệ thống các giải pháp đồng bộ được triển khai?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng thế, nhiều giải pháp quản lý được triển khai trong năm học vừa qua tạo ra hiệu quả nâng cao chất lượng GD. Ví dụ: cuộc vận động “Hai không” thiết lập lại môi trường sư phạm cần thiết để dạy học có hiệu quả, đã cơ bản chấm dứt hiện tượng HS ngồi sai lớp, giảm tỉ lệ HS yếu kém, HS bỏ học; Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi; Phong trào “THTT-HSTC” tạo chuyển biến mạnh cả về cảnh quan, môi trường sư phạm và chất lượng dạy và học theo hướng tích cực và thân thiện, gắn bó hơn nhà trường và xã hội.

Mỗi cấp học, ngành học lại có chỉ đạo riêng nhằm nâng cao chất lượng GD. Ở GD mầm non là việc mở rộng diện thực hiện Chương trình GD mầm non mới; chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số và bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho GV…Ở GD tiểu học là việc đổi mới đánh giá kết quả học tập; điều chỉnh nội dung và hình thức dạy học môn thủ công, kĩ thuật; bồi dưỡng tập huấn CBQL phụ trách cấp tiểu học; đẩy mạnh dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số với các phương án phù hợp từng địa phương. Ở GD trung học là đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tích hợp GD môi trường, GD kỹ năng sống, GD hướng nghiệp qua các môn học; đánh giá 3 năm thực hiện CT-SGK THPT; tổ chức hội nghị trường chuyên toàn quốc lần thứ 2. Tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng các trường nội trú, bán trú ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số. GDTX và GD nghề nghiệp đã chú ý hơn các nội dung đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội... Nhiều hội thảo khoa học về đào tạo sư phạm được tổ chức, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá chương trình đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng GV tương thích với đổi mới ở phổ thông.

Hai điều kiện rất cơ bản đảm bảo chất lượng GD là đội ngũ nhà giáo,  cán bộ quản lí giáo dục và CSVC-trang thiết bị cũng có nhiều khởi sắc hơn so với các năm học trước, trong đó có những đóng góp rất hiệu quả của các dự án như dự án GD tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dự án phát triển GDTHCS 2, dự án phát triển GD THPT, dự án phát triển GV THPT&TCCN, dự án hỗ trợ đổi mới quản lý GD, dự án phát triển GDTHCS vùng khó khăn nhất, dự án Việt-Bỉ. Hầu như các dự án đều có thành phần đầu tư cơ sở vật chất và bồi dưỡng GV và CBQLGD. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng mạnh trong năm học này (387 trường mầm non, 213 trường tiểu học, 339 trường THCS, 71 trường THPT). Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho GV đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân. Bước đầu đổi mới nội dung bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng các cấp học theo hướng chính là đổi mới tư duy và tăng cường năng lực thích ứng với các thay đổi trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Thế hệ tương lai (ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Thế hệ tương lai (ảnh: Đào Ngọc Thạch)

*Thành tựu là cơ bản, nhưng chắc chắn vẫn còn những hạn chế, chậm trễ trong đổi mới quản lý cũng như chất lượng GD, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đó cũng là điều mà những người làm công tác quản lý nhà nước về GD cần phải nhìn thẳng và có trách nhiệm giải quyết trong quyền hạn của mình, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan khác. Không khó để nhìn ra những hạn chế, chậm trễ trong việc thực hiện Thông tư 35, chính sách luân chuyển GV, việc chuyển đổi loại hình trường bán công, dân lập, việc xây dựng và ban hành đề án về GD dân tộc ... Việc thực hiện 3 công khai còn nhiều bỡ ngỡ. Hiệu quả sử dụng thiết bị giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập vẫn còn nhiều yếu kém... Nói một cách khái quát, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD là một công việc lâu dài, không phải năm học này mới bắt đầu và cũng không thể kết thúc trong một năm học. Nó phải được tiến hành không ngừng nghỉ. Chính vì những hạn chế này mà năm học 2010-2011, toàn ngành vẫn xác định chủ đề năm học là “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

*Quan trọng là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó. Xin Thứ trưởng cho biết những việc mà ngành sẽ tập trung giải quyết trong năm học tới?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngoài việc triển khai một số nội dung mới cụ thể của các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”; rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục triển khai từ những năm học trước, năm học tới ngành sẽ tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ thông qua cuộc vận động “Hai không”; tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010”, tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập” và chuẩn bị cho giai đoạn mới. Công tác quản lý chất lượng GD cũng sẽ được đẩy mạnh với việc mở rộng đánh giá (kiểm định) chất lượng các cơ sở giáo dục, triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của HS phổ thông vào năm 2012. Tập trung giải quyết những tồn đọng trong năm học trước (thâm niên GV và phụ cấp ưu đãi cho CBQLGD, luân chuyển GV, thông tư 35, ba công khai, chuyển đổi trường ngoài công lập, chính sách với học sinh dân tộc bán trú). Ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non và phổ thông. Xây dựng và triển khai đề án “Phát triển GD ở 62 huyện khó khăn nhất”.

Cũng trong năm học tới, sẽ tổng kết Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001-2010 và hoàn thiện Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020, tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 về lĩnh vực GD-ĐT; các sở GD-ĐT hoàn thành xây dựng “Quy hoạch phát triển GD của tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020”. Sơ kết rút kinh nghiệm quá trình phân cấp quản lí nhà nước về giáo dục và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Các Sở GD-ĐT sẽ phải tăng cường năng lực để nhận nhiệm vụ giúp UBND tỉnh/TP quản lí các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định về biên soạn, chỉnh sửa, thẩm định chương trình GD phổ thông và SGK, Bộ cũng sẽ tiến hành soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng chương trình GD phổ thông và SGK áp dụng sau năm 2015.

*Năm học 2009-2010 có thể coi là năm học của những đề án, vì nhiều đề án đã được phê duyệt và triển khai. Đó phải chăng cũng là tiền đề cho những hi vọng cho năm học mới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nhiều đề án được bắt đầu triển khai hoặc được phê duyệt trong năm học vừa qua: Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020, Phổ cập mầm non 5 tuổi, Đổi mới cơ chế tài chính, Đào tạo giáo viên GD quốc phòng, Phát triển hệ thống trường THPT chuyên,… Đặc biệt là Luật GD sửa đổi và Nghị quyết của Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới quan trọng về thực hiện thâm niên giáo viên, về giám sát chất lượng giáo dục đại học… chắc chắn sẽ tạo nên nhiều khởi sắc của GD trong năm học mới. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa GD cũng sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực: đánh giá CBQL và GV theo chuẩn; dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng; chuẩn thiết bị dạy học tối thiểu; công tác PCGD và chống mù chữ cũng sẽ được tăng cường để thực hiện theo chuẩn mới nhằm nâng cao chất lượng; các trường đào tạo thì có chuẩn đầu ra; công tác kiểm định chất lượng cả phổ thông và đại học đều theo tiêu chí chuẩn; các nhà trường phổ thông và mầm non tiếp tục hướng đến chuẩn quốc gia, song song với việc xây dựng THTT-HSTC. Có thể nói Giáo dục Việt Nam sau năm 2010 sẽ tiệm cận gần hơn đến chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hoàng (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ