(GD&TĐ) - Gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều kiểu lừa đảo hết sức tinh vi. Trong vai cán bộ phường, nhà sư khất thực, người mua nhà hay là những thầy lang trị bệnh cứu người..., bọn lừa đảo đã dễ dàng khiến không ít người nhẹ dạ móc hầu bao của mình cho chúng một cách tự nguyện...
Lừa đến tận nhà
Bài học cảnh giác đối với mỗi người không bao giờ thừa. Ảnh: Nguyên Dũng |
Chị Hoa – nhân viên ngân hàng Agribank Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Để tiện cho công việc của mình, gia đình chị quyết định thuê một căn hộ tập thể nằm trên đường Hồng Hà. Anh chị còn chưa kịp chuyển hết đồ đến thì cánh lừa đảo đã gõ cửa hỏi thăm nhà chị.
Vị khách là một người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi, một tay xách túi, một tay cầm cuốn sổ, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Chị ta giới thiệu là người ở tổ dân phố đến để thông báo cho các gia đình về việc triển khai Tuần lễ vệ sinh phòng chống sốt xuất huyết của phường.
Trong đó, mỗi hộ gia đình tự vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt gián, muỗi ... để chủ nhật tuần này, phường sẽ đến kiểm tra. Sau khi ghi tên, nghề nghiệp, số điện thoại của chị vào danh sách các hộ dân, chị “tổ dân phố” mở túi lấy ra một bình xịt muỗi gián, hai gói bột thông cống đưa cho chị và hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng.
Xong xuôi đâu đấy, chị ta mới chìa cuốn sổ về phía chị Hoa yêu cầu chị ký và nộp 350.000 đồng. Thấy giá bán cao hơn rất nhiều so với giá ngoài chợ nhưng liếc nhìn danh sách chữ ký các hộ đã đóng dài dằng dặc trong cuốn sổ, chị cũng vui vẻ rút tiền ra nộp.
Thứ bảy được nghỉ, cả nhà xắn tay áo cùng nhau dọn dẹp nhà cửa thật sạch để chủ nhật đón đoàn kiểm tra nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đoàn của phường nào đến cả.. Khi nói chuyện với hàng xóm, chị mới té ngửa ra là mình bị lừa. Mấy gia đình cùng khu cho biết, cũng bằng những chiêu lừa đó, nhiều kẻ tự nhận mình là cán bộ phường, xã, trung tâm, hội bảo trợ... đến tận các gia đình để lừa với những lý do như quyên góp tiền cho trẻ em mù, chất độc da cam, ủng hộ đồng bào lụt bão...
Một chiêu lừa tuy đã cũ nhưng vẫn có hiệu quả đó là giả các nhà sư đi khất thực. Dù nhiều người cảm thấy băn khoăn với kiểu khất thực này nhưng nếu sư đến tận nhà khất thực thì ít nhiều cũng ủng hộ vì nhỡ ra là sư thật mà không đóng góp thì lại thấy áy náy.
Lừa ra tận ngõ
Cần cảnh giác với những chiêu bắt mạch bốc thuốc ở các khu du lịch Ảnh: Nguyên Dũng |
Anh Trung ở Minh Khai (Hai Bà Trưng – Hà Nội) khôi hài kể: Anh vốn là một người từng trải lại công tác trong ngành thanh tra thế mà đã từng bị biến thành “ chiếc đùi gà quay thơm phức” cho “bữa trưa” của một chị nạ dòng. Hôm ấy khoảng 12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa, anh bắt gặp trên đường Trần Khát Chân một người phụ nữ ì ạch dắt xe máy, trên xe là đứa bé trạc ba, bốn tuổi. Đoán là xe chị ấy hết xăng anh dừng lại hỏi han, định bụng chỉ cho chị cây xăng ở gần đó.
Nhưng khi nghe chị ta nói sáng vội đi làm quên không mang túi nên không có tiền và điện thoại, bây giờ hết xăng phải dắt bộ về nhà, anh thấy thương cảm nên rút ví đưa 50.000 đồng giúp chị mua xăng. Người phụ nữ cười cảm ơn nhưng từ chối, anh Trung phải thuyết phục mãi chị ta mới nhận với điều kiện cho chị địa chỉ để chị gửi trả lại tiền. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu sau đó khoảng 40 phút, trên đường đến thăm một người bạn ở Bệnh viện Bạch Mai, anh Trung lại tình cờ gặp lại chị phụ nữ đó. Điều lạ là chị ta vẫn đang gò lưng dắt chiếc xe máy “hết xăng”. Đến lúc này, anh cũng chỉ biết ngửa mặt than giời vì quái chiêu của người đàn bà này.
Còn trường hợp của chị Thảo ở Gia Lâm (Hà Nội) thì “đau” hơn nhiều vì số tiền chị bị lừa lên tới vài triệu đồng. Hè năm ngoái, trường nơi chị dạy học cho giáo viên đi du lịch Sa Pa. Ngày cuối của chuyến đi, chị tranh thủ ra chợ mua ít đồ lưu niệm về làm quà cho gia đình và người thân. Trong lúc chị đang chuẩn bị gọi xe về khách sạn thì có một người phụ nữ đến cạnh hỏi giờ rồi tình cờ nhìn mặt chị và nói: “Da mặt chị đẹp thế phải mỗi cái là nhiều tàn nhang quá, sao chị không chữa cho hết?”. Chị Thảo thật thà kể mình đã từng dùng rất nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi.
Thấy vậy người phụ nữ giơ bọc thuốc nam ra khoe: “Đây là thuốc chữa dạ dày, tôi mua của thầy lang nổi tiếng ở đây. Tôi ở tận Vĩnh Phúc, bị bệnh dạ dày mãn tĩnh nhiều năm rồi, ra Hà Nội khám các bác sĩ đều chỉ định tôi phải mổ thế mà nghe người ở xã tôi mách địa chỉ cắt thuốc, tôi mới uống hai tháng mà những cơn đau gần như dứt hẳn. Một chị ở quê tôi mặt còn nhiều tàn nhang hơn chị nhiều, thế mà uống chưa đến chục thang thuốc cũng của thầy lang này mà tàn nhang hết nhẵn. Nghe vậy, chị Thảo mừng quá và nhờ chị này dẫn đến gặp thầy để cắt thuốc.
Nhưng khi đến nơi, thầy lang cho biết hôm nay khách dưới xuôi lên mua đông quá nên đã hết thuốc chỉ còn ba thang của khách đã đặt mua nên không thể bán cho chị. Thầy lang động viên chị hãy yên tâm, mấy hôm nữa có thuốc, thầy sẽ gửi về tận quê cho, thầy còn nói chị không cần phải trả tiền trước, khi nào nhận thuốc thì gửi trả sau cũng được.
Nghe vậy chị lại càng không muốn bỏ lỡ cơ hội nên ra sức nài nỉ. Thầy lang “đành” gọi điện thoại cho người đã đặt mua thuốc hoãn lại vài ngày để ưu tiên cho chị. Chị Thảo mừng rối rít và thanh toán tiền thuốc là 1.700.000 đồng rồi ra về. Đi được vài mét, ngẫm nghĩ thế nào chị lại quay lại mua thêm 3 thang thuốc chữa dạ dày với giá 1.500.000 đồng làm quà cho bố chồng chị. Xe đổ đèo chầm chậm, những đám mây sà xuống cửa kính ô tô nhưng chị chẳng cảm nhận được cái cảm giác bồng bềnh huyền ảo như trong bài văn mà chị vẫn dạy bọn trẻ. Từ lúc cậu hướng dẫn viên cho biết chị đã bị lừa, vừa tiếc tiền vừa trách mình nhẹ dạ, buồn từ đó theo chị suốt chặng đường về...
Đừng biến mình thành “những chú gà quay”
Những trò lừa đảo như trên quả là những chiêu rất tinh vi.. Cách thức lừa đầy tính “chuyên nghiệp”, đối tượng đi lừa đa phần là phụ nữ khiến nhiều người bị lừa mà không nghĩ rằng mình gặp họa. Nếu có phát hiện thì cũng ngại giằng co giải quyết, ngại báo cho các lực lượng chức năng biết vì số tiền bị lừa không nhiều. Những đối tượng lừa đảo thì thấy rằng những chiêu này vừa hiệu quả, vừa có vẻ an toàn, nếu chẳng may sa lưới pháp luật thì án cũng rất nhẹ thậm chí chỉ bị phạt và nhắc nhở qua loa rồi lại thả nên mặc sức hoành hành.
Khi những trò lừa đảo càng ngày càng diễn ra một cách tinh vi hơn thì việc cảnh giác đề phòng của mỗi người không bao giờ là thừa. Khi gặp những tình huống đáng ngờ xảy ra, chúng ta phải tìm hiểu kỹ càng khi đưa ra quyết định, tránh tự biến mình thành những “chú gà quay béo bở” cho những kẻ lưu manh.
Ngọc Anh