Lúa ma xâm hại cánh đồng Hà Nam là 'báu vật' khoa học?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Lúa ma hay còn gọi là lúa trời xâm hại các cánh đồng ở Thanh Liêm (Hà Nam) có giá trị khoa học rất lớn.

Lúa ma xâm hại ở Hà Nam khiến năng suất trồng lúa của người nông dân giảm nghiêm trọng.
Lúa ma xâm hại ở Hà Nam khiến năng suất trồng lúa của người nông dân giảm nghiêm trọng.

Lúa ma lấn át lúa trồng

Giữa tháng 6, vụ lúa chiêm sắp kết thúc, cánh đồng huyện Thanh Liêm vẫn còn nhiều thửa ruộng chưa thu hoạch. Đây là số diện tích bị lúa ma, hay còn gọi lúa cỏ, lúa trời, lúa hoang, tấn công.

Hiện, có ba loại lúa ma xuất hiện trên cánh đồng Thanh Liêm gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu.

Lúa ma xuất hiện ở huyện Thanh Liêm 3 năm nay, tới vụ chiêm này bùng phát mạnh. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết nếu mật độ 100 hạt lúa ma trên một m2 thì sẽ làm giảm năng suất lúa trồng khoảng 30%, còn 1.000 hạt/m2 thì làm giảm đến 90%.

Việc diệt trừ rất khó khăn do chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị mà không ảnh hưởng tới lúa trồng.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu về lúa gạo cho biết lúa ma có thể cao tới 2m, có hai loại chủ yếu là Oryza rufipogon (có hạt dài) và loại Oryza

officinalis (hạt tròn). Loại lúa này cho năng suất thấp, với 1 ha có sự xuất hiện của lúa ma chỉ cho thu hoạch từ 800 - 900 kg, trong khi giống lúa cao sản có thể đạt ít nhất 5 tấn/ha.

Lúa ma không nhân chỉ ra bằng hạt, mà từ củ (rễ) hay đốt lúa. Khi loại lúa này nằm rạp xuống đất, những đốt lúa mới sẽ mọc lên kế tiếp và tiếp tục mọc năm này sang năm khác. Hạt lúa ma rụng xuống sống rất lâu trong đất, khoảng 2 - 3 năm sau cày bừa.

Vì lúa ma có thân dài, nhiều đốt, mỗi đốt nằm dưới đất sống rất lâu, đến mùa hạt sẽ tiếp tục mọc nên phải loại bỏ cả gốc và đốt lúa. Để loại bỏ hiện tượng này, bà con đi lựa lúa ma cắt, nhổ cả gốc lên, đốt và phải làm cả cỏ ma.

Khi ruộng sạch rồi thì thu hoạch lúa bình thường. Cần cày bừa thật kỹ để lấy hết gốc, diệt sạch nhiều lần nhằm loại bỏ đi loại lúa cỏ này.

Lúa ma chứa nguồn gene quý

Nói về đặc điểm và giá trị của giống lúa trời, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, lúa ma có nguồn gene kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt.

Đây là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3 - 5 mét. Giống lúa trời có thể mỗi ngày vươn cao từ 0,1 - 0,15 mét và tồn tại được trên dòng nước lũ.

Đối với lớp nước mặt rất chua (pH<3), trong điều kiện chua này, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất.

Lúa ma tự động rụng vào đất, chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới. “Đây là nguồn tài nguyên thực vật vô cùng quý giá cho khoa học”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan nói.

Bởi vậy, dù tác động xấu đến năng suất và chất lượng cây lúa người dân đang trồng cấy, Nhà nước cần tính đến quy hoạch vùng trồng bảo tồn trong điều kiện tự nhiên tốt nhất.

Bởi trong nghiên cứu các giống lúa mới ngày nay, để chọn ra các gene như giống lúa có khả năng chịu hạn, chua, phèn, mặn hay ngập úng… các nhà khoa học đều phải lấy nguồn gene từ cây lúa ma.

“Lý do là các đặc tính này ở cây lúa ma là chọn lọc tự nhiên hàng nghìn năm rồi nên rất bền vững, kiểu gene cũng rất ổn định, gần như không bị thay đổi tính trạng khi lai tạo.

Trong khi đó các giống lúa lai tạo do con người không có được đặc tính này. Điều đặc biệt là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan nói.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, trên thực tế để tận dụng gene tốt, các nhà khoa học đã lai tạo được giống lúa AS996 chống phèn cho Đồng bằng sông Cửu Long những năm 2010, nhưng hiện giống này không còn do có sự xuất hiện các giống năng suất cao hơn.

Việc tạo giống mới từ gene lúa ma chủ yếu nghiên cứu ở góc độ phân tử bởi việc lai tạo bắc cầu mất tới 25 năm để ra được dòng lai và rất khó ra giống. Hiện ở Việt Nam có tới 21 loài lúa ma khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.