Làm giàu từ giống lúa chất lượng cao

GD&TĐ - Với nông dân ở những vùng trồng lúa, kể cả lúa nương - một vấn đề rất quan trọng là chọn được giống lúa chất lượng cao. Chính từ việc thay đổi cơ cấu giống lúa đã đem đến sự thay đổi rõ rệt về năng suất, sản lượng giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Làm giàu từ giống lúa chất lượng cao

Mới đây, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ Thu Đông năm 2018, nhằm tuyển chọn các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các bộ giống khảo nghiệm và trình diễn gồm: Bộ khảo nghiệm sinh thái của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long có 21 giống, bộ giống khảo nghiệm sản xuất 5 giống, bộ giống khảo nghiệm sinh thái của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long 10 giống và bộ giống tuyển chọn trình diễn của trại lúa giống.

Lâu nay, việc lựa chọn bộ giống lúa phù hợp với biến đổi khí hậu, cho năng suất và chất lượng cao luôn được các địa phương chú ý. Tuy nhiên, không phải là việc dễ dàng. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2015 trở lại đây thiên tai đã gây nhiều thiệt hại cho người trồng lúa, cũng như các loại cây trồng khác.

Vì vậy, cần phải tìm ra giống lúa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu thụ sản phẩm. Việc lựa chọn những giống lúa mới phù hợp với biến đổi khí hậu phải đáp ứng được 5 tiêu chí: Giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, độ thuần đồng đều, tính phổ rộng (phù hợp nhiều vùng sinh thái) và khả năng chống chịu rét, hạn và sâu, bệnh hại… Với đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa mới không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn phải đáp ứng được cho xuất khẩu. Có nghĩa là chất lượng phải cao.

Theo GS, TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, thì nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tập trung ruộng đất dưới hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng, hướng đến phát triển bền vững theo hướng “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cơ cấu gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi rõ rệt, với việc giảm mạnh tỷ trọng gạo thường và tăng mạnh tỷ trọng của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao, nếp…

Từ nhu cầu của thị trường có thể thấy, các địa phương trồng lúa, kể cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần nhanh nhạy, chủ động tìm kiếm những bộ giống lúa mới thích hợp, để cùng bà con nông dân thay đổi cơ cấu giống lúa, không chỉ giúp giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu từ những giống lúa chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.