Do đó, việc quan trọng phụ huynh cần làm là trấn an và giữ trẻ bình tĩnh.
Bệnh tệ nhất vào ban đêm
Trẻ em là nhóm rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm thanh khí phế quản. Đây là tình trạng gây ra phù nề của thanh quản và khí quản.
Từ đó, dẫn đến đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn) trở nên hẹp. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh ở trẻ em là tắc nghẽn mũi, khàn giọng, thở khò khè và khó thở. Trẻ còn có thể sốt cao, đau nhức cơ bắp nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng.
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược (TPHCM) - cho biết, thời gian gần đây, không ít trường hợp trẻ mắc viêm thanh khí phế quản. Hầu hết các phụ huynh đều lo lắng trước tình trạng này ở trẻ.
Theo bác sĩ Tưởng, bệnh viêm thanh khí phế quản còn được gọi là CROUP. Đây là một tình trạng nhiễm siêu vi ở đường hô hấp trên. Những siêu vi này sẽ làm phù nề thanh quản và khí quản. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi, đỉnh điểm là ở trẻ 2 tuổi. Trẻ có thể bị mắc một hoặc vài lần như vậy.
Nói về triệu chứng của CROUP, bác sĩ Tưởng cho biết, bệnh thường bắt đầu như cảm lạnh thông thường với sốt, sổ mũi và ho. Sau đó, cơn ho sẽ thay đổi và trở nên gay gắt. Ngoài ra, giọng nói của trẻ có thể bị khàn, do dây thanh quản bị phù nề và sưng.
Đặc biệt, khi trẻ hít vào có thể phát ra tiếng kêu nghe chói tai, cao vút, được gọi là tiếng thở rít. Trong trường hợp nghiêm trọng, vùng dưới cổ của trẻ có thể bị lõm vào khi thở. Các bác sĩ gọi đó là khó thở thanh quản hoặc co rút lõm lồng ngực.
“Bệnh thường bắt đầu mà không hề có dấu hiệu báo trước, thường xảy ra vào giữa đêm. Bệnh đồng thời cũng thường tệ hơn vào ban đêm và tệ nhất vào đêm thứ hai hoặc thứ ba của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể kéo dài trong ba đến bốn ngày. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài đến ba tuần, nhưng thường không kèm thở rít. Nếu thở rít vẫn tồn tại sau 4 ngày từ khi khởi bệnh, chắc chắn là bố mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ”, bác sĩ Tưởng khuyến cáo.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi về việc, liệu tất cả các trường hợp mắc bệnh CROUP đều cần phải điều trị và nhập viện? Theo chuyên gia này, hầu hết các trường hợp viêm thanh khí phế quản là nhẹ. Do đó, trẻ hoàn toàn có thể được chăm sóc tại nhà.
Dấu hiệu đặc trưng của viêm thanh khí phế quản ở trẻ em là tắc nghẽn mũi, khàn giọng, thở khò khè và khó thở. Ảnh minh họa. |
Ảnh hưởng đến 3% trẻ em
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng cho biết, cha mẹ cần nhớ một số điểm chính về bệnh CROUP. Trong đó, bệnh ở thể nhẹ không cần điều trị và thường tiến triển tốt hơn trong ba đến bốn ngày. Ngoài ra, phụ huynh cần dỗ dành trẻ, vì việc thở thường khó khăn hơn nếu trẻ buồn bã và lo lắng. Bệnh có thể diễn tiến nặng nhanh. Do đó, nếu trẻ khó thở, thở rít, tím tái hay li bì, cha mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hương - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, CROUP thường xảy ra vào mùa thu đông, ảnh hưởng 3% trẻ em mỗi năm. Biến chứng ít phổ biến viêm khí quản do vi khuẩn, viêm phổi, phù phổi và hiếm khi tử vong. Triệu chứng lâm sàng do hậu quả của viêm hẹp đường hô hấp trên.
Bệnh biểu hiện đột ngột, hay xảy ra về đêm. Nguyên nhân xảy ra bệnh phổ biến nhất, chiếm 75% là virus á cúm (parainfluenza) tuýp 1, 2, và 3, đặc biệt là tuýp 1. Ngoài ra, nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là do virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm A và B, virus sởi.
Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng cho biết, nếu trẻ có ho khan, không kèm thở rít và khó thở thanh quản, phụ huynh nên bình tĩnh. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cần thiết đối với thể bệnh nhẹ này. Do đó, việc cần làm của phụ huynh là trấn an và giữ trẻ bình tĩnh. Bởi, tình trạng thở thường khó khăn hơn khi trẻ buồn bã, lo lắng.
Do đó, các cha mẹ được khuyến cáo ngồi yên lặng, đọc sách hoặc xem tivi cùng trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C và cáu kỉnh, phụ huynh có thể cho con uống paracetamol hoặc ibuprofen. Liều là 10 - 15 mg/kg cân nặng của trẻ cho một lần. Cha mẹ có thể cho trẻ uống lặp lại sau 4 - 6 giờ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ huynh được khuyến cáo đưa trẻ đi khám bác sĩ. Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, một số triệu chứng mà trẻ cần đi khám bao gồm: Trẻ dưới sáu tháng tuổi và có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh CROUP; Trẻ có triệu chứng khó thở; Trẻ thở rít khi nghỉ ngơi; Trẻ trở nên mệt hoặc các triệu chứng tồi tệ hơn. Ngoài ra, nếu lo lắng vì bất kỳ lý do nào khác, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám.
Theo chuyên gia này, bác sĩ có thể kê toa thuốc có steroid để uống giúp giảm sưng trong đường thở. Nhờ đó, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Trong khi đó, thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh này.
Bởi, hầu hết trường hợp mắc bệnh là do tác nhân virus gây ra. Trong trường hợp trẻ bị khó thở nghiêm trọng, trẻ cần phải nhập viện để được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực hơn.
Trong khi đó, TS Lê Thị Thu Hương cho biết, để phòng bệnh, trẻ cần được giữ ấm đường hô hấp, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, việc chủng ngừa Haemophillus influenza có tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm thanh quản cấp do H.I một cách đáng kể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.