Môn nào là phù hợp?
Cô Đoàn Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, việc nhiều địa phương lựa chọn Ngoại ngữ (chủ yếu Tiếng Anh) là môn thi thứ 3 vào lớp 10 năm học 2025-2026 là một quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ngoại ngữ là kỹ năng quan trọng trong thời đại hội nhập, giúp học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu, nâng cao năng lực giao tiếp và tạo tiền đề cho việc học tập, làm việc sau này. Hơn nữa, Chương trình GDPT 2018 cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực ngôn ngữ của học sinh. Vì vậy, việc đưa Ngoại ngữ vào kỳ thi tuyển sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn này trong các nhà trường, nhất là các trường công lập.
Cùng với ngoại ngữ, theo cô Đoàn Thu Hà, với việc lựa chọn môn thứ 3 trong kỳ thi vào 10, môn Giáo dục công dân có thể là một lựa chọn phù hợp. Môn học này giúp học sinh hiểu về quyền, nghĩa vụ công dân, đạo đức, pháp luật, từ đó hình thành tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, trong chương trình GDPT 2018, môn Giáo dục công dân được chú trọng hơn, hướng đến giáo dục năng lực công dân toàn cầu, giúp học sinh rèn luyện tư duy đa chiều và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
“Trong năm nay, những môn như Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lí chưa phải sự lựa chọn có lợi cho học sinh vì sẽ khá nặng do lượng kiến thức tổng hợp nhiều”, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ.
Cùng quan điểm, thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên Trường THPT Biên Hòa (Đồng Nai) cũng nhận định việc nhiều địa phương chọn Ngoại ngữ là môn thi thứ 3 vào lớp 10 là phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội học tập, làm việc, công dân toàn cầu. Số liệu thống kê ban đầu cho thấy sự lựa chọn này nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía, bao gồm cả phụ huynh và học sinh.
Gợi ý lựa chọn môn thi thứ 3 phù hợp, ngoài ngoại ngữ, thầy Vũ Ngọc Hòa nhắc đến đầu tiên là Tin học. Trong thời đại công nghệ số, Tin học là một kỹ năng cần thiết. Việc đưa Tin học vào làm môn thi thứ 3 sẽ khuyến khích học sinh nắm bắt các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin.
Cùng với đó là môn Khoa học tự nhiên, giúp phát triển tư duy logic và khả năng phân tích, đồng thời chuẩn bị nền tảng cho các ngành học liên quan đến khoa học và kỹ thuật; các môn khoa học hội như Lịch sử và Địa lí, Giáo dục công dân, giúp học sinh hiểu biết về lịch sử, văn hóa và các giá trị đạo đức, pháp luật, từ đó hình thành nhân cách và trách nhiệm công dân.
Tránh tình trạng học lệch, học tủ
Theo Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024, môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Cô Đoàn Thu Hà đồng tình với thay đổi này và cho rằng, việc luân phiên môn thi giúp tránh tình trạng học sinh chỉ tập trung ôn luyện một số môn cố định mà bỏ qua các môn học khác.
Điều này cũng đảm bảo sự công bằng cho các lứa học sinh khác nhau, đồng thời tạo cơ hội để đánh giá năng lực học sinh trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với tinh thần giáo dục toàn diện của chương trình mới.
Phân tích tính phù hợp của quy định môn thi thứ 3 không trùng lặp trong 3 năm liên tiếp, thầy Vũ Ngọc Hòa nhắc đến việc đảm bảo sự công bằng và đa dạng trong việc đánh giá năng lực học sinh. Việc thay đổi môn thi thứ 3 giúp học sinh không bị áp lực quá lớn từ một môn học cụ thể và khuyến khích sự phát triển toàn diện. Điều này cũng tránh tình trạng học sinh chỉ tập trung vào một số môn nhất định, đồng thời thúc đẩy việc học tập đều các môn khác trong chương trình giáo dục.