Lớp học vẽ ở làng

GD&TĐ - Không chỉ làm đẹp cho đời bằng những bức tranh, họa sĩ Trần Phóng sinh sống ở xã Đồng Lạc (Nam Sách - Hải Dương) còn cần mẫn truyền lửa nghề. Việc làm của thầy giúp các em học tập tiến bộ, thi đỗ vào những trường mỹ thuật. 

Lớp học vẽ ở làng

Hơn thế những tâm huyết và tấm lòng của họa sĩ còn dạy cho các học trò những bài học làm người.

Những ước vọng đẹp

Hằng ngày, họa sĩ Trần Phóng vẫn cần mẫn dạy vẽ. Ở ông, toát lên là một người cần mẫn, giản dị và khiêm tốn. Nói về ý tưởng mở lớp dạy vẽ, họa sĩ Trần Phóng cho biết, vào năm 1994 có hai người bạn muốn “gửi gắm” con họ để ông dạy vẽ, ôn luyện thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Trước lời đề nghị đó, ông vui vẻ nhận lời. Hai học sinh đầu tiên đã thi đỗ vào đại học. Nhiều người từ đó biết tiếng nên đã gửi gắm con họ, và Trần Phóng đã thành lập được lớp dạy vẽ nơi quê hương ông. Ban đầu chỉ là các học sinh trung học phổ thông trong tỉnh, sau “tiếng lành” đã lan sang nhiều tỉnh, thành khác.

Có học sinh ở tận Gia Lai, Yên Bái, Sơn La… cũng tranh thủ dịp hè tìm đến thầy Phóng. “Nhu cầu rất lớn. Các em muốn thi vào nhiều trường mỹ thuật liên quan đến năng khiếu. Mà khi các em có được thầy tốt thì dễ đỗ”, Trần Phóng cho hay.

Người dân trong xã Đồng Lạc cho biết, họa sĩ Trần Phóng đến với học trò bằng cái tâm và tình thương. Ông đã từng đi nhiều nơi, thấy học sinh thôn quê thiệt thòi nhiều quá. Nhiều em muốn ôn luyện mà chẳng biết tìm thầy ở đâu, nhất là mỹ thuật. Mà ra Hà Nội tầm sư thì vô cùng đắt đỏ. Ông mong mỏi làm được một điều gì đó có ích, như là dạy vẽ cho các em và cũng là để dạy những giá trị làm người cho các em.

Đến khi có lời đề nghị của bạn, ông đã thấy đó là lúc mình cần phải thực hiện ước vọng. Ông Lê Hữu Đắc, người dân trong xã nhấn mạnh: “Những người nông dân chân lấm tay bùn, làm sao hiểu được mấy môn năng khiếu. Họ cũng chẳng thể định hướng được cho con cái đâu.

Có thầy Phóng, người dạy có tâm và chỉ nghĩ đến học trò, đã tạo ra một sinh khí mới trong học tập. Nhất là với các cháu có đam mê hội họa. Nếu không có thầy, các cháu biết trông vào ai. Chưa kể đến việc nhờ thầy kèm cặp, nhiều cháu cũng trở nên ngoan hơn, biết vâng lời bố mẹ, ông bà”.

Qua tìm hiểu, được biết việc ôn luyện các môn học khác người thầy có thể cùng lúc dạy hàng chục học sinh, thậm chí hàng trăm em. Nhưng dạy vẽ, người thầy phải căng mình ra, không truyền đạt bằng kiến thức, mà phải dùng tay và mắt sửa hình và vẽ thị phạm. Khó khăn, vất vả nhưng lão họa sĩ hướng tới một ước vọng là bồi dưỡng tài năng và đam mê cho các học trò.

Lão họa sĩ tâm sự rằng, hội họa cũng như nhiều môn nghệ thuật khác, rất cần bồi bổ vì nó góp phần làm cho tâm hồn các em trở nên trong trẻo, yêu đời, có tư duy về cái đẹp. Đối với các em khiếm thính, hội họa sẽ giúp các em bớt mặc cảm hơn. Các em sẽ dùng màu sắc để giao tiếp với cuộc đời.

Trong quá trình tâm sự với thầy Phóng và các học trò, được biết nhiều học sinh có chung một năng khiếu, như hội họa, âm nhạc. Thế nhưng, do không có điều kiện nên các ước mơ đó đã bị khuất lấp bởi rất nhiều mối lo toan khác và bị chìm đi. Các em đăng ký thi vào các trường với ngành học không phải là sở trường. Sau này ra trường các em cũng không phát huy được khả năng. Nếu có thầy chắp cánh, tức là các em đã được khơi gợi, được đánh thức năng khiếu bẩm sinh và cả những ước mơ.

Ở giai đoạn đầu của con đường hướng nghiệp, điều này vô cùng quan trọng. Nhất là bây giờ, nhu cầu của mỹ thuật ứng dụng nhiều. Các em có điều kiện được ôn luyện sẽ thi đỗ, được học đúng ngành nghề mình thích.

Tại lớp học vẽ của lão họa sĩ, chúng tôi được các em thổ lộ rằng muốn trở thành họa sĩ, và các em đã cố gắng để vượt qua mặc cảm, khó khăn. Em Trần Văn Vinh cho hay: “Sau khi học ở đây, thi đại học, có bạn sẽ theo ngành mỹ thuật ứng dụng. Còn em vẫn chọn con đường sáng tạo nghệ thuật. Vì em có đam mê cháy bỏng. Càng vẽ thì em càng hiểu thêm giá trị về cái đẹp trong hội họa đối với cuộc sống hôm nay”.

Thầy học thêm để phục vụ học trò

Để có thành quả hàng trăm em đỗ vào các trường mỹ thuật, kiến trúc bản thân các thầy, họa sĩ phải “làm mới” mình. Đó là lời khẳng định của họa sĩ Trần Phóng, người đã giúp cho hơn 500 học sinh “vượt vũ môn” đỗ đại học. Ông khẳng định, dù bản thân mình hay với các họa sĩ dạy vẽ như mình đều đã có nhiều trải nghiệm nhưng kiến thức mới về hội họa có thể còn thiếu hụt.

Họa sĩ Trần Phóng nhấn mạnh: “Riêng về mảng mỹ thuật ứng dụng còn rất mới với tôi; nếu người thầy không tự học, tự rèn luyện thì không thể giúp các em thi đỗ được. Mấy năm đầu, tôi cũng phải đi nghiên cứu giáo trình năm đầu tiên của các trường mỹ thuật thì mới có kiến thức, truyền dạy các môn cơ bản về hình họa, trang trí và bố cục tranh”.

Tâm sự với các học trò và hàng xóm của họa sĩ Trần Phóng, tôi càng khâm phục nghị lực của ông. Lão họa sĩ Trần Phóng đã hơn 70 tuổi, ngoài thời gian dạy học, ông lại soạn giáo trình, đắp tượng làm giáo cụ. Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm, ông cũng cố gắng để hiểu về khả năng của từng em, từ đó có phương pháp dạy phù hợp giúp các em học rất nhanh tiến bộ và khi đến gần thời điểm thi, hầu hết các em đều đạt kỹ năng nhất định.

Các em cho biết: “Rất nhiều học sinh của thầy Phóng đã đỗ đạt, thành người có ích. Chúng em cũng được thầy cho biết là không phải ai cũng có thể được sống với đam mê của mình. Nhưng ai cũng có quyền cố gắng và trở thành người tốt. Bản thân em là con nhà nghèo, em cũng chỉ nghĩ là phải cố gắng. Nếu thi không đỗ thì có thể học nghề.

Ấy thế nhưng thầy bảo em học chắc, sẽ đỗ thôi. Vì thầy bám rất chắc vào giáo trình năm thứ nhất của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Phải ôn vào đó, thì đến lúc thi năng khiếu vào trường khả năng đỗ rất cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giảm cân dành cho ai?

GD&TĐ - Mạng xã hội đang nóng chuyện hai người tên Ngân, một ở Cần Thơ, một ở TPHCM tố nhau xung quanh sản phẩm giảm cân.

Sơ đồ lọc nước loại bỏ kim loại bằng điện cực CDI.

Công nghệ loại bỏ kim loại trong nước thải

GD&TĐ - TS Nguyễn Tấn Thông - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phát triển một giải pháp xử lý nước thải công nghiệp, tập trung vào nước thải từ ngành mạ điện, nơi thường phát sinh hàm lượng lớn kim loại nặng.