Tháng tư Âm lịch, là mùa… đi tu ở vùng Bảy Núi bởi khắp các phum, sóc ngày nào cũng có lễ xuất gia. Các chùa Khmer lo bàn ghế, chỗ nơi dạy chữ phục vụ nghiên cứu kinh kệ và tu học của tăng sinh; đồng thời, đón trẻ em vào chùa học... học kỳ 3.
Lớp dạy chữ Khmer ở Bảy Núi |
Dạy chữ Khmer trong chùa
Hòa thượng Chau Ting, sãi cả chùa Kup Plưng (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) cho biết, chùa Khmer dạy chữ cho sư sãi là để đọc sách kinh, có ý nghĩa bó hẹp, chứ rộng rãi cộng đồng. “Mấy đứa nhỏ biết có dạy học, mới vô ngồi chung với sư sãi. Thấy tội nghiệp, chùa cũng cho học luôn, riết rồi thành quen. Hồi đó, đi học khó khăn lắm, chứ không phải như bây giờ”. – Hòa thượng Chau Ting nhớ lại. Chương trình học đơn giản, cứ dạy hoài đến khi viết được chữ và biết đọc được kinh thì ngưng!
Kinh kệ chùa Khmer bằng chữ Pali, chỉ có sãi cả và sãi phó mới biết, các lớp học do “người biết chữ dạy lại cho người chưa biết chữ”. Sau ngày 30-4-1975, ở Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang mới có trường dạy chữ Pali. “Từ khi UBND tỉnh An Giang cho phép mở lớp sơ cấp Pali, các chùa vô cùng vui mừng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên các chùa Khmer vùng Bảy Núi đón nhận sự kiện trọng đại này”. – Thượng tọa Chau Phrốs, sãi cả chùa Thom Mit (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), phấn khởi nói. Còn theo Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng ban Tri sự Phật giáo tỉnh, Trường Trung cấp Phật học An Giang đã thành lập và Chi nhánh Nam Tông Khmer do Thượng tọa Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), Phó ban Trị sự tỉnh phụ trách.
Đầu tháng 6 này, các chùa Thom Mit, Văn Râu (huyện Tịnh Biên) và chùa Krăng Krốch, Sà Lôn (huyện Tri Tôn); đồng loạt khai giảng lớp 1, 2, 3 và 4 dạy chữ Pali. Đại đức Chau Vanh, sãi cả chùa Krăng Krốch (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), vui mừng cho hay, lớp học tại chùa có 18 tăng sinh do thầy ở địa phương giảng dạy và đã qua Sư phạm Pali Trà Vinh. “Nét mới của chương trình là có thêm phần tiếng Việt, học song ngữ để diễn nghĩa kinh kệ, nâng cao sự hiểu biết cho tăng sinh. Phần này, coi như bắt buộc, tất cả tăng sinh đều phải học”. – Đại đức Chau Vanh bảo. Điều này, còn có cái hay nữa, là khi tăng sinh trở về chùa, có thể đứng lớp dạy song ngữ cho con em và tham khảo sách của Bộ GD-ĐT hướng dẫn sẽ không bị bở ngỡ.
Hòa thượng Chau Cắk, sãi cả chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) kể lại, việc dạy chữ Pali và chữ Khmer trong chùa ở Bảy Núi bây giờ không còn “biệt truyền”, mà thiết thực đời sống tu học và sinh hoạt của đồng bào. Đó là bảo tồn tiếng nói và chữ viết, giúp đồng bào xem sách báo và tài liệu bằng chữ Khmer. Do vậy, dịp nghỉ hè hàng năm, các chùa Khmer toàn vùng đều tổ chức 1 – 2 lớp dạy chữ Khmer, mỗi lớp có từ 25 trẻ em trở lên; không phải đóng tiền, được phát tập viết, thậm chí còn cho ăn cơm và lo chỗ nơi nghĩ ngơi tại chùa.
Đồng bào Khmer Bảy Núi học chữ phổ thông |
Học chữ phổ thông ngoài phum, sóc
Thực hiện công tác PCGDTH và XMC, các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi đã có nhiều cố gắng, được Phòng GD-ĐT huyện và Sở GD-ĐT tỉnh kiểm tra công nhận. Song thực tế cho thấy, số đồng bào Khmer ở các phum, sóc xa xôi và hẻo lánh, ít giao lưu cộng đồng thì biết tiếng Việt không nhiều, nhất là người từ 45 – 50 tuổi trở lên. Muốn triển khai chủ trương, chính sách… đều phải có người phiên dịch, giữa người nói và người nghe chưa… ăn ý cho lắm!
Sóc Tức là ấp hẻo lánh và có đông đồng bào Khmer của xã Lê Trì, huyện Tri Tôn; tổ chức học chữ phổ thông đầu tiên do cán bộ và chiến sĩ Đội CT31 (Bộ CHQS An Giang) giảng dạy. Trung tá Trần Văn Thùy, Chính trị viên Đội CT31, nhớ lại: “Thấy đồng bào yêu cầu quá, anh em phối hợp địa bàn cùng làm. Lớp học tiến hành, bà con hết sức phấn khởi, mình cũng cố gắng, với tinh thần… người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. Lớp mượn nhờ điểm trường tiểu học, sách vở, tập viết đều đi vận động; ban đêm cúp điện thì nghỉ học, riết chịu hết nổi Đội CT31 mới mua máy phát điện trực sẵn. Rốt cuộc thành công ngoài mong đợi, 25/25 học viên được công nhận đạt yêu cầu. Ở địa bàn này, mở thêm lớp thứ 2 tại chùa Wach Lân và kết thúc hồi đầu năm 2010.
Học tập từ Sóc Tức, ở Sà Lôn (xã Lương Phi), Tô Thuận (xã Núi Tô), An Thạnh (xã An Tức), Pông Rô, Phnom Pi, Tà On (xã Châu Lăng)… nở rộ “phum, sóc rủ nhau đi học”; với số lượng trung bình 25 người/lớp, phần đông là phụ nữ. Từ giữa năm 2007, dư luận trên vùng Bảy Núi rất chú ý, khi có nhiều vị sư sãi và tà cha cùng học; rồi có nhiều chùa cũng cho mở lớp học trong chùa và sử dụng điện thắp sáng không lấy tiền. Bởi lẽ, lần đầu tiên vùng Bảy Núi mới làm chuyện này, tạo nên ý thức việc học và học có ích đối với đồng bào.
Bây giờ, tại xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) còn tổ chức được 2 lớp học chữ phổ thông ở Phnom Phi (đoàn thể xã dạy) và Tà On (Đội CT34 Bộ CHQS tỉnh dạy), mỗi lớp dao động 20 – 25 học viên. “Đồng bào được học, biết chữ nghĩa chút ít; đi mua bán, làm ăn thuận tiện; ai cũng chịu học và đề nghị học tiếp. Chúng tôi cố gắng dữ lắm, chứ thật ra không có kinh phí, mọi thứ đều đi vận động”. – ông Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã, thú thiệt.
Lớp học tại nhà bà Neáng Sà Quy (ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên) cũng dao động khoảng 18 – 25 học viên và phần lớn đều là nữ. Lớp chật chọi, đèn đuốc cứ mập mờ, thiếu cả tấm bảng đen; trông các cô hăng hái, chăm học thật đáng trân trọng. Ông Nguyễn Thanh Thoại, Chủ tịch UBMTTQ huyện Tịnh Biên, cứ thấp thõm: “Sợ lớp học không thành, vì thiếu thốn nhiều thứ, trò học không tốn tiền, còn thầy chẳng được một đồng thù lao”. Thế nhưng, người ta vẫn hy vọng, em cháu nó biết chữ phổ thông để còn học nghề, được giới thiệu vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp sẽ tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình ở chốn xa xôi, hẻo lánh này.
Phan Trọng Ân