Lớp học tiếng Anh có "thầy Tây" giữa dòng sông Hậu

GD&TĐ - Tuần nào cũng vậy, vào thứ 3 và thứ 5, người dân Cồn Sơn (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) tạm gác lại việc nhà cửa, xúm lại ngồi học tiếng Anh “vỡ lòng” giữa dòng sông Hậu…

Lớp học tiếng Anh trên bè nổi tại Cồn Sơn.
Lớp học tiếng Anh trên bè nổi tại Cồn Sơn.

Lớp học giữa dòng sông

Sở dĩ lớp học này đặc biệt vì học viên trong lớp không phân biệt độ tuổi, lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi. Có trường hợp cả gia đình, 2 mẹ con hoặc cả vợ chồng và con cái cùng học. Họ học với mục tiêu là có thêm kiến thức ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài khi đến du lịch Cồn Sơn.

Trước kia Cồn Sơn là vùng đất còn hẻo lánh, nằm giữa dòng sông Hậu. Thời gian gần đây du khách bắt đầu tìm đến Cồn Sơn trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Du khách nước ngoài cũng tìm đến khá đông, đó là thời cơ nhưng cũng là thách thức của người dân trên cồn, vì đa số họ không biết tiếng Anh, việc giao tiếp phải phụ thuộc vào hướng dẫn viên.

Thầy Tạ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP Cần Thơ, đơn vị hỗ trợ miễn phí lớp học cho biết: Lớp học gặp không ít khó khăn do học viên ở  nhiều độ tuổi, đồng thời công việc cũng khá bận rộn. Nhưng bù lại tinh thần học tập của mọi người rất hăng say.

Đến lớp học, ngoài việc mang theo bút viết, “học trò” đem luôn cả trái cây, buồng chuối, mớ rau nhà mình trồng... để tặng cho thầy cô giáo. Lớp học đặt trên nhà bè nổi với diện tích vài chục mét vuông, lênh đênh trên mặt nước giữa sông Hậu. Người trẻ ngồi xen với người lớn tuổi, luôn rộn ràng tiếng nói cười, đánh vần, giới thiệu...

Anh Nguyễn Thành Tâm, người nổi tiếng với màn biểu diễn cá lóc bay tại khu du lịch Cồn Sơn, chia sẻ: Làm du lịch tiếp xúc nhiều với du khách nước ngoài nhưng họ hỏi gì không biết đường nói, chủ yếu là ra dấu và nhờ hướng dẫn viên giúp.

Tuy nhiên, những lúc không có hướng dẫn viên thì “mù tịt” chẳng biết nói gì. Anh tham gia lớp học với mong muốn khi hết dịch Covid-19, mở các đường bay quốc tế, du khách nước ngoài về đây, bản thân có thể giao tiếp, nói vài câu chào hỏi và giới thiệu cho du khách biết về cá lóc bay tại đây.

Bà Tám Loan năm nay 60 tuổi, “shipper già” nổi tiếng ở cồn, cũng là học viên lớn tuổi nhất lớp học, mỉm cười nói: “Trước giờ làm lụng vất vả, chở thức ăn từ nhà này đến nhà khác chứ có nói tiếng Anh gì đâu, gặp khách nước ngoài chỉ biết cười cái rồi bắt tay. Bây giờ nói tiếng Anh cứng ngắc, mắc cỡ nhưng thấy vui”.

Thầy Barry White chỉ dạy cho học viên nhỏ tuổi.
Thầy Barry White chỉ dạy cho học viên nhỏ tuổi.

Lớp học níu chân thầy giáo Tây

Trong lớp học đặc biệt này, người gây chú ý nhất là thầy Barry White đến từ Australia và hiện là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP Cần Thơ. Đây là lần thứ 2 anh tham gia dạy lớp học thiện nguyện, sau khi dạy cho các em nhỏ tại Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Thầy Barry White chia sẻ: Sau khi dạy học cho các em nhỏ tại Chợ nổi Cái Răng, tôi thấy các em rất hứng thú và cố gắng học tập. Đây là lý do khi nhận được lời mời tham gia lớp học tại Cồn Sơn, tôi sẵn lòng tham gia để chung tay hỗ trợ người dân.

Tham gia lớp học đợt này, thầy Barry White ấn tượng sâu sắc về tuổi các học viên. Khi dạy học tại Chợ nổi Cái Răng chủ yếu là các em nhỏ, riêng lớp học ở Cồn Sơn độ tuổi học viên đa dạng. Tuy nhiên, tất cả học viên đều nỗ lực và cố gắng trau dồi kiến thức ngoại ngữ của mình. Chính tinh thần ham học của người dân Cồn Sơn đã níu chân thầy thêm gắn bó với lớp học đặc biệt này.

Thời gian gần đây, địa điểm Cồn Sơn trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở TP Cần Thơ. Chính vì thế có nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, vui chơi. “Chúng tôi kỳ vọng qua lớp học này, người dân xứ Cồn Sơn sẽ giới thiệu cơ bản nét văn hóa, những sản phẩm mà gia đình mình có cho du khách quốc tế để góp phần phát triển du lịch Cồn Sơn nói riêng và thành phố nói chung”, thầy Khôi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cường kích Su-24 Ukraine mang theo tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.

'Quân đội Anh sa lầy trong khủng hoảng'

GD&TĐ - Nhiều thập kỷ cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Anh đã khiến quân đội nước này thiếu nhân sự, trang bị kém, chậm trễ trong sản xuất, nâng cấp.