Lớp học đặc biệt của trẻ em nghèo

GD&TĐ - Suốt 10 năm nay, lớp học tình thương của những người lính Biên phòng tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức (Long An) chính là ngôi nhà thứ 2 của nhiều đứa trẻ nghèo.

Thầy giáo Trần Văn Cảnh hướng dẫn học sinh học bài.
Thầy giáo Trần Văn Cảnh hướng dẫn học sinh học bài.

Sự tận tâm, lòng kiên trì và tình thương của người thầy giáo quân hàm xanh đã giúp nhiều trẻ nhỏ biết đến con chữ, phép tính.

Giúp trẻ biết con chữ

Hơn 6 năm trước gia đình em Đoàn Kiều Vy từ tỉnh Đồng Tháp chuyển đến thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) làm ăn, sinh sống. Thu nhập chính của bố mẹ Vy là những ngày đi bán vé số, nên phải rất tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 chị em Vy khôn lớn. Thế nhưng hơn 2 năm trở lại đây vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công việc có thời điểm phải tạm dừng, cuộc sống của gia đình Vy đã khó khăn lại càng thêm vất vả.

Trong khi đó năm 2022, bản thân Vy đã đủ tuổi đi học, nhưng bố mẹ em lại không đủ điều kiện để con gái theo học ở trường công lập. May mắn những thầy giáo quân hàm xanh tại lớp học tình thương đã cưu mang, dạy dỗ em biết đến con chữ, phép tính.

Chia sẻ về việc con mình được học tại lớp học tình thương của những người lính đồn Biên phòng Bến Lức (Long An), anh Đoàn Thanh Vân, bố của Vy vui vẻ nói: “Vì dịch bệnh nên công việc của hai vợ chồng lúc có, lúc không, thật sự rất khó khăn. Khi biết đến lớp học tình thương của các anh Biên phòng tôi đã đăng ký để cho con gái vào học lớp 1 tại đây. Điều gia đình vui mừng là sau một thời gian theo học, cháu rất ngoan ngoãn và lễ phép với mọi người. Tôi cảm ơn các thầy dạy tại lớp học nhiều lắm!”.

Huyện Bến Lức nằm sát trung tâm kinh tế TPHCM với các khu-cụm công nghiệp sầm uất. Khoảng 10 năm về trước người dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... về đây tạm trú và mưu sinh bằng nghề buôn bán hay làm công nhân ở các công ty. Nhiều trẻ nhỏ cũng theo ba mẹ đến sinh sống tại đây. Nhưng vì cuộc sống khó khăn nên một số gia đình không có điều kiện cho con em mình đến trường như các bạn cùng trang lứa. Vì thế mà việc học hành của nhiều em bị dang dở.

Từ thực tế đó, năm 2012, ông Nguyễn Văn Lới, chủ nhà trọ Duy Quý tại khu phố 8 đã thành lập lớp học tình thương để giúp những đứa trẻ nghèo tìm đến con chữ, phép tính. Đến năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đã phối hợp tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương này.

Theo chia sẻ của thầy giáo Trần Văn Cảnh (Thượng uý, cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức) phụ trách lớp học, trong những năm qua, phụ huynh biết đến và đăng ký học cho con học tại lớp học tình thương ngày càng đông. Từ 7 học sinh thủa đầu lớp mới thành lập, đến nay đã có 64 em theo học.

“Khoảng thời gian 5 năm tham gia giảng dạy tại đây, điều mà tôi cảm thấy băn khoăn nhất là làm thế nào để các em đến lớp đầy đủ. Bởi nhiều em hằng ngày phải giúp cha mẹ chăm em, đi bán vé số hay trông hàng hoá nên ít có thời gian dành cho việc học. Vì vậy ngoài giảng dạy tại lớp, tôi cùng cán bộ đơn vị còn tranh thủ thời gian đến nhà vận động các phụ huynh không để các em bỏ học giữa chừng và quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình”, thầy Cảnh tâm sự.

Các nhà hảo tâm tặng quà cho học sinh tại lớp học tình thương đợt đầu tháng 3/2022.
Các nhà hảo tâm tặng quà cho học sinh tại lớp học tình thương đợt đầu tháng 3/2022.

Tạo động lực cho trẻ đến trường

Hơn 2 năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người lính Biên phòng, lớp học tình thương của trẻ em nghèo tại thị trấn Bến Lức đã chuyển từ khu nhà trọ Duy Quý đến địa điểm mới. Mặc dù cũng nằm trong địa bàn khu phố 8, nhưng điểm trường mới này được trang bị 4 phòng học và 1 phòng đọc sách với thiết kế khang trang, thoáng mát. Đến nay, hầu hết các em sống tại thị trấn Bến Lức nếu không theo học ở các trường công lập đều tìm đến lớp học tình thương này.

Để học sinh theo kịp với chương trình đào tạo bậc tiểu học và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lớp học chia làm 2 ca, từ 13 giờ 45 phút đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ngoài thầy giáo Cảnh phụ trách lớp học còn có 1 cán bộ và 1 chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức tham gia giảng dạy.

“Lớp học tình thương chỉ tổ chức dạy cho trẻ ở bậc Tiểu học, nhưng hiện nay không có học sinh lớp 5 theo học, bởi thời điểm dịch bệnh phức tạp vừa qua lớp học phải nghỉ gần 1 năm, nhiều em đã theo ba mẹ về quê sinh sống và không trở lại. Một số trường hợp đang sinh sống tại thị trấn Bến Lức nhưng vì phụ giúp gia đình nên không còn đến trường”, thầy giáo Lê Nhật Lâm (chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức) giải thích.

Được biết, ngoài truyền thụ kiến thức, những thầy giáo quân hàm xanh còn trang bị cho học sinh kỹ năng sống, giáo dục các em không sa vào các tệ nạn, góp phần phòng, chống trẻ vi phạm pháp luật. “Sau một thời gian đến lớp, học sinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn ứng xử rất lễ phép với bố mẹ, người lớn. Nhờ đó mà gia đình các em luôn tạo điều kiện để con mình theo học tại lớp đầy đủ”, thầy Cảnh cho hay.

Trong suốt 10 năm qua, cùng với sự đồng hành của các mạnh thường quân, các thầy giáo Biên phòng và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn thường xuyên trích tiền lương để mua bút, tập viết, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, từ tình cảm quý báu, thân thương đó, các trò lại có động lực để đến lớp đều đặn hơn.­

“Từ khi đến học tại lớp học tình thương của các chú bội đội con vui lắm. Con có nhiều người bạn mới và đã biết đọc, biết viết. Các thầy dạy con biết yêu thương cha mẹ, lễ phép với mọi người và tránh xa thói hư, tật xấu, biết tự bảo vệ bản thân”, em Nguyễn Thị Ngọc Vân, học sinh lớp 3 chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.