(GD&TĐ) - Vừa qua, trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tổ chức Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp (KLTN) của các sinh viên thuộc “Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ Điện tử - Viễn thông đạt trình độ quốc tế”. Đây là Lễ bảo vệ KLTN của lớp (nhóm) sinh viên bậc đại học đầu tiên của tất cả các chương trình đào tạo (CTĐT) theo “Nhiệm vụ Chiến lược của ĐHQGHN”, thực hiện Đề án “Phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) và kinh tế - xã hội (KT-XH) mũi nhọn đạt trình độ quốc tế”. Thành công của CTĐT này là một minh chứng sinh động cho khả năng: một số trường, khoa trong các trường ĐH của Việt Nam hoàn toàn có năng lực đào tạo cho ra trường các cử nhân, kỹ sư đạt trình độ quốc tế ở ngay trong nước. Các kinh nghiệm đúc rút từ các CTĐT này là rất quý báu và có thể giúp nhân rộng mô hình đào tạo này.
PV: Xin Ông cho biết vài nét về quá trình thực hiện chương trình này?
PGS TS Nguyễn Ngọc Bình |
PGS TS Nguyễn Ngọc Bình: Trong kế hoạch chiến lược và lộ trình phát triển ĐHQGHN tiếp cận trình độ và đẳng cấp quốc tế, năm 2006-2007, Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã tổ chức xây dựng và đầu tư triển khai thực hiện Đề án “Phát triển một số ngành và chuyên ngành KH-CN và KT-XH mũi nhọn đạt trình độ quốc tế” mà hiện nay được gọi chung là các chương trình đào tạo thuộc Chương trình Nhiệm vụ Chiến lược (NVCL) của ĐHQGHN. Đề án “Phát triển ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông của Trường ĐH Công nghệ đạt trình độ quốc tế” là một trong các đề án thành phần đầu tiên của Chương trình Nhiệm vụ Chiến lược được Giám đốc ĐHQG Hà Nội phê duyệt và cho phép tuyển sinh và triển khai đào tạo từ năm 2008. Theo chủ trương chung của lãnh đạo ĐHQGHN, mỗi khóa mỗi chương trình chỉ tuyển và đào tạo 60 sinh viên (SV). Trong số 60 SV của khóa đầu tiên nhập học, đến thời điểm này còn lại 56 SV (4 SV không tiếp tục đến thời điểm này vì các lý do khác nhau) mà đến nay có 52 em (chiếm 92,9%) đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được phép hoàn thành và bảo vệ KLTN. Trong các chương trình đào tạo này, việc sinh viên thực hiện một đề tài nghiên cứu để hoàn thành và bảo vệ thành công một KLTN là một trong những yêu cầu có tính quyết định về điều kiện cấp bằng tốt nghiệp cho các em. Các em sinh viên đạt đầy đủ các điều kiện sau khi bảo vệ KLTN thành công sẽ nhận bằng tốt nghiệp vào cuối tháng 6/2012.
Trong CTĐT Cử nhân Công nghệ Điện tử - Viễn thông, 100% SV đã viết và sẽ trình bày bảo vệ KLTN của mình bằng Tiếng Anh trước hội đồng chấm KLTN do Nhà trường thành lập. Điều đặc biệt ở đây là Hội đồng chấm KLTN gồm các giảng viên với số đông là các giảng viên trẻ của Nhà trường. Chúng tôi cũng rất vinh dự được hai giáo sư thỉnh giảng từ ĐH Paris-Sud (Paris 11) và École Supérieure de l’Électricité (SUPERLEC - Đại học Điện lực) của CH Pháp và một chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Tập đoàn Viettel nhận lời mời của nhà trường trực tiếp đọc, phản biện một số KLTN của sinh viên và tham gia là thành viên hội đồng. Khác với các chương trình đào tạo thông thường (gọi là chương trình chuẩn), mỗi KLTN của sinh viên được nhận xét, đánh giá trước bởi hai phản biện độc lập.
Xin nói thêm, vào thời điểm này, trường ĐHCN cũng sẽ tổ chức Lễ bảo vệ KLTN cho khóa đầu tiên với gần 60 SV ngành Khoa học Máy tính (KHMT), cũng thuộc Chương trình Nhiệm vụ Chiến lược của ĐHQG Hà Nội.
PV: Có thể nhận thấy ngay đây là một chương trình đào tạo có nhiều điểm mới, đặc sắc và khác biệt khá nhiều so với các chương trình đào tạo chuẩn mà các trường (có cùng ngành, chuyên ngành) đang đào tạo ở nước ta. Vậy xin ông cho biết chi tiết hơn về những điểm đặc biệt đó?
PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình: Đây là một trong những ngành và chuyên ngành đào tạo theo “Chương trình NVCL” mà ĐHQGHN đã xác định thực hiện với các mục tiêu cụ thể như sau:
1) Xây dựng và phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đạt các chuẩn mực quốc tế về giáo dục đại học, bao gồm: Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, phục vụ đạt chuẩn mực quốc tế; Nội dung chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá và quy trình đào tạo nói chung theo chuẩn mực quốc tế; Hệ thống tổ chức và quản trị đại học tiên tiến, gắn kết và tích hợp chặt chẽ các hoạt động đào tạo với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức đạt trình độ quốc tế; Xây dựng và phát triển môi trường giảng dạy, làm việc, nghiên cứu và học tập theo các tiêu chuẩn trình độ quốc tế; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, học liệu, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức từng bước đạt chuẩn quốc tế.
Nhiều SV nước ngoài tham gia khóa học |
2) Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao về mọi mặt, có thể đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thị trường lao động quốc tế;
3) Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ để có các sản phẩm khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế, tiêu biểu của quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước;
4) Phát triển hợp tác, liên kết, trao đổi thu hút các nguồn lực để xây dựng bộ môn, khoa, trường và Đại học Quốc gia Hà Nội từng bước đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực và hấp dẫn thu hút các nhà khoa học và sinh viên quốc tế xuất sắc đến làm việc, nghiên cứu và học tập.
Bám sát và quán triệt sâu sắc các mục tiêu nói trên ngay từ khi soạn thảo xây dựng, đề án thành phần “Phát triển ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông đạt trình độ quốc tế” trong Chương trình NVCL tại Trường ĐHCN đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ phải đem lại những thay đổi căn bản trong hoạt động đào tạo ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông. Vì vậy, nhà trường đã tập trung đầu tư triển khai đồng bộ các mặt hoạt động để phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng như: thu hút, tuyển dụng mới, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ, đảm bảo 100% giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên và có đủ năng lực ngoại ngữ cho họat động giảng dạy; soạn thảo lại và hoàn thiện chương trình đào tạo dựa trên chương trình đào tạo tham khảo của ĐH Quốc gia Singapo (NUS) là trường đối tác nước ngoài của chương trình; mua mới nhiều tài liệu để bổ sung cập nhật hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, học liệu bằng Tiếng Anh; từng bước nâng cấp theo tiến độ hệ thống cơ sở vật chất giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị thực hành, thực tập; triển khai nhiều biện pháp, khai thác các nguồn lực, tổ chức tốt mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng hoạt động nghiên cứu của giảng viên; tích cực, chủ động mở rộng đồng thời tăng cường về chiều sâu các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế… Tất cả các mặt hoạt động trên được triển khai thực hiện và giám sát thường xuyên chặt chẽ và nhất quán, thông nhất hướng tới các mục tiêu đã đề ra.
Có một điều quan trọng là yêu cầu sinh viên khi tốt nghiệp không những phải đạt đủ các chỉ tiêu đầu ra về kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng khác mà Chương trình NVCL đã xác định, mà còn phải đạt trình độ Tiếng Anh tối thiểu với điểm đánh giá tương đương 6.0 IELTS đồng thời có đủ năng lực thuyết trình, phản biện và bảo vệ những kết quả học tập và nghiên cứu của mình bằng Tiếng Anh. Đây là tiêu chí xác định năng lực và độ tự tin của SV, đảm bảo cho họ có cơ hội nhận được các vị trí học tập, nghiên cứu hay việc làm trong môi trường quốc tế.
Sau 4 năm vận hành chương trình đào tạo theo NVCL này cho khóa SV đầu tiên, với đợt bảo vệ KLTN này của các em, có thể tự tin đánh giá rằng chương trình đã đạt được những thành tựu quan trọng trong cả 4 mục tiêu cụ thể vừa nêu.
Một điểm đặc biệt nữa ở khóa đào tạo này của Khoa Điện tử - Viễn thông là sinh viên tham gia rất tích cực vào họat động nghiên cứu tại các bộ môn ngay từ năm thứ ba. Do vậy, trước khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, 100% số SV đều có báo cáo tại Hội nghị khoa học SV vừa qua, trong đó điểm nổi bật phải nói đến là đã có 6 SV của khóa này được là đồng tác giả với các giảng viên hướng dẫn trên các công trình nghiên cứu sẽ được công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế sắp tới; 4 công trình nghiên cứu của các em đã đạt giải thưởng SVNCKH cấp trường, trong đó có một công trình đạt giải Nhất và một giải Nhì và các công trình này được chọn gửi tham gia giải thưởng SVNCKH cấp ĐHQG Hà Nội và giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam của Bộ GD-ĐT.
Chương trình đào tạo này cũng được thực hiện với một số điểm đặc biệt nữa là SV được học Tiếng Anh tăng cường trong năm đầu tiên; 16 giảng viên của Khoa ĐT-VT cùng với 7 giảng viên đến từ một số trường đại học danh tiếng ở nước ngoài như ĐH Paris 11, SUPERLEC v.v… đã tham gia giảng dạy; 24 trong số 34 môn học thuộc ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông đã được giảng dạy trực tiếp bằng Tiếng Anh. 12 giảng viên của khoa đã tham gia quá trình giảng dạy với tư cách là cán bộ trợ giảng để tự nâng cao trình độ và tiếp thu công nghệ, phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy từ các giảng viên nước ngoài.
Một cách khái quát, chương trình đào tạo này khác biệt và đặc biệt với các chương trình đào tạo thông thường khác ở mấy điểm sau:
1. Chương trình đào tạo được xây dựng theo chương trình chuẩn mực của một trường ĐH đẳng cấp quốc tế;
2. Tham gia nghiên cứu tại các bộ môn dưới sự hướng dẫn của các giảng viên ngay từ năm học thứ ba là hoạt động bắt buộc đối với mỗi sinh viên;
3. Giảng viên tham gia giảng dạy đều có trình độ, học vị tiến sĩ trở lên và có đủ năng lực giảng dạy bằng Tiếng Anh;
4. SV được học bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh, viết và trình bày, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng Tiếng Anh trước một Hội đồng chấm khóa luận có các giáo sư, giảng viên nước ngoài với tỷ lệ phù hợp để đảm bảo tính khách quan và chính xác trong việc đánh giá trình độ, kiến thức và năng lực của sinh viên;
5. Điểm đặc biệt cuối cùng là, dù chương trình đào tạo phải đáp ứng yêu cầu cung cấp các sản phẩm với chất lượng cao là các cử nhân công nghệ ở trình độ quốc tế nhưng cho đến thời điểm này SV chỉ phải đóng học phí ở mức quy định chung của nhà nước cho các trường công lập. Kinh phí đào tạo thấp nhưng sản phẩm đạt chất lượng và trình độ quốc tế - đó mới là điểm đặc biệt và cũng là cái khó làm của chương trình đào tạo này.
PV: Như ông đã nói, CTĐT này có nhiều điểm đặc biệt và hiệu quả đào tạo là SV tốt nghiệp đạt chất lượng, trình độ quốc tế nhưng kinh phí ĐT lại chỉ như các chương trình chuẩn khác. Vậy, với kinh phí thấp làm sao có thể thu hút được những giảng viên giỏi, có trình độ cao và giảng viên nước ngoài về tham gia giảng dạy và công tác, thưa ông?
PGS TS Nguyễn Ngọc Bình: Hiện tại học phí đối với sinh viên của CTĐT này vẫn chỉ như đối với SV của các CTĐT chuẩn khác, chứ kinh phí đào tạo và nguồn lực mà ĐHQGHN và nhà trường đầu tư vào không phải hoàn toàn chỉ như thế. Thực tế thì đúng là việc triển khai thực hiện và duy trì chương trình này trong tương lai ở mức độ như đã làm là một khó khăn lớn đối với nhà trường.
Để thực hiện thành công chương trình đào tạo với những mục tiêu lớn như vậy, nhà trường đã chấp nhận hạ thấp quy mô đào tạo tại Khoa ĐT-VT đang từ mức 120 SV (năm 2007) xuống mức chỉ có 60 SV cho mỗi khóa đào tạo trong những năm vừa qua để (thử nghiệm) đảm bảo các chuẩn mực chất lượng của chương trình. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn mà trong ngành giáo dục ai cũng có thể cảm nhận được.
Về việc làm thế nào để khuyến khích, thu hút các giảng viên giỏi, trình độ cao tham gia giảng dạy thì chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp mà đến nay đã chứng tỏ có hiệu quả cao. Trước hết, ngay sau khi được thành lập năm 2004, Trường ĐHCN may mắn được Nhà nước thông qua ĐHQGHN hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu với một dự án đầu tư chiều sâu và một số nhỏ các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu. Chúng tôi đã từng bước thiết lập và cải thiện đáng kể điều kiện nghiên cứu cho giảng viên. Chúng tôi cũng sáng tạo một số giải pháp khuyến khích đối với các giảng viên trẻ có học vị tiến sỹ mới về trường công tác như: giao kinh phí, tạo điều kiện tham gia sử dụng các trang thiết bị đã có, tham gia các dự án để tạo dựng cơ sở vật chất cho các nghiên cứu mới để thực hiện các đề tài nghiên cứu mà họ đề xuất, để họ được tiếp tục các ý tưởng nghiên cứu thời sự của họ có được trong quá trình đào tạo ở nước ngoài, tạo những hỗ trợ có hiệu quả cho các giảng viên trẻ công bố kết quả nghiên cứu ở nước ngoài. Việc này cũng đồng thời tăng cường năng lực của họ trong việc hòa nhập và cải thiện không khí, môi trưởng nghiên cứu tại đơn vị. Hơn thế nữa, các giảng viên này luôn được khuyến khích, tạo các điều kiện thuận lợi tiếp cận để thiết lập và triển khai các hoạt động trao đổi, hợp tác, phối hợp nghiên cứu với các đối tác nước ngoài của nhà trường. Trong những năm vừa qua, trường ĐHCN cũng đặc biệt quan tâm phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng các quan hệ hợp tác với nhiều đối tác là những trường đại học, viện nghiên cứu có danh tiếng ở nước ngoài như ĐH Paris 11, ĐH Cachan, SUPERLEC… (Pháp), Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST), ĐH Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), ĐH POSTECH, ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) hay ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore v.v… cũng như nhiều tập đoàn công nghiệp lớn như IBM, Human Resocia, Mitani-Sangyo, NEC, Panasonic, Toshiba v.v… và khởi động được một số hoạt động hợp tác có hiệu quả với các đối tác này. Như vậy, chúng tôi thuyết phục, thu hút được nhiều giảng viên trẻ được đào tạo ở các nước tiên tiến, có trình độ cao, năng lực nghiên cứu và giảng dạy tốt về trường công tác và tham gia CTĐT này chủ yếu là thông qua các hoạt động có tính chất chiến lược trong xây dựng và phát triển nhà trường, bằng môi trường nghiên cứu, giảng dạy, học tập, môi trường quản lý, phục vụ, môi trường làm việc và môi trường sống giàu tính nhân văn với những chuẩn mực cao, đáp ứng được những nhu cầu, ham mê của họ, tạo được cho họ phần nào sự hài lòng về nghiên cứu, trao đổi học thuật, sáng tạo và truyền thụ tri thức. Trong thực tế hoạt động của nhà trường 5 năm vừa qua, khá nhiều giảng viên trẻ trong trường đã được giao trực tiếp thực hiện các công trình nghiên cứu và tham gia thực hiện các đề tài trong các chương trình KHCN trọng điểm và nghiên cứu cơ bản của Nhà nước với nguồn kinh phí khá dồi dào. Các hoạt động nghiên cứu, trao đổi hợp tác như vậy không chỉ giúp nâng cao trình độ chuyên môn mà cũng đem lại một phần thêm vào thu nhập của giảng viên, mà kết quả của chúng thường đem lại cho họ sự hài lòng hơn là lợi nhuận. Đó thực ra là một trong các giá trị đích thực của hoạt động giáo dục đại học mà chúng ta cần hướng tới.
PV: Xin ông có thể đánh giá toàn diện về chương trình đào tạo này, hướng phát triển trong tương lai như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Xin thông báo một tin vui là ngay trước đợt bảo vệ KLTN này của sinh viên, nhiều đơn vị tuyển dụng như Trung tâm Dịch vụ Giá trị Gia tăng của Mobiphone (VNPT), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Viettel, Trung tâm 1 thuộc Công ty Viễn thông Liên tỉnh VTN, Tập đoàn Samsung, Công ty Fsoft thuộc FPT… đã đến làm việc với Khoa ĐT-VT để bày tỏ quan tâm và ý muốn tuyển dụng SV tốt nghiệp từ CTĐT này về làm việc.
SV bảo vệ khóa luận |
Nhìn tổng thể, chúng tôi có thể khẳng định rằng các SV tốt nghiệp đợt này đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đầu ra đúng như yêu cầu của Đề án. Đây là kết quả của những đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực, của sự nỗ lực, cố gắng lớn lao của tập thể giảng viên, cán bộ và SV Khoa Điện tử - Viễn thông, của Trường ĐHCN và của ĐHQG Hà Nội. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, cho thấy cách tiếp cận trình độ và chuẩn mực chất lượng quốc tế trong Chương trình NVCL của ĐHQGHN, cách triển khai thực hiện của Trường ĐHCN là đúng đắn và có hiệu quả. Đây có thể là một giải pháp, một con đường khả thi để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nên được mở rộng thêm và có thể áp dụng cho các chương trình đào tạo khác của Nhà trường.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Đề án, thời gian tới ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Công nghệ sẽ tổ chức đánh giá tổng kết khóa đào tạo, đúc rút các bài học kinh nghiệm cần thiết và tiếp tục quan tâm đầu tư đúng mức để thực hiện tốt hơn nữa với sinh viên các khóa đào tạo tiếp theo.
Trước mắt, nhà trường sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa để khoa ĐT-VT tập trung các nguồn lực chuẩn bị tốt cho việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ Điện tử- Viễn thông theo bộ tiêu chuẩn AUN và EU vào tháng 3/2013. Kết quả kiểm định cùng với những kết quả của khóa đào tạo này sẽ góp phần căn bản khẳng định vị thế và danh tiếng ngành Điện tử- Viễn thông của Trường ĐH Công nghệ trong khu vực và quốc tế.
An Kiên (thực hiện)