Lòng tốt bị hạn chế

GD&TĐ - Hiệp sĩ, hiểu nôm na là người có sức mạnh hơn người, hay bênh vực kẻ yếu, giúp người bị hoạn nạn, tham gia vào công việc trừ gian, diệt bạo trong xã hội.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Mấy năm qua, nạn cướp giật hoành hành, nhất là ở các đô thị đông đúc khiến lòng người bất an nhưng lực lượng công an không thể kiểm soát hết được nên các hiệp sĩ xuất hiện. Họ hình thành hẳn các “câu lạc bộ hiệp sĩ” chuyên săn bắt cướp, bênh vực người yếm thế. Một hành động tự phát theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” như Lục Vân Tiên nhưng lại phù hợp với tình hình nên những chàng hiệp sĩ này được xã hội thừa nhận, được chính quyền cổ vũ, công an khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện để họ thực thi công việc một cách tốt nhất.

Thực tế cho thấy, ở những nơi có lực lượng hiệp sĩ hoạt động mạnh, bọn cướp giật không còn ngông nghênh như trước. Hàng trăm vụ cướp đã được các hiệp sĩ hóa giải, trả lại tài sản cho người bị mất, kẻ gây án được giao nộp cho công an. Cũng không ít người đã vì nghĩa hiệp mà phải trả giá bằng mạng sống của mình như trường hợp hai hiệp sĩ bị bọn cướp đâm chết trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP HCM hồi tháng 5/2018 khi các anh tham gia bắt cướp.

Những tưởng lòng tốt ấy của các hiệp sĩ sẽ “không có biên giới” cho những hoạt động của họ thì mới đây, anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã nộp đơn xin từ nhiệm. Lý do mà hiệp sĩ Hải nêu ra là theo quy định của địa phương, anh cùng các đồng nghiệp trong câu lạc bộ chỉ được phép hoạt động trên địa bàn nơi mình cư trú và sinh hoạt.

Nếu “tác nghiệp” ngoài phường thì phải báo cáo với lãnh đạo địa phương và chỉ được hành động khi có phép. Theo phản ảnh của Nguyễn Thanh Hải, mới đây, anh cùng đồng nghiệp truy bắt một vụ trộm ô tô ở Bình Dương nhưng đã mang về Bến Tre để đã trả lại cho người bị mất trộm. Nghĩa cử này của anh chẳng những không được biểu dương mà anh còn buộc phải viết tường trình vì đã vượt quá giới hạn cho phép!

Có lẽ, chính quyền tỉnh Bình Dương lo ngại hành động của các hiệp sĩ này sẽ vượt ra khỏi sự kiểm soát của công an và chính quyền địa phương chăng? Có thể xuất phát từ suy nghĩ “không quản được thì cấm” nên mới có những quy định trớ trêu như thế. Tuy nhiên, việc tự giới hạn không gian hoạt động của các hiệp sĩ lại bộc lộ những phi lý khác.

Hiệp sĩ thì giới hạn địa bàn hoạt động nhưng bọn cướp thì hoạt động “xuyên biên giới”! Cướp từ phường này có thể lẻn sang phường khác, thậm chí chúng chạy sang tỉnh khác, không lẽ các hiệp sĩ lại phải làm tờ trình xin phép rồi mới truy đuổi sao? Với cung cách rườm rà về thủ tục như hiện nay, khả năng bọn cướp cao chạy xa bay rồi thì hiệp sĩ mới nhận được cái gật đầu từ chính quyền địa phương.

Hiệp sĩ hoạt động là vì nghĩa hiệp chứ không vụ lợi điều gì. Chính quyền nên xác định điều đó để có cách hành xử đúng mực hơn với đội ngũ chuyên “vác tù và hàng tổng” này. Có lẽ đã đến lúc, chính quyền các địa phương cần ra những quy chế sát thực hơn là hạn chế không gian hoạt động của các hiệp sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.