Lòng tôn kính không tự đến

GD&TĐ - Không phải tự nhiên mà trẻ học được lòng tôn kính. Ngay khi còn nhỏ, cha mẹ nên dạy con từ những hành động đơn giản. Đồng thời, hãy làm gương cho con bằng thái độ ứng xử hằng ngày.

Anh Phạm Đình Tú cùng các con thể hiện lòng tôn kính với ông bà.
Anh Phạm Đình Tú cùng các con thể hiện lòng tôn kính với ông bà.

Những đứa trẻ “chưa ngoan”

Là cháu đích tôn nên Tuấn – con trai chị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn được người lớn cưng chiều, đặc biệt là ông bà nội. Rất nhiều lần chị Hương đã nhắc nhở chồng và bố mẹ chồng không nên chiều con quá. Thế nhưng, bố mẹ chồng chị đều bảo: “Ối giời, trẻ con biết gì mà đã dạy bảo”. Nói xong, bà nội lại bế cháu lên cưng nựng: “Em bé của bà mới tí tuổi ranh mà mẹ nó đã muốn bắt vào khuôn khổ, có tội không cơ chứ”.

Mỗi khi Tuấn đòi gì, hai ông bà đều đáp ứng. Chính vì vậy, lâu dần khi người lớn không đáp ứng điều kiện mà mình đòi hỏi, Tuấn đều ăn vạ, ném phá đồ đạc, thậm chí lấy tay đánh đấm mọi người. Tuấn không biết chào người lớn, ăn nói ngỗ ngược, không đầu không cuối.

Lên lớp 2, Tuấn càng thể hiện sự coi thường ông, bà và người lớn. Hôm đó là ngày mừng thọ bà nội, nhà rất đông khách. Khác với những đứa trẻ khác đều chủ động chào hỏi mọi người lớn tuổi, Tuấn lại ngúng nguẩy chẳng chịu chào ai. Vợ chồng chị Hương phải luôn miệng nhắc con nhưng thằng bé khi thì chào lí nhí, khi lại miễn cưỡng làm theo bố mẹ. Suốt cả buổi, cậu cứ bám lấy bố với ông nội, không chịu theo ai, gặp ai mặt cũng xị ra khiến mọi người vô cùng ái ngại.

Vợ chồng chị Thanh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sinh được cậu con trai tên Long năm nay đã 8 tuổi. Chồng chị là quân nhân, đóng ở địa bàn tỉnh xa, mỗi tháng chỉ về thăm nhà 1 - 2 ngày. Bố mẹ chồng gần nhà, nhưng quan hệ nàng dâu – nhà chồng không mấy êm đẹp. Do bức xúc với bố mẹ chồng, chị Thanh không ít lần thể hiện qua những câu nói chỏng lỏn với ông, bà nội, kèm theo những câu chuyện “kể tội” ông bà lười biếng, không yêu con, yêu cháu mỗi khi có khách đến chơi. Chính vì vậy, trong những câu nói của Long rất nhiều câu chỉ trích ông bà nội. Đến khi chị Thanh sinh con gái thứ hai, bà nội xuống chăm sóc cháu, không ít lần, Long có thái độ hỗn láo với bà. Bà nói gì, Long cũng trả lời cộc lốc, không ăn gì hất bát ra ngoài. Bà nói gì không muốn nghe, Long đều bịt tai lại và bảo: “Cứ nói đi, không nghe gì cả”. Những người hàng xóm thấy vậy đều lắc đầu ngán ngẩm. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bố là “nhạc trưởng”

Tính cách của một đứa trẻ do môi trường và sự giáo dục quyết định. Tuy mỗi trẻ đều có những cá tính khác nhau, nhưng tất cả đều cần được dạy dỗ, rèn giũa để biết tôn trọng người khác. Từ lúc chào đời, trẻ đã biết được làm thế nào để khiến cho mọi người đáp ứng yêu cầu của mình, đây cũng chính là bản năng của mỗi người. Nhiệm vụ của bố mẹ ở đây chính là dạy con biết được làm thế nào để có thể nhờ vả người khác một cách tôn trọng nhất.

Anh Phạm Đình Tú, chuyên gia giáo dục mầm non, người sáng lập Trường Mầm non Khai Trí cho biết, xung quanh anh cũng có rất nhiều đứa trẻ không quen chào người lớn. Anh nhận thấy, cha mẹ vất vả chở các con học thêm kỹ năng, năng khiếu… nhưng lại ít chú trọng dạy lễ nghĩa cho con. Kết quả là các con giỏi về chuyên môn, tài năng nhưng chưa phải đứa trẻ nào cũng biết đạo lý. Vì vậy, anh luôn thôi thúc ý nghĩ phải dạy con trẻ nhân cách từ những thứ nhỏ nhất.

Theo anh Tú, hằng ngày, các con được học kiến thức ở trường nhưng về nhà, bố sẽ là “nhạc trưởng” để dạy con lễ nghĩa, nền nếp gia phong. Đơn cử như trong bữa cơm, các con sẽ mời ông bà, bố mẹ, lấy ghế, sắp bát… Anh dạy con biết nhường món ngon cho người cao tuổi nhất là bà nội, biết chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cho người thân trong gia đình. Trước khi đi ngủ, các con sẽ chúc mọi người ngủ ngon… Các con biết làm việc nhà để hỗ trợ cha mẹ. Đặc biệt, vào dịp sinh nhật của các con, anh luôn chuẩn bị quà bánh riêng để các con bày tỏ lòng biết ơn với người sinh thành ra mình…

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”, con cần được dạy đạo đức trước khi được dạy những thứ khác trên đời. “Dạy con lòng tôn kính, cha mẹ hãy làm gương. Để con học được thói quen và ý niệm tốt, vợ chồng tôi luôn nhắc nhở nhau cùng làm việc tốt với mẹ bằng cái tâm của mình” – anh Tú nói.

Khi trẻ có những hành vi và lời nói không tôn trọng người lớn, trước hết, cha mẹ nên xem lại cách ăn nói và hành động của mình hàng ngày xem có gì thiếu sót không. Cha mẹ cần phải biết yêu thương, tôn trọng những đấng sinh thành, không ăn nói hỗn hào, không coi ông bà của trẻ là những “cục nợ” kể cả khi họ già nua, ốm yếu. Khi trẻ thấy cha mẹ mình luôn thưa gửi, chăm sóc ông, bà và những người bề trên một cách tôn kính, ân cần, trẻ sẽ in sâu vào tâm trí.

TS Tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng cho rằng, cha mẹ cần dạy trẻ biết chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, sống không đòi hỏi. Tối kị nhất là nói xấu, hoặc phê phán công khai ông, bà trước mặt con cái. Mặc dù, trẻ không hiểu được hoàn toàn, nhưng dần dần chúng sẽ cảm nhận sự bất kính ẩn sau những lời nói. Những hành vi, lời nói xúc phạm và thiếu tôn trọng ông, bà sẽ tác động không tốt tới trẻ và làm phát sinh những thói xấu, gây tác hại trầm trọng cho trẻ từ lúc bé tới khi trưởng thành.

“Trẻ em là hình ảnh phản chiếu những gì người lớn đã nói và làm. Để con cái tôn trọng người lớn thì trước hết trong gia đình, ông bà, bố mẹ cần thể hiện sự gương mẫu trong lời nói như nói đúng, rõ ràng, không thêm chuyện, không hứa suông, không tục tĩu. Nhất thiết cần nhẹ nhàng và mang tính giáo dục. Trong hành vi luôn chân thành, trung thực, lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến của trẻ, luôn khuyến khích trẻ nói ra những điều suy nghĩ, từ đó đưa ra cho trẻ những lời khuyên phù hợp để trẻ tự tin cảm thấy có chỗ dựa về mặt tinh thần để có thể tự giải quyết được công việc của bản thân. Sự tôn trọng của trẻ dành cho người lớn thể hiện qua việc trẻ luôn mong muốn được chia sẻ suy nghĩ, hỏi ý kiến và luôn muốn trò chuyện, quan tâm tới ông bà, cha mẹ hay người lớn tuổi” – TS Tâm lý Mã Ngọc Thể nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ