Ngoài kiến thức cơ bản, các chuyên đề còn giúp học sinh hình thành kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu ban đầu... nhằm chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Tích hợp vào các chuyên đề giáo dục
Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp cho hay: Việc giáo dục và cho học sinh thực hành kỹ năng thoát hiểm, tự phục vụ bản thân và sơ cứu ban đầu... được tích hợp vào nội dung của môn Kỹ năng sống. Song song đó, thực hiện chủ trương của ngành, học sinh đều được phổ cập bơi đề phòng tránh đuối nước vào năm lớp 3 với 1 khóa 8 tiết.
Trường xây dựng mỗi tháng 1 chuyên đề để giáo dục cho học sinh, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu. Với học sinh tiểu học, các chuyên đề giúp các em hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường từ việc bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, nói không với đồ nhựa dùng 1 lần, tiết kiệm nguồn nước, làm các đồ tái chế đơn giản…
Thầy Phạm Văn Hào, giáo viên Địa lý, Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) chia sẻ: Với môn Địa lý, mỗi năm giáo viên lên kế hoạch thực hiện chuyên đề Ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh. Đây là chuyên đề tích hợp giúp các em hiểu được khái niệm về biến đổi khí hậu, nguyên nhân, thực trạng và đi tìm giải pháp. Thông qua hình ảnh, clip về các trận lũ lụt, bão, hạn hán... các em hiểu được tác động của nó tới thiên nhiên, đời sống con người. Từ đó, thầy – trò tìm hiểu giải pháp nào để góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và hành động của các em là gì. Đặc biệt, nhà trường cũng hướng dẫn để học sinh thực hành các kỹ năng thoát hiểm, tự phục vụ bản thân, sơ cứu hay phổ cập bơi để ứng phó với thiên tai như lũ lụt, động đất, bão... cùng những tình huống giả định cụ thể.
Tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Quận 6), theo đại diện lãnh đạo nhà trường, hằng năm trường tổ chức trại sinh tồn, lồng ghép với hoạt động thi thời trang với chủ đề bảo vệ môi trường. Qua trại sinh tồn, học sinh được các chuyên gia hướng dẫn cách để định vị phương hướng, thoát hiểm, sơ cứu, cứu hộ, cứu nạn, chủ động xử lý, ứng phó với những tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra... Trường cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở GD&ĐT về triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành GD.
Trước đó, trên địa bàn TPHCM, nhiều trường học cũng đã kết hợp với các đơn vị, tổ chức thực hiện các buổi tập huấn trang bị kỹ năng và diễn tập thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ, sơ cứu, phòng chống thiên tai... Đặc biệt, Sở GD&ĐT TPHCM còn phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Liên đoàn Thể thao dưới nước triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em.
Giáo dục học sinh qua dự án
Đầu năm học 2020 - 2021, học sinh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (cơ sở 3/2, Quận 10) tham gia dự án toàn cầu có tên Climate Action - Hành động vì khí hậu. Cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình GD phổ thông của cơ sở 3/2 trao đổi: Đây là dự án có trên 100 quốc gia với khoảng 1 triệu học sinh trên thế giới tham gia.
Học sinh sẽ có những tiết kết nối online với bạn bè trên toàn thế giới. Các em được phân nhóm, tiến hành thực hiện kế hoạch theo từng tuần từ tháng 9 - 11/2020 về tìm hiểu kiến thức liên quan - thực trạng và đưa ra giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua việc tham gia dự án, ngoài những kỹ năng có được về giao tiếp bằng tiếng Anh, sử dụng công nghệ thông tin, làm việc nhóm... học sinh có nhận thức đúng về biến đổi khí hậu và thay đổi từ những hành động nhỏ nhất.
Ngoài ra, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, TPHCM tiếp tục thực hiện dự án Năm học xanh với chủ đề Phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được phát huy tinh thần tích cực, mở rộng tầm nhìn, vai trò và trách nhiệm của bản thân để thích ứng với biến đổi, phát triển tương lai. Phát triển bền vững là nỗ lực của toàn cầu dựa trên các mục tiêu về kinh tế, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và các yếu tố văn hóa. Trước đó, dự án môi trường “Năm học xanh” 2019 - 2020 của trường có nhiều hoạt động đa dạng góp phần lan truyền cảm hứng sống xanh và giảm thiểu rác thải, tiết kiệm năng lượng. Nhà trường, học sinh và phụ huynh chung tay trồng hàng nghìn cây xanh trên cả nước.
Liên quan đến vấn đề phòng chống thiên tai, Sở GD&ĐT TPHCM hằng năm có văn bản chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT về triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành GD thành phố. Trong đó đặc biệt yêu cầu các trường phối hợp cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, lồng ghép trong các chương trình, nội dung giáo dục tại đơn vị; Tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, nâng cao ý thức cho người lao động, học sinh, sinh viên về phòng tránh, hạn chế rủi ro, thiệt hại; hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với các tình huống, sự cố khi thiên tai xảy ra.