Câu chuyện giáo dục

Lòng biết ơn qua những hành động thiết thực

GD&TĐ - Với mỗi chúng ta, được sinh ra trong cuộc đời này, được nuôi dưỡng nên người là những ân nghĩa vô cùng cao đẹp và to lớn.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm làm lễ báo công nơi Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Ảnh: TG
Học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm làm lễ báo công nơi Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Ảnh: TG

Chính vì thế, chúng ta cần sống với lòng biết ơn mọi người, biết ơn cuộc sống để thấy cuộc đời ý nghĩa hơn.

Biết ơn chính là việc cảm kích, trân trọng, ghi nhận và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Lòng biết ơn hiện diện khắp nơi trong cuộc sống khi mỗi chúng ta biết nói lời cảm ơn, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn, đồng thời biết giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai.

Khi nhận ơn nghĩa của người khác, người sống với lòng biết ơn thì biết truyền tải đi những thông điệp tốt đẹp để khiến cho xã hội này tốt đẹp hơn. Lòng biết ơn cũng là cội rễ của rất nhiều tư tưởng, tình cảm cao đẹp mà con người luôn hướng tới. Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc của lòng biết ơn đó, thầy cô Trường THCS Lê Văn Thiêm luôn trăn trở, đổi mới, sáng tạo bằng nhiều hình thức để giáo dục học sinh về lòng biết ơn và cách thể hiện lòng biết ơn. Trước hết, thầy cô đã nêu gương cho các em trong dạy học bằng cách thường xuyên cảm ơn những ai đã giúp mình dù chỉ một việc rất đơn giản.

Những lời cảm ơn đó sẽ được các em tiếp thu, học hỏi, để có thái độ lịch sự, văn hóa trong giao tiếp. Trong ứng xử với học sinh phải luôn công bằng, nhân văn, nhắc nhở các em biết quan tâm, biết ơn cha mẹ, lễ phép với thầy cô, trân trọng với những khoảnh khắc ý nghĩa bên bạn bè, dưới mái trường… Chính thái độ biết ơn của người lớn có giá trị vô cùng lớn để dạy con trẻ.

Lòng biết ơn còn được thể hiện qua các hoạt động cụ thể. Đó là chăm sóc Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, nơi ghi dấu Bác về thăm, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Tĩnh; địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử và niềm tự hào của các thế hệ người dân Hà Tĩnh. Đây cũng là nơi học sinh thường tổ chức lễ báo công dâng Bác, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; khắc ghi lời dạy của Người và niềm tự hào của thế hệ trẻ.

Lòng biết ơn cũng được lồng ghép hiệu quả qua các hoạt động trải nghiệm. Các em được học lịch sử qua di sản, tham quan di tích lịch sử tại địa phương để hiểu biết hơn về các di tích lịch sử gắn liền với nơi mình sinh sống, như tổ chức cho học sinh khối lớp 6 học tập tại Khu di tích Lịch sử cấp quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Danh nhân Văn hóa Thế giới) thuộc huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, học tập tại Văn Miếu Hà Tĩnh...

Trước thềm năm học mới, như một hoạt động thường niên hướng về nguồn cội, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng các em học sinh đã đến dâng hương tại nhà thờ Lê Đại Tôn tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, dòng họ của cố GS.TS Toán học đầu tiên của Việt Nam - GS Lê Văn Thiêm mà ngôi trường vinh dự được mang tên.

Giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử cũng đặc biệt được chú trọng. Nhân dịp ngày 7/5/2024, khi cả nước nô nức hướng về Điện Biên với niềm hãnh diện và tự hào, hòa trong không khí hào hùng của quân và dân cả nước trong những ngày tháng Năm lịch sử ấy, cán bộ giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm đã dành thời gian để theo dõi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thế hệ học sinh và giáo viên nhà trường trong những giờ phút thiêng liêng này hứa sẽ phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đã đem lại hòa bình cho dân tộc hôm nay.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động thường niên như “Nhà em treo ảnh Bác Hồ”, về các địa chỉ đỏ tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7 như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ… Các em cũng được đóng vai, diễn kịch… để hiểu hơn về các sự kiện lịch sử, truyền thống oanh liệt vẻ vang của dân tộc…

Chính từ những hoạt động dạy học và giáo dục như thế đã góp phần vun bồi, nuôi dưỡng trong tâm hồn học sinh những giá trị cao đẹp. Cũng để rồi từ đó lòng biết ơn thúc đẩy các em cố gắng học tập thật tốt để đền đáp công lao của thầy cô, gia đình.

Những bài học từ thực tiễn lan tỏa từ lòng biết ơn như vậy đã tạo ra hiệu quả cao trong phong trào giáo dục ở Trường THCS Lê Văn Thiêm, đặc biệt trong giai đoạn trường đang thực hiện mô hình Chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.