Lời từ biệt ám ảnh của người bạn tự tử vì trầm cảm

Tôi đã không biết nhiều về cuộc sống của người bạn thân nhất và không cho cô ấy cơ hội để chia sẻ với mình về căn bệnh trầm cảm.

Trong cái chết của cô ấy, không có câu trả lời, chỉ là những câu hỏi bất tận xoay quanh vấn đề này: Chúng ta có thể làm gì khác để giúp đỡ những người đang bị trầm cảm? (Ảnh minh họa).
Trong cái chết của cô ấy, không có câu trả lời, chỉ là những câu hỏi bất tận xoay quanh vấn đề này: Chúng ta có thể làm gì khác để giúp đỡ những người đang bị trầm cảm? (Ảnh minh họa).

Đó là một buổi sáng thứ sáu đầy nắng ở Los Angeles. Tôi dậy sớm chạy việc vặt và vừa vào nhà để xe thì nhận được tin nhắn của cô ấy: "Julie – cậu đã là người bạn tốt nhất của tớ trong gần 20 năm. Cảm ơn vì tất cả lòng tốt của cậu. Tớ hy vọng cậu sẽ có một cuộc sống tuyệt vời với tất cả hạnh phúc, bình yên và tình yêu mà cậu xứng đáng có được”…

Đó là tin nhắn người bạn thân nhất của tôi, Barbra. Và tin nhắn tiếp theo khiến tôi đứng hình: "Hôm nay tớ sẽ tự tử".

Ngay lập tức, tôi gọi lại cho Barbra nhưng không có hồi âm. Tôi gọi cho chồng của Barbra hối thúc anh ta nghỉ việc đi tìm cô ấy. Tôi liên tục nhắn tin nhắc nhở bạn mình rằng trên thế giới này còn biết bao người yêu thương cô ấy, rằng hãy bình tĩnh, mọi người đang đến giúp cô ấy rồi.

Nhưng tất cả đã quá muộn.

Hai giờ sau, một cuộc gọi từ chị gái của Barbra đã xác nhận thông tin: Người bạn thân xinh đẹp, sôi nổi của tôi đã ra đi mãi mãi.

Barbra và tôi gặp nhau lần đầu tiên vào ngày nhập hoc lớp 6. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, chia sẻ mọi điều trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tôi là một đứa trẻ 12 tuổi láu cá, nổi loạn còn Barbra là một cô gái cao ráo, thông minh.

Trong 10 năm tiếp theo, Barbra và tôi tham gia vào tất cả các cuộc phiêu lưu. Chúng tôi đi tình nguyện vào mùa hè để xây nhà cho Dự án Dịch vụ Appalachia, leo lên dãy núi Great Smoky ở Tennessee và lái xe dọc theo vùng Trung Tây để xem các buổi hòa nhạc của Phish, Rusty Root và Moe.

Tôi luôn ngưỡng mộ sự tự tin của Barbra, đôi lúc cứ nhìn ngắm cô bạn mình như một chú cún con vậy. Mọi thứ đều dễ dàng với cô ấy, mọi người hướng về cô ấy, cô ấy dường như luôn bị cuốn vào trung tâm của một kế hoạch thú vị nào đó.

Nhưng có một khía cạnh khác của Barbra mà cô ấy không phải lúc nào cũng cho tôi thấy. Đôi khi, Barbra bị bối rối về chiều sâu cảm xúc của chính mình và không biết cách nói về chúng. Và tôi không biết cách làm thế nào để hỏi.

Tôi chỉ biết một chút về những gì Barbra đang gặp phải: cô ấy dễ bị trầm cảm và phải uống thuốc. Cô ấy có thể hưng phấn, trở nên nhiệt tình mãnh liệt với những niềm đam mê của mình như xăm mình, nhảy dù.

Cô ấy có một giọng hát tuyệt vời khiến bao người trầm trồ khen ngợi. Tôi không bao giờ nghĩ tới việc bạn mình có một cuộc sống tích cực và lạc quan như thế lại phải dùng thuốc điều trị tâm lý một cách thường xuyên.

Mẹ của Barbra đau lòng kể lại với tôi: “Từ những năm trước, cô đã nhận ra Barbra cần sự giúp đỡ về tâm lý. Việc điều trị tâm lý của con bé không hề dễ dàng mà vô cùng khó khăn và tốn kém.

Con bé cần một bác sĩ trị liệu để điều trị, chưa kể, gia đình phải thanh toán hóa đơn tiền thuốc gần 600 đô một tháng. Barbra đã trở nên quá phụ thuộc vào thuốc và cơ thể đã hình thành cơ chế kháng thuốc”.

Mặc dù Barbra không chia sẻ chi tiết về căn bệnh của cô ấy với tôi, tôi luôn mơ hồ có một điều gì đó đang diễn ra. Nhưng tôi đã luôn tránh né nói với cô ấy về những cuộc đấu tranh tâm lý cô ấy đang trải qua bởi vì nó sẽ dễ dàng hơn nếu bỏ qua những điều tôi không hiểu. Tôi muốn duy trì tình bạn của chúng tôi.

Khi tôi chuyển từ Chicago đến New York vào năm 2009, Barbra và tôi đã phải xa nhau. Tôi đã đến thăm gia đình cô ấy một vài lần vào kỳ nghỉ. Barbra thi thoảng vẫn gọi điện thoại hỏi thăm tôi nhưng sự thật là chúng tôi không còn biết chi tiết về cuộc sống của nhau nữa.

Khi cô ấy đề nghị tôi làm phù dâu trong đám cưới của cô ấy vào tháng 8 năm ngoái, tôi đã rất vinh dự và hạnh phúc. Đám cưới của cô ấy tràn ngập tình yêu thương của những người bạn và người thân trong gia đình. Barbra cho biết đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô.

Nhưng cuộc sống đó bây giờ đã kết thúc. Gia đình cô ấy và ngay cả tôi cũng không biết phải làm gì, sẽ ra sao trong đám tang của cô ấy.

Mẹ của Barbra nói: “Con bé đã mệt mỏi vì buồn. Con bé xấu hổ vì căn bệnh của mình. Khi cô đọc tin nhắn và email con bé gửi, cô ước mọi việc đã được thực hiện khác đi.

Bệnh trầm cảm phổ biến hơn những gì cô nghĩ, cô không biết phải làm sao để giải quyết những vấn đề đó cũng như không hề biết nguồn gốc vấn đề năm ở đâu. Khi người ta trầm cảm, người ta chọn im lặng”.

Mỗi ngày, có gần 2.200 người trên thế giới tự sát. Trong 90% các vụ tự tử, bệnh trầm cảm là nguyên nhân chính. Barbra được chẩn đoán mắc nhiều hội chứng tâm lý, trong đó có căng thẳng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương, không thể xác định chính xác hội chứng nào khiến cô ấy tự tử.

Trong cái chết của cô ấy, không có câu trả lời, chỉ là những câu hỏi bất tận xoay quanh vấn đề này: Chúng ta có thể làm gì khác để giúp đỡ những người đang bị trầm cảm?

Tôi cố gắng tưởng tượng Barbra đã cảm thấy như thế nào trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời cô ấy và nó khiến tôi vỡ vụn khi nghĩ cô ấy bó buộc mình với những cô đơn.

Đôi khi tôi cảm thấy có lỗi vì đã không chia sẻ với cô ấy nhiều hơn về sức khỏe tinh thần. Tôi đã không biết nhiều về cuộc sống của người bạn thân nhất và không cho cô ấy cơ hội để chia sẻ với mình.

Theo giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ