Lợi thế của sinh viên ngành Công nghệ dệt may

GD&TĐ - Hiện nay sinh viên ngành Công nghệ dệt may còn được các trường hướng đến đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp...

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa đi thực tế tại các doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa đi thực tế tại các doanh nghiệp.

Không chỉ được đào tạo chuyên ngành, hiện nay sinh viên ngành Công nghệ dệt may còn được các trường hướng đến đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, thiết kế thời trang trong nước và nước ngoài…

Chủ động tìm đến doanh nghiệp

Là sinh viên năm thứ 4, ngành Công nghệ may, ĐH Bách khoa Hà Nội, em Lê Thanh Loan cho hay: “Em còn một năm rưỡi ở trường, vì vậy em cố gắng tận dụng tối đa thời gian để học, nghiên cứu và khi đi thực tế tại các doanh nghiệp; cố gắng kết nối với các anh chị cựu sinh viên để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và sẵn sàng tâm thế cho việc tìm kiếm việc làm.

Sau đại dịch Covid-19, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng và ngành Dệt may cũng không là ngoại lệ, do đó những sinh viên năm cuối như chúng em cũng áp lực về tìm kiếm việc làm. Nên quá trình đi thực tập là thời gian vàng để chúng em tận dụng cơ hội để hiểu và nắm bắt xu thế việc làm, tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình”.

Lê Thanh Phú, sinh viên năm nhất, ngành Dệt may cho biết: “Hiện nay, xu hướng ngành Dệt may Việt đang phát triển xuất khẩu ra nước ngoài, do đó cơ hội việc làm cũng như tiềm năng của ngành cũng khá lớn. Cái quan trọng vẫn là việc rèn luyện học tập của sinh viên khi trong trường để tạo cơ hội việc làm cho mình. Đồng thời, bản thân bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, nếu người học không xác định được kế hoạch học tập, rèn luyện kỹ năng cho bản thân và tinh thần dấn thân thì cơ hội việc làm cũng sẽ bị hạn chế. Trong quá trình học, em cũng sắp xếp thời gian để xin đến các đơn vị, doanh nghiệp để được học hỏi…

Theo một số doanh nghiệp, để sinh viên ngành công nghệ dệt may sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay và làm đúng chuyên ngành thì ngay từ phía nhà trường đã phải đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, thiết kế thời trang trong nước và nước ngoài.

Chia sẻ về các chương trình ký kết đào tạo với những trường đào tạo ngành dệt may, bà Đoàn Thị Thu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Hiện nay sinh viên ra trường rất năng động đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc làm”.

Theo bà Thu, hiện nay công ty bà đang có hai chương trình học bổng, một là chương trình thu hút nhân tài địa phương ưu tiên cho sinh viên người Thái Nguyên đang đi học và tham gia các trường đào tạo ngành dệt may. “Sau khi học xong, sinh viên sẽ được tuyển dụng về công ty làm việc. Theo đó, những sinh viên này sẽ phải ký cam kết làm việc bao nhiêu năm tại công ty chúng tôi”, bà Thu cho biết.

“Tôi cũng phải chia sẻ một thực tế hiện nay sinh viên mới ra trường kỹ năng thực hành các bạn còn thiếu kiến thức thực tế. Đặc biệt là những công ty như chúng tôi là sản xuất hàng tự thiết kế các bạn đang bị yếu về kỹ năng thiết kế 2D, 3D do đó các bạn nên chú trọng vào việc thiết kế nhiều hơn”, bà Thu chia sẻ.

Dễ kiếm việc làm, thu nhập cao

Theo các trường đào tạo ngành Công nghệ dệt may, phần lớn trong quá trình học sinh viên ngành này được lĩnh hội nhiều kiến thức chuyên sâu như mỹ thuật trang phục, thiết kế thời trang, thiết kế mẫu các sản phẩm may từ phổ thông đến cao cấp, kỹ thuật cắt may các trang phục từ cơ bản đến phức tạp, nghiên cứu và phát triển quá trình công nghệ may trong doanh nghiệp... Sinh viên có thể áp dụng những kiến thức này vào thực tế, bởi vậy việc vừa đi học, vừa đi làm sẽ mang đến nhiều lợi ích giúp cho sinh viên được thực hành nhiều hơn, linh hoạt và nhạy bén hơn.

Nhiều sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã có thể sắp xếp thời gian vừa đi học trên giảng đường, vừa có thể đi làm thêm bán thời gian (part-time) cho các tiệm may, shop thời trang. Tùy theo lượng kiến thức đã học trong trường các bạn có thể đảm nhiệm từ công việc nhỏ nhất như nhân viên chăm sóc khách hàng, tư vấn hay nhân viên sale đến những công việc đòi hỏi cần phải có kỹ năng may, cắt hay thiết kế mẫu...

Với quan điểm đào tạo là phải dạy cho sinh viên học kỹ năng tư duy đi đôi với thực hành chuyên môn, gắn đào tạo với thực tế doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực của xã hội, bà Phạm Thanh thảo, Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Nhà trường luôn tạo điều để sinh viên được học tập tốt nhất. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng cho sinh viên có thời gian cọ xát, thực tế tại các cơ sở, nhà máy xí nghiệp để thực hành kiến thức lý thuyết, nắm bắt được những đòi hỏi thực tế và yêu cầu khi làm việc.

Qua đó, các em xác định cho bản thân các mục tiêu trong quá trình học. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết nối với các doanh nghiệp, công ty để xin học bổng, liên kết để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên”.

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, theo Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, do đặc trưng là trường đào tạo thiên về ứng dụng, thực hành, một trong các điểm mạnh tiêu biểu của trường là sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt tỉ lệ cao.

Cụ thể, trường đạt tỉ lệ 95% sinh viên tốt nghiệp trong vòng 12 tháng có việc làm ngay, với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/tháng. Trong đó trên 5% sinh viên triển khai các dự án khởi nghiệp. Có nhiều sinh viên tuy mới ra trường nhưng có mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Những em này chủ yếu tốt nghiệp ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành merchandiser (quản lý đơn hàng). Các công nghệ sợi dệt, công nghệ may thu nhập thấp hơn, những cũng có thể đạt 13 - 15 triệu đồng/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ