Lối mở cho trẻ nhập cư tại Nam Phi

GD&TĐ - “Những trẻ này không thể học ở ngôi trường thực sự… Chúng đã trải qua cảnh sống khổ ải, chịu đánh đập, hành hung, tước đoạt thực phẩm” – Hiệu trưởng Trường Sacred Heart, Colin Northmore, nói về những học sinh đặc biệt mà trường tiếp nhận trong chương trình GD cho trẻ nhập cư…  

Lối mở cho trẻ nhập cư tại Nam Phi

“Phân biệt” kiểu mới

Mỗi ngày, khi giờ học chính khoá kết thúc, Trường Sacred Heart tại thủ đô Johannesburg, lại đón đầy trẻ nhập cư vào học “ca xép” – giáo viên đứng lớp cũng là người nhập cư.

Có hơn 2 triệu người nhập cư đang sinh sống tại Nam Phi – một số lượng lớn trong đó là trẻ em – thường đối mặt với thái độ bài ngoại của giáo viên và bạn học, hoặc bị cấm học trường công lập do nhập cư lậu vào Nam Phi.

Nam Phi, từng nhuốm quá khứ đen tối phân biệt chủng tộc, đã lại chìm trong làn sóng bạo lực đẫm máu chống người nhập cư năm 2008, khi 62 người bị giết hại; bạo lực tương tự lại bùng phát năm 2015 làm ít nhất 7 người chết.

“Chúng tôi trở thành một trường học đa chủng tộc vào năm 1976, bất chấp chính phủ phân biệt chủng tộc. Và chúng tôi coi việc kì thị trẻ tị nạn là một bất công xã hội mới” – Hiệu trưởng Northmore nói – “Có những trẻ phải trải qua hành trình 4 năm đi bộ rong ruổi để tới được Nam Phi, những trẻ này đương nhiên đã 4 năm thất học”.

Những bảng khẩu hiệu “Chúng ta đấu tranh chống phân biệt chủng tộc” được treo trên tường lớp học cùng với ảnh chân dung Nelson Mandela.

Ngôi trường, có mức học phí tới 6.000 USD/năm, được trang bị nhiều thiết bị giảng dạy hiện đại, 2 thư viện, một số sân tennis… - vượt xa điều kiện của nhiều trường công lập tại Nam Phi.

Cơ hội to lớn cho trẻ nhập cư

Không có thống kê chính xác về số người xin nhập cư tại Nam Phi, nhưng theo trang web Africa Check thì con số này là khoảng 2,2 triệu người.

Trường Sacred Heart đón được 175 trẻ nhập cư từ CH Congo, Mozampique, Zimbabwe và Eritrea. Những trẻ này trong độ tuổi 5 đến 13, toàn bộ mặc đồng phục xanh da trời, và chủ yếu học Tiếng Anh và Toán.

“Ở đây cháu được học những kiến thức cần thiết để có thể chuyển sang học trường bình thường” - Claude, 12 tuổi, đến từ Congo - cho biết. Sau 3 năm học chương trình “Three2Six”, Claude hy vọng sẽ tham gia hệ thống trường công lập vào năm tới.

Mỗi năm, khoảng 1/4 học sinh theo học chương trình này “tốt nghiệp” để gia nhập trường thường.

Nhưng ngay cả với những trẻ đã chuyển sang trường chính khoá, cuộc sống nhập cư tại Nam Phi vẫn rất khó khăn. “Chúng cháu có điều kiện sống tốt hơn tại Congo. Ở Nam Phi, cháu sống trong căn hộ chung 3 gia đình” – Claude chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Gilbert Kabasele, giáo viên tị nạn người Congo đang tham gia giảng dạy “Three2Six” thì chương trình này mở ra cơ hội vô cùng to lớn giúp trẻ em di cư hoà nhập với xã hội mới.

Northmore hy vọng chương trình tận dụng trường lớp ngoài giờ chính khoá để giáo dục trẻ nhập cư có thể được nhân rộng tại châu Âu, nơi cũng đón nhận làn sóng người nhập cư rất lớn trong những năm gần đây.

Một tình nguyện viên người Đức, từng làm việc tại Trường Sacred Heart, đã trở về nước và lập một chương trình tương tự dành cho trẻ em nhập cư Syria.

Dự án dạy học sau giờ học được gọi là “Three2Six” (3 tới 6) vì diễn ra vào các buổi chiều, từ 3 giờ chiều đến 6 giờ chiều trường học biến thành một trung tâm dạy miễn phí cho trẻ nhập cư. Giáo viên đến từ nhiều quốc gia châu Phi, những người cũng đang đợi được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp, đứng lớp giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.