Lời khuyên quý trước kỳ thi tốt nghiệp

Một số giáo viên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) chia sẻ kinh nghiệm về cách ôn tập và củng cố kiến thức...

Lời khuyên quý trước kỳ thi tốt nghiệp

Thầy Trương Văn Trung - Hiệu phó chuyên môn, giáo viên Toán (Trường THPT Phan Chu Trinh): Ôn tập theo chủ đề và dạng đề tổng hợp

Về mặt nội dung ôn tập không giảm tải, không thay đổi so với các năm học trước. Khi ôn tập các em phải dành thời gian hệ thống lại một số chuyên đề dạng cơ bản, làm bài tập theo chủ đề và ôn theo dạng đề tổng hợp.

Năm nay, thời gian làm bài thi môn toán thay đổi từ 150 phút xuống còn 120 phút nên nội dung đề thi kiểm tra có thể ít hơn. Thông thường đề thi tốt nghiệp THPT môn toán có các phần kiến thức khảo sát hàm số, tích phân, hình học không gian, hình học giải tích trong không gian, số phức, phương trình...

Các em cần chú trọng kỹ năng tính toán, nắm chắc công thức và tuân thủ các bước giải của bài toán để đạt điểm cao. Khi làm bài thi, các em phải bình tĩnh, dành thời gian rà soát lại các vấn đề mà mình đã trình bày.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Phan Chu Trinh): Trình bày bài ngắn gọn, súc tích, trọng tâm

Cấu trúc đề thi môn văn năm nay đổi khác so với mọi năm nên giáo viên đã chủ động chuyển hướng, thay đổi phương pháp ôn tập để đáp ứng yêu cầu mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra. Do đó, học sinh phải làm thật nhiều bài tập, luyện viết những bài văn ngắn, đọc, hiểu văn bản.

Các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản để vận dụng vào bài thi một cách thành thạo, chú ý trình bày bài ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm mới đủ thời gian, đảm bảo các kỹ năng làm bài văn với 3 phần mở bài, thân bài và kết luận.

Thầy Lê Phương, Tổ trưởng tổ Địa lý (Trường THPT Phan Bội Châu): Đọc kỹ đề thi để hiểu đề, nắm kỹ năng sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ và nhận xét bảng số liệu.

Trong quá trình học và ôn tập, học sinh cần nắm vững những khái niệm, quy luật và biết nhận diện cấu trúc chương trình. Thông thường đề thi ra chủ yếu ở chương trình lớp 12, theo hướng 50% câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn và 50% học thuộc lòng.

Nội dung ôn tập theo tài liệu chuẩn kiến thức, tập trung ôn luyện phần kỹ năng vẽ và nhận xét các loại biểu đồ, kỹ năng nhận biết sử dụng Atlat địa lý Việt Nam. 

Khi làm bài thi, các em cần đọc kỹ câu hỏi để hiểu đề, làm phần thực hành trước, lý thuyết làm sau vì lý thuyết thường ngắn gọn, có tính vận dụng và cần phải đầu tư thời gian tập trung suy nghĩ.

Cô Châu Thị Lộc, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ (Trường THPT Phan Bội Châu): Nắm vững cấu trúc ngữ pháp

Các em cần nắm vững cấu trúc ngữ pháp, cấu trúc câu, các thì, giới từ, ngữ âm, luyện các kỹ năng đọc, hiểu… Ngoài ra, học sinh nên tự tìm kiếm các đề thi cũ để tập làm quen với các dạng đề, càng giải bài tập nhiều thì càng nhớ nhiều, đồng thời qua đó biết mình mạnh mặt nào, yếu mặt nào thì bổ sung kiến thức. Khi làm bài cần phân bố thời gian hợp lý.

Cô Trần Thị Tuyết - Tổ trưởng tổ vật lý (Trường THPT Phan Thiết): Phát huy tính phán đoán, suy luận nhanh

Quá trình ôn tập, học sinh phải nắm vững lý thuyết trong SGK, công thức tính toán. Thường thì đề thi tốt nghiệp trắc nghiệm môn vật lý ra theo hướng gọn nhẹ, nhiều câu hỏi chỉ cần tính toán 1-2 bước là có kết quả.

Đừng tập trung nhiều thời gian cho một câu, các em cần phát huy tính phán đoán, suy luận nhanh. Thường xuyên làm bài tập để nhớ công thức, rèn luyện kỹ năng để có phương pháp giải nhanh, suy luận nhanh.

Cô Lương Thị Mỹ Lan - Tổ trưởng tổ Sử (Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo): Không học tủ và tránh nhầm các sự kiện

Môn Sử có nhiều số liệu, sự kiện, cần phải nắm chính xác và học thuộc lòng các sự kiện, tránh học tủ. Tốt hơn hết các em nên ghi mốc sự kiện quan trọng ra giấy nháp và xâu chuỗi sự kiện một cách logic. Để ôn tập, củng cố kiến thức hiệu quả, các em nên chia từng giai đoạn lịch sử.

Với mỗi giai đoạn, các em hãy nhớ những vấn đề cơ bản, nắm vững kiến thức trọng tâm của từng vấn đề. Trước khi làm bài thi, các em cần đọc kỹ câu hỏi, gạch dưới những ý chính, sau đó ghi ra giấy nháp các sự kiện để tránh nhầm lẫn sự kiện này qua sự kiện khác. Bài làm cần trả lời rõ ràng, mạch lạc, tránh trả lời dài dòng, lan man.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.
Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh

Bồi đắp niềm tự hào dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm GD thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc.