Lời khuyên của lãnh đạo ĐH vùng: Thí sinh hãy đăng ký xét tuyển trực tuyến!

GD&TĐ - Đây là lưu ý với các thí sinh của GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - trong cuộc trao đổi với báo GD& TĐ sau khi kết thúc công tác nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1.

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng
GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Theo dõi tình hình nộp, rút hồ sơ ĐKXT của thí sinh vào ĐH Đà Nẵng trong suốt 20 ngày qua, có thể thấy rằng ĐH Đà Nẵng đã chủ động trong các phương án chuẩn bị và có những điều chỉnh hợp lý cũng như cập nhật danh sách kịp thời nhằm hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Xin ông cho biết, những kinh nghiệm rút ra từ đợt 1 cho cả đơn vị xét tuyển lẫn thí sinh?

ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng, có nhiều trường thành viên nên có rất nhiều chuyên ngành, nhiều khối và nhiều tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, trước ngày thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT), ĐH Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng ở tất cả các khâu: Từ phần mềm thu nhận hồ sơ; trang thiết bị hỗ trợ (máy tính, máy in, hệ thống mạng, máy phát số, máy gọi tên điện tử); bố trí địa điểm thuận lợi và phân tán để tránh ùn tắc cục bộ. 

Về con người, ĐH Đà Nẵng phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, huy động sự hỗ trợ của lực lượng sinh viên tình nguyện, có tập huấn chu đáo trước khi tiến hành công việc nên không bị động trong những ngày đầu tiên.

Trong quá trình tuyển sinh, chúng tôi tuân thủ nghiêm chỉnh tất cả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và sử dụng công cụ phần mềm của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cũng rất quan tâm và có sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát đến công tác tuyển sinh.

Qua xét tuyển đợt 1, ĐH Đà Nẵng có một số lưu ý với các thí sinh như sau: 

Để giảm thời gian chờ đợi của thí sinh, ngay trong đợt 1, chúng tôi khuyến khích thí sinh đăng ký trực tuyến trước khi đến nộp hồ sơ trực tiếp. Nếu như thế, mỗi thí sinh chỉ mất khoảng 30 giây để hoàn chỉnh hồ sơ. 

ĐH Đà Nẵng đã bố trí riêng một khu vực cho những thí sinh đã đăng ký trực tuyến đến làm thủ tục, không phải xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên, số lượng thí sinh sử dụng đăng ký trực tuyến tại ĐH Đà Nẵng không nhiều. 

Những thí sinh ở xa nên gửi hồ sơ qua đường bưu điện, vì việc xử lý là như nhau hoặc ĐKXT ngay tại các Sở GD&ĐT.

Thí sinh cũng tránh những nhầm lẫn không đáng có như xét tuyển đợt 1 nhưng lại gửi phiếu của đợt 2, rồi HS phổ thông nhưng lại đăng ký ngành của liên thông, sai tổ hợp xét tuyển… 

Thậm chí, có những thí sinh muốn đăng ký vào một trường ĐH khác trên địa bàn nhưng không phải là trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng tìm đến ĐH Đà Nẵng để nộp hồ sơ…

Ông đánh giá thế nào về mặt bằng chất lượng cũng như tính phân loại của kỳ thi năm nay so với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đó?

Từ phổ điểm kết quả thi THPT quốc gia đã dự báo về số lượng thí sinh ở mức điểm 18 – 23 sẽ rất lớn, số lượng thí sinh trên 25 điểm không nhiều. 

Thực tế lượng hồ sơ nộp vào ĐH Đà Nẵng những ngày qua đã phản ảnh đúng như dự báo. Chính do lượng thí sinh tập trung ở dải điểm này khá lớn nên độ chênh lệch điểm chuẩn tạm thời giữa các ngành rất ít. 

Ngoài ra, do đặc thù của tuyển sinh năm nay là thí sinh được thay đổi trường, ngành đăng ký theo số điểm công bố nên thí sinh trên toàn quốc biết được thông tin và chủ động nộp hồ sơ cũng là nguyên nhân dẫn đến ít có sự chênh lệch về điểm trúng tuyển giữa các ngành.

Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh bằng cách cho phép điều chỉnh nguyện vọng tại các Sở GD&ĐT. Nhưng có vẻ như thí sinh vẫn không “mặn mà” lắm, bởi số lượng đăng ký điều chỉnh tại các Sở GD&ĐT là rất ít. Hình như tâm lý chung của thí sinh và người nhà trong xét tuyển đợt 1 vừa qua là cái gì cũng phải trực tiếp đến tận nơi mới yên tâm. Ông có nhận xét gì về điều này?

Hiện nay tất cả các Sở GD&ĐT đã được trang bị CNTT đầy đủ, đồng bộ và đã có kinh nghiệm trong việc xử lý hồ sơ tuyển sinh, phối hợp với các trường ĐH và CĐ toàn quốc trong tuyển sinh "3 chung" trước đó. Vì vậy, năm nay, việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia rất thuận lợi và trơn tru.

Trong việc xét tuyển năm nay, mặc dù Bộ GD&ĐT đã cho phép điều chỉnh nguyện vọng tại Sở GD&ĐT nhưng thí sinh chưa mặn mà. Ngoài lý do tâm lý muốn trực tiếp đến nộp, rút hồ sơ tại trường cho yên tâm, tôi nghĩ còn có thêm một lý do khác nữa.

Bộ GD&ĐT cho phép điều chỉnh hồ sơ ĐKXT thông qua các Sở GD&ĐT vào những ngày giữa của đợt xét tuyển nên thí sinh chưa quen và chưa thực sự yên tâm với cách thay đổi này. 

Ngoài ra, do một số trường cập nhật thông tin chậm hoặc không đúng mẫu quy định, thí sinh khó theo dõi nên sau khi thí sinh đã có yêu cầu thay đổi nguyện vọng tại Sở thì vài ngày sau, thông tin mới được cập nhật,  thí sinh không chắc chắn về việc thay đổi có hiệu lực hay không, nên tỏ ra lo lắng.

Chính vì vậy, muốn tin tưởng thì thí sinh phải am hiểu, nên cần phải truyền thông nhiều hơn; tất cả các Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ cần phải tuân thủ đúng quy định thì mới tạo được lòng tin của thí sinh và phụ huynh.

Trong quá trình xử lý hồ sơ, chúng tôi gặp một số trường hợp thí sinh đã có yêu cầu chuyển trường, đăng ký thông qua Sở GD&ĐT, nhưng sau đó lại đến yêu cầu rút hồ sơ trực tiếp làm hệ thống rất khó xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phương thức tuyển sinh như năm nay làm thước đo khá tốt về uy tín của các đơn vị giáo dục ĐH đối với xã hội. Các trường nhóm trên sẽ có điểm chuẩn cao lên và cách xa với các trường nhóm giữa, nhóm dưới. Đây là cú hích để các trường có thí sinh giỏi, yêu ngành, yêu nghề và dĩ nhiên có điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để các trường ĐH, CĐ cạnh tranh lành mạnh, khẳng định thương hiệu và tuyển rộng rãi được các thí sinh giỏi, có chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc.

GS.TS Trần Văn Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang cảnh Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội

GD&TĐ - Chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở đầu tiên của Đảng bộ Quốc hội. Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống LB Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong giai đoạn hợp tác mới

Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 - 11/5, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung.