Lợi ích vượt ngoài mong đợi khi đọc sách cùng con

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, việc được cha mẹ đọc sách cho nghe sẽ giúp trẻ học cách tự đọc, hỗ trợ quá trình học tập.

Sách cũng có thể giúp trẻ học cách xử lý cảm xúc của chính mình theo hướng lành mạnh. Ảnh: INT.
Sách cũng có thể giúp trẻ học cách xử lý cảm xúc của chính mình theo hướng lành mạnh. Ảnh: INT.

Thực tế, lợi ích của việc cha mẹ và trẻ đọc sách cùng nhau còn vượt xa việc phát triển khả năng đọc viết.

Xây dựng kỹ năng ngôn ngữ

Ngay từ khi mới chào đời, trẻ sơ sinh đã được lập trình sẵn để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Việc tiếp xúc thường xuyên với nhiều ngôn ngữ khác nhau chính là cách giúp trẻ thực hiện chính xác điều đó.

Tiến sĩ Tâm lý học Laura Phillips (Mỹ), cho biết: “Cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ là điều quan trọng nhất mà phụ huynh có thể làm để giúp xây dựng các con đường ngôn ngữ trong não của trẻ. Đọc sách và tiếp xúc với từ ngữ giúp trẻ phát huy tối đa khả năng ngôn ngữ và nhận thức của mình”.

Ngay cả trải nghiệm xúc giác khi cầm hoặc chạm vào một cuốn sách cũng hỗ trợ sự phát triển nhận thức của trẻ sơ sinh. Bằng cách đọc sách cho trẻ từ khi bé còn nhỏ, thậm chí trước khi có thể giao tiếp bằng lời nói, cha mẹ đã giúp đặt nền tảng thần kinh cho việc sử dụng ngôn ngữ và khả năng đọc viết hiệu quả. Một phần là vì sách giúp trẻ tiếp xúc với vốn từ vựng và ngữ pháp mà bé thường không được nghe.

Tiến sĩ Phillips cho biết: “Khi trẻ em ở cùng người chăm sóc hoặc cha mẹ, chúng được tiếp xúc với cùng một ngôn ngữ, cùng các từ vựng, cùng kiểu nói, điều này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, sách cho phép trẻ nghe được vốn từ vựng mới và cách ghép từ mới, giúp mở rộng khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của các bé”.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhỏ được cha mẹ đọc sách cho nghe hằng ngày đã tiếp xúc với nhiều hơn ít nhất 290.000 từ khi vào mẫu giáo so với bạn cùng lứa không được đọc sách thường xuyên. Tùy thuộc vào thời gian đọc sách hằng ngày của trẻ, con số đó có thể lên tới hơn một triệu từ. Tất cả những sự tiếp xúc đó có thể giúp trẻ dễ dàng mở rộng vốn từ vựng và hiểu được nhiều loại văn bản mà chúng sẽ cần đọc khi lớn lên, cả trong và ngoài trường học.

Tiến sĩ Phillips lưu ý, việc đọc sách cũng giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức. Điều này đặc biệt hữu ích khi trẻ bắt đầu đi học. Trẻ học được một số kiến thức từ chính những cuốn sách và một số kiến thức khác từ việc trò chuyện với cha mẹ trong giờ đọc sách.

Với kiến thức tổng quát hơn - dù là về địa lý, giao thông, thiên nhiên hay vô số chủ đề khác - trẻ em có nhiều bối cảnh hơn cho thông tin mà chúng gặp phải ở trường và dễ dàng học về các chủ đề mới.

phat-trien-ngon-ngu-qua-viec-doc7.jpg
Trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe hằng ngày đã tiếp xúc với nhiều hơn ít nhất 290.000 từ khi vào mẫu giáo so với bạn cùng lứa không được đọc sách thường xuyên. Ảnh: INT.

Đồng cảm và nhận biết cảm xúc

Ngoài ngôn ngữ và khả năng đọc viết, đọc sách cũng là một công cụ quan trọng giúp trẻ phát triển khả năng đồng cảm. Khi đọc sách về những người có cuộc sống khác với mình (và đặc biệt là những câu chuyện được kể theo góc nhìn của những người đó), trẻ sẽ trân trọng cảm xúc của người khác. Đồng thời, trẻ sẽ tôn trọng những nền văn hóa, lối sống và quan điểm khác.

Sách cũng có thể giúp trẻ học cách xử lý cảm xúc của chính mình theo hướng lành mạnh. Việc nhìn thấy các nhân vật trong sách trải qua những cảm xúc lớn như tức giận hay buồn bã giúp trẻ biết rằng, những cảm xúc này là bình thường. Trẻ cũng có cơ hội nói về những cảm xúc khó khăn của riêng mình.

Cha mẹ có thể sử dụng thời gian đọc sách như một cơ hội để nuôi dưỡng nhận thức về cảm xúc của trẻ và xây dựng bộ công cụ để xử lý cảm xúc. “Con đã bao giờ cảm thấy tức giận như cô gái trong cuốn sách này chưa? Con sẽ làm gì nếu cảm thấy như vậy?”,... là những câu hỏi phụ huynh có thể đặt ra cho trẻ.

Cha mẹ và con thêm gắn bó

Việc cha mẹ dành thời gian đọc sách cùng trẻ không chỉ là về hoạt động đọc sách. Đó là về việc có thời gian bên nhau, tập trung cùng nhau, không có sự xao nhãng hoặc đòi hỏi nào khác. Ngay cả vài phút đọc sách cùng nhau cũng giúp phụ huynh và con có cơ hội chậm lại, kết nối với nhau và chia sẻ một hoạt động thú vị.

Hơn nữa, khoảng thời gian ấm cúng bên nhau đó có lợi cho sự phát triển nhận thức của trẻ, đặc biệt là khi bé còn nhỏ. Những trải nghiệm về giác quan khi ngồi cùng người chăm sóc, nghe giọng nói quen thuộc và cảm nhận một cuốn sách trên tay đều quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Tiến sĩ Phillips cho biết: “Nghe một cuốn sách được đọc qua trợ lý ảo Alexa sẽ không mang lại cho trẻ lợi ích toàn diện như vậy”.

Khi khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ đang phát triển, việc tiếp xúc với các từ ngữ và ngôn ngữ cùng lúc với những trải nghiệm giác quan có ý nghĩa đó sẽ khiến sự tiếp xúc trở nên có giá trị hơn nữa.

Tiến sĩ Phillips cho biết: “Tiếp xúc vật lý khi trẻ được cha mẹ bế trong lúc đọc thực sự giúp kích thích các tế bào thần kinh trong não. Điều đó giúp trẻ dễ tiếp thu ngôn ngữ hơn và nhận thức được kích thích hơn từ trải nghiệm đó”.

phat-trien-ngon-ngu-qua-viec-doc-2.jpg
Việc đọc sách có lợi cho sự phát triển nhận thức của trẻ. Ảnh: INT.

Nên đọc gì?

Tiến sĩ Phillips lưu ý, mặc dù việc được đọc sách có lợi cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhưng lợi ích có phần khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của các bé. “Khi trẻ mới chào đời, cha mẹ hãy đọc bất cứ thứ gì mình muốn, ngay cả khi đó là tờ New York Times. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ nghe những từ ngữ, câu và ngôn ngữ”, Tiến sĩ Phillips cho biết.

Khi trẻ lớn hơn, nội dung sách bắt đầu trở nên quan trọng. Tiến sĩ Phillips lưu ý rằng, đọc sách có chủ đề dễ hiểu có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện có ý nghĩa về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của trẻ. Cuốn sách có thể là cầu nối để thảo luận về điều gì đó mà trẻ có thể đang trải qua. Đồng thời, giúp cha mẹ mở đầu một chủ đề mà không cần nói, ví dụ như: “Con có bị bắt nạt ở trường không?”.

Tất nhiên, đọc bất cứ thứ gì trẻ thích luôn là một ý tưởng hay. Khi trẻ có cơ hội theo đuổi sở thích của riêng mình, chúng sẽ hiểu rằng đọc sách là thú vị và bổ ích. Trẻ cũng sẽ có nhiều khả năng tự theo đuổi việc đọc sách hơn. Điều này cũng đúng với trẻ nhỏ muốn đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách. Tiến sĩ Phillips lưu ý rằng, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo thường muốn đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách. Sự lặp lại đó thực sự là một phần trong việc giúp trẻ thành thạo ngôn ngữ.

Theo chuyên gia này, không có lý do gì để ngừng đọc sách cho trẻ nghe ngay cả khi bé đã có thể tự đọc. Trẻ em thường thích nghe những cuốn sách vượt quá khả năng của mình một chút, ví dụ như nghe sách theo từng chương khi trẻ vẫn đang tự đọc sách tranh. Việc cha mẹ đọc sách cùng con trong suốt thời tiểu học của trẻ sẽ hỗ trợ bé phát triển khả năng đọc viết. Điều đó cũng giúp cha mẹ và con có cơ hội duy trì sự kết nối ngay cả khi trẻ trở nên độc lập hơn.

Tiến sĩ Phillips nhấn mạnh, tất cả những lợi ích này đều tương đương, bất kể cha mẹ đọc cho con mình nghe bằng ngôn ngữ nào. Bà cho biết: “Đôi khi, những gia đình nói các ngôn ngữ khác ở nhà lo lắng rằng, con mình sẽ không thành thạo tiếng Anh nếu họ đọc cho trẻ nghe bằng một ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tôi khuyến khích cha mẹ đọc cho trẻ nghe bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà bé cảm thấy thoải mái nhất khi đọc”.

Mặc dù vốn từ vựng và kiến thức nền mà trẻ học được có thể khác nhau, nhưng bất kỳ lợi ích về nhận thức nào mà trẻ đạt được ở một ngôn ngữ cũng sẽ tương tự ở bất kỳ ngôn ngữ nào.

Rất nhiều sách thiếu nhi có sẵn dưới dạng sách điện tử. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi về việc liệu việc đọc bằng sách điện tử có lợi ích tương tự sách in hay không. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cha mẹ và trẻ em có thể tương tác có ý nghĩa hơn khi đọc sách in hơn là sách điện tử. Một số chuyên gia cho rằng, trẻ em khó có thể chậm lại và đọc chăm chú trên màn hình hơn, vì chúng và cha mẹ đã quen với việc lướt nhanh khi đọc thông tin trên thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, không có lý do gì để từ bỏ hoàn toàn sách điện tử, đặc biệt là nếu chúng giúp gia đình có thể cùng nhau đọc sách. Ví dụ, nếu đang đi du lịch hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận với một số loại sách in, sách điện tử có thể giúp cả gia đình dễ dàng tìm thấy tài liệu mới hấp dẫn.

Điều quan trọng là làm cho thời gian đọc sách trở nên có ý nghĩa, bất kể phương tiện nào. Dành thời gian, ngồi lại với nhau và nói chuyện với con về cuốn sách có thể giúp trẻ và cha mẹ nhận được nhiều lợi ích tương tự khi cùng nhau đọc sách in.

Theo Childmind

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ