Trên tờ Science Translational Medicine, các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Van Andel (Mỹ) kết luận cắt ruột thừa giúp giảm 19% rủi ro mắc bệnh Parkinson.
Trong trường hợp bị Parkinson, người đã cắt ruột thừa cũng xuất hiện bệnh muộn hơn 3,6 năm so với người chưa cắt.
Theo IFL, đây là nghiên cứu rộng nhất, lâu nhất về bệnh Parkinson. Nghiên cứu được tiến hành trên 1,6 triệu người trong 52 năm.
Đây không phải lần đầu tiên giới khoa học đề cập đến mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và ruột. Trước đây, một số công trình chỉ ra người mắc bệnh Parkinson có những loại vi sinh vật đặc biệt trong ruột. Đau dạ dày, táo bón cũng được cho là những triệu chứng sớm của Parkinson.
Trong thời gian dài, các nhà khoa học nghi ngờ protein α-synuclein là thủ phạm dẫn đến Parkinson. Loại protein này xuất hiện khắp cơ thể song tập trung chủ yếu ở não và đóng vai trò báo hiệu thần kinh.
Ở bệnh nhân Parkinson, α-synuclein có thể đóng thành cục, giết chết các tế bào não điều khiển chuyển động, từ đó gây ra các triệu chứng đặc trưng của Parkinson như run rẩy, cứng đờ, chậm chạp.
Công trình của Viện nghiên cứu Van Andel ủng hộ phát hiện về α-synuclein và cho biết α-synucleincũng tích tụ trong ruột thừa. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra với cả người không bị Parkinson nên nhiều khả năng protein α-synuclein chỉ là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh Parkinson.