Lời giảng về lòng biết ơn chạm tới trái tim học trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều học sinh đã rơi nước mắt khi nghe những chia sẻ về tình thương của cha mẹ và cả câu chuyện đau lòng của những bạn sớm khuyết tình mẫu tử.

Học sinh chia sẻ lời yêu thương tới bố mẹ qua những trang thư. (Ảnh: NT).
Học sinh chia sẻ lời yêu thương tới bố mẹ qua những trang thư. (Ảnh: NT).

Nhằm giúp các em học sinh có cơ hội lắng mình lại, cảm nhận được những giá trị về lòng biết ơn, hiểu rõ hơn về lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ, thầy cô, đồng thời phát triển trí tuệ, đạo đức từ đó cố gắng học tập tốt, biết sống yêu thương, sáng ngày 1/3, Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hoá) đã tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Lòng biết ơn”.

Tham dự buổi sinh hoạt có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá cùng đại diện phụ huynh học sinh của các lớp.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Minh Khai 1. (Ảnh: NT).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Minh Khai 1. (Ảnh: NT).

Buổi nói chuyện với chủ đề “Lòng biết ơn” được diễn giả Nguyễn Hiểu Linh – chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, chuyên gia tâm lý học dẫn dắt qua những câu chuyện gần gũi từ quá trình các bạn học sinh được sinh ra, lớn lên từng ngày đến những hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo, bố mẹ...

Những câu chuyện chân thật, gần gũi của diễn giả Hiểu Linh đã chạm đến trái tim của học sinh khiến các em tự “soi mình” và nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.

Diễn giả Hiểu Linh chia sẻ tới học sinh cách thể hiện lòng biết ơn. (Ảnh: NT).

Diễn giả Hiểu Linh chia sẻ tới học sinh cách thể hiện lòng biết ơn. (Ảnh: NT).

Những câu hỏi của Diễn giả Hiểu Linh như “Ai đã từng làm cha mẹ buồn lòng?”; “Tại sao các con biết sai nhưng không chịu nhận lỗi” hay “Nói yêu thương với cha mẹ có khó không”; “Ai trong chúng ta dù yêu thương cha mẹ nhưng không dám mạnh dạn thể hiện?”…

Có những giọt nước mắt đã rơi, có những khuôn mặt không giấu được xúc động. Những điều hằng ngày tưởng chừng như đơn giản, nhưng sau những câu chuyện được sẻ chia, học sinh hiểu và biết ơn cuộc sống mà mẹ cha trao cho mình, biết ơn từng miếng ăn, giấc ngủ mà mẹ cha mang đến, biết ơn lời dạy bảo hằng ngày, biết ơn cả những tảo tần vất vả của mẹ cha để mong sao mang cho con những gì tốt đẹp nhất.

Học sinh hào hứng trả lời câu hỏi về lòng biết ơn. (Ảnh: NT).

Học sinh hào hứng trả lời câu hỏi về lòng biết ơn. (Ảnh: NT).

Cũng tại buổi giáo dục kỹ năng sống này, các em học sinh có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình. Cậu học sinh L.T.L. lớp 4A2 đã không còn cha từ khi lên 2 tuổi. Em lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Hiểu và thương mẹ nên L. luôn cố gắng học để mẹ yên lòng. “Khi con 2 tuổi thì bố mất do tai nạn giao thông. Trong buổi sáng hôm nay, nhiều bạn có mẹ đến dự còn con thì không vì mẹ con còn bận đi làm để có tiền nuôi con. Dù mẹ không có mặt ở đây, nhưng con muốn nói với mẹ rằng, con sẽ cố gắng học thật tốt và không phụ lòng mẹ”, L. chia sẻ.

Học sinh được các cô giáo ôm vào lòng với tất cả tình yêu thương. (Ảnh: NT).

Học sinh được các cô giáo ôm vào lòng với tất cả tình yêu thương. (Ảnh: NT).

Còn học sinh L.Q.C. (lớp 3A3) thì tâm sự, bố và mẹ đã không còn ở cùng nhau, mẹ cùng lúc phải đóng cả vai bố và mẹ nên em thương mẹ vô cùng. C. cũng chia sẻ, dù bố em đã có gia đình mới nhưng em vẫn luôn yêu thương và biết ơn vì bố đã cho em cuộc sống này. Cô học trò cũng mong muốn, qua câu chuyện của mình, những ai vẫn còn bố và mẹ bên cuộc đời thì hãy biết trân trọng và biết ơn vì điều đó.

Câu chuyện đau lòng của những học sinh đã khiến buổi lễ như lắng lại, các đại biểu cũng như thầy cô giáo, bậc phụ huynh và toàn thể học sinh trong trường không kìm được nước mắt. Thay lời muốn nói, các cô giáo đã ôm các em vào lòng bằng tất cả tình yêu thương.

Học sinh trả lời những câu hỏi xung quanh chủ đề "Lòng biết ơn". (Ảnh: NT).

Học sinh trả lời những câu hỏi xung quanh chủ đề "Lòng biết ơn". (Ảnh: NT).

Cũng trong chương trình này, học sinh được viết lên cảm xúc, nỗi niềm của mình qua trang thư. Có em bày tỏ lòng cảm ơn tới bố mẹ vì công sinh thành, có em gửi lời xin lỗi và hứa thay đổi bản thân, cố gắng học tập tốt hơn hay có những học trò chia sẻ câu chuyện không may mắn khi không còn bố, mẹ trên cõi đời… Những cảm xúc ấy đều được nhà trường trân trọng, lưu giữ để gửi gắm đến phụ huynh.

Cô giáo Đào Thị Yên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 chia sẻ: “Yêu thương – Biết ơn như là một nét đẹp truyền thống, một nét văn hóa của người Việt chúng ta. Yêu thương và biết ơn giúp chúng ta vững bước hơn trong cuộc sống, nhân lên giá trị làm người, hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, đồng thời bớt đi những vấp ngã, lạc lối...”.

Chia sẻ của học sinh trên những trang thư. (Ảnh: NT).

Chia sẻ của học sinh trên những trang thư. (Ảnh: NT).

“Nhà trường đã chọn chuyên đề này để giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống, bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh, đánh thức những cảm xúc tích cực, lòng hiếu thảo và xây dựng ý thức trách nhiệm cho các em. Bắt đầu từ trách nhiệm với gia đình, người thân, bố mẹ mình trước, rồi từ đó mở rộng ra thành trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

Qua buổi giáo dục kỹ năng sống, học sinh hiểu hơn về lòng biết ơn, biết ơn cha mẹ, thầy cô...

Qua buổi giáo dục kỹ năng sống, học sinh hiểu hơn về lòng biết ơn, biết ơn cha mẹ, thầy cô...

Đây cũng là dịp để học sinh mạnh dạn bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình với cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Chương trình góp phần hướng tới mục tiêu “Trường học hạnh phúc, thân thiện, học sinh tích cực”. Đó chính là thông điệp mà nhà trường gửi gắm sau buổi sinh hoạt ý nghĩa này”, Hiệu trưởng Đào Thị Yên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ