Lời giã biệt của cây mía

GD&TĐ - Vài chục năm trở về trước, cây mía được xem như cây trồng chủ lực, là “cây xóa nghèo” của các tỉnh ven biển miền Trung. Gần như tỉnh nào cũng cố sức xây cho được ít nhất là một nhà máy đường, kèm theo đó là vùng nguyên liệu mía.

Lời giã biệt của cây mía

Thế rồi, một loạt các “đối thủ” của cây mía dần xuất hiện như cây sắn (mì) công nghiệp, cây keo lai và một số loại rau đậu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khiến cây mía phải thu mình lại. Các nhà máy đường lần lượt chuyển lên Tây Nguyên hoặc… cân sắt vụn. Dù vậy, có những diện tích đất với đặc thù riêng nên người nông dân vẫn tiếp tục gắn bó với cây mía. Tổng diện tích trồng mía của các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận hiện nay không quá 5 nghìn hecta. Dù đã co cụm đến giới hạn cuối cùng nhưng rồi cây mía cũng sắp đến hồi cáo chung.

Việc hàng loạt diện tích mía ở các tỉnh miền Trung được chính những người trồng ra nó đốt hoặc chặt bỏ trong những ngày qua đã nói lên điều đó. Nguyên nhân thì nhiều, song điều dễ nhận ra nhất là trồng mía bây giờ không có lãi so với một số loại cây trồng khác trên cùng một mảnh ruộng.

Với giá mía mà các nhà máy đường thu mua như hiện nay là 660.000 đồng/tấn “mười chữ đường” nên tiền bán mía không đủ thuê nhân công chặt và vận chuyển mía đến nhà máy. Vì vậy, nhiều diện tích mía bị bỏ khô trên đồng hoặc người dân đốt bỏ để trồng cây khác. Giá thu mua mía năm nay thấp tận đáy là do giá đường thế giới cũng xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, đối với một số vùng mía chuyên canh ở các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long thì hòa vốn hoặc có lãi chút ít do năng suất mía ở những nơi đó từ 80 đến trên 100 tấn/hecta, còn đồng mía ở khu vực Trung Bộ, sau mấy chục năm cải tạo giống nhưng năng suất vẫn không tăng lên bao nhiêu. Trong khi đó, một số loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vấn đề làm “đau đầu” cho cả nông dân lẫn các nhà máy đường là, lấy tiền đâu để trả cho số nợ mà các nhà máy đã tạm ứng lúc vào vụ năm rồi? Mỗi nhà máy đường đã tạm ứng cho nông dân hàng chục tỉ trong khi mía thì chết khô ngoài đồng nên việc thu hồi đồng vốn tạm ứng là rất khó khăn. Hơn nữa, sau vụ mía này, nhiều người sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy đường không thể cấn trừ nợ bằng mía vào cuối vụ như vẫn làm trước đây.

Đã đến lúc ngành mía đường các tỉnh khu vực Trung Bộ nên tính toán lại việc có nên tiếp tục duy trì các nhà máy đường nữa hay dẹp bỏ để làm việc khác. Vì theo như báo cáo của một số nhà máy thì từ nhiều năm nay đều không có lãi, thậm chí lỗ nữa.

Sự cáo chung của cây mía đã nhãn tiền thì tiếp tục “nuôi” con nợ ấy làm gì?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ